📞

Diện tích băng Bắc Cực tiến gần mức thấp nhất

17:25 | 16/09/2016
Diện tích băng tại Bắc Cực đã giảm xuống gần bằng mức thấp nhất trong lịch sử. Các nhà khoa học cho rằng tình hình có thể còn tiếp tục tồi tệ hơn.

Mỗi năm vùng băng ở Bắc cực thu hẹp diện tích lại vào mùa Xuân và mùa Hè trước khi mở rộng lại vào mùa Đông, tuy nhiên hiện tượng băng tan mạnh trong năm 2016 đã làm cho các nhà khoa học lo ngại.

"Mùa hè năm nay nhiều giông bão, nhiều mây và khá mát mẻ ở khu vực này" - giám đốc Trung tâm dữ liệu Băng tuyết quốc gia của Mỹ (NSIDC) Mark Serreze cho biết.

NSIDC đã đo đạc diện tích băng ở biển Bắc Cực những năm gần đây (tính đến ngày 10/9) so với mức trung bình của giai đoạn 1981-2010.

"Điều kiện thời tiết như vậy làm chậm sự tan băng vào mùa hè, nhưng chúng tôi lại ghi nhận được, lần thứ hai, diện tích băng đã giảm xuống mức thấp nhất trong hồ sơ dữ liệu do vệ tinh ghi lại."

Theo một báo cáo mới đây của NSIDC và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), diện tích băng Bắc Cực thu hẹp xuống mức thấp nhất trong năm nay vào ngày 10/9 – chỉ còn 4,4 triệu km2, gần giống như hồi tháng 9/2007.

Diện tích hẹp nhất của băng ở Bắc Cực được ghi nhận là vào ngày 17/9/2012, khi nó thu hẹp xuống chỉ 3,39 triệu km2.

Băng biển tan dần dẫn đến nhiều hậu quả cho môi trường sinh thái. (Ảnh: AFP)

Các nhà nghiên cứu cảnh báo nguy cơ băng sẽ không còn sau hai hay ba thế hệ nữa.

Băng ở Bắc Cực rất quan trọng cho việc duy trì nhiệt độ của Trái Đất, cũng như ảnh hưởng đến sự lưu thông của khí quyển và đại dương, theo các nhà khoa học của NASA.

Sự suy giảm đáng kể băng cũng có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái Bắc Cực. Các nhà khoa học bắt đầu giám sát băng từ năm 1978 cho biết.

"Băng có khả năng phản xạ rất mạnh bức xạ Mặt Trời trở lại không gian. Chúng ta vẫn còn một số vùng biển có băng nhưng vẫn không đủ cho hành tinh này" - Tiến sĩ Jan Lieser, một nhà nghiên cứu băng biển thuộc Trung tâm nghiên cứu khí hậu và các hệ sinh thái Nam Cực của Australia nói.

(theo CNN)