Ngày 2/10, người dân Colombia bất ngờ bỏ phiếu phản đối thỏa thuận hòa bình giữa Chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC). Nếu được thông qua, thỏa thuận sẽ chấm dứt cuộc xung đột tại Colombia kéo dài 52 năm, khiến 220.000 người chết và khoảng 8 triệu người phải di tản. Tuy nhiên, 50,23% cử tri Colombia không đồng ý với thỏa thuận này, trong khi tỷ lệ người ủng hộ đạt 49,76%.
Ác mộng chính trị
Chính phủ Colombia và FARC bắt đầu đàm phán từ 2012 tại Havana (Cuba) dưới sự bảo hộ của bốn nước Cuba, Na Uy, Chile và Venezuela. Hai bên đạt được thống nhất về nội dung thỏa thuận vào tháng 8/2016 và ký vào tháng 9/2016.
Thỏa thuận hòa bình từng được Tổng thống Juan Manuel Santos “quảng cáo” là một cơ hội lịch sử cho Colombia, giờ đây đã trở thành cơn ác mộng chính trị. Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ to lớn của cộng đồng quốc tế, từ Nhà Trắng cho đến Giáo hoàng. Các cuộc thăm dò dư luận trước đó cũng cho thấy khả năng chấp thuận của người dân là rất cao.
Một cô gái Colombia bày tỏ nỗi buồn trước kết quả trưng cầu ý dân vừa qua. (Nguồn: AFP). |
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) vào tháng 9/2016, Tổng thống Santos tuyên bố Colombia cuối cùng đã đạt được hòa bình và thỏa thuận này có thể coi là hình mẫu để chấm dứt các cuộc xung đột khác. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và lãnh đạo các nước trong và ngoài khu vực đã sớm chúc mừng Chính phủ Colombia. Một số nước còn cam kết hỗ trợ Colombia trong việc khôi phục đất nước sau hậu chiến, chẳng hạn như Mỹ sẽ viện trợ 450 triệu USD, Canada 57 triệu USD, Na Uy 21 triệu USD, EU loại bỏ FARC ra khỏi danh sách khủng bố và mở ra cơ hội cho Colombia nhận tới 600 triệu USD từ liên minh này… Với sự ủng hộ mạnh mẽ nói trên, ta có thể hiểu tại sao Tổng thống Santos lại tự tin như vậy và tuyên bố Chính phủ không cần chuẩn bị “phương án B”.
Thất bại hay cơ hội mới?
Việc phe “không ủng hộ” giành chiến thắng là một gáo nước lạnh mà nhân dân Colombia dành cho Chính quyền Santos, và cũng là lời nhắc nhở cộng đồng quốc tế rằng người dân mới là nhân tố quyết định tại Colombia. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là tại sao nhân dân Colombia lại lựa chọn như vậy mà không ủng hộ hòa bình cho chính đất nước mình?
Nếu nhìn nhận vấn đề từ khía cạnh của một người Colombia, quyết định trên là hợp lý. Trước hết, công tác tuyên truyền của Chính phủ Colombia là khá yếu kém, không chuyển tải rõ ràng các lợi ích cụ thể mà thỏa thuận đem lại cho người dân. Trong khi đó, phiến quân nhận được rất nhiều lợi ích như (i) FARC được công nhận là chính đảng và được ngay 10 ghế Hạ viện, (ii) xử án “nhẹ” nếu phiến quân thú tội, (iii) thành viên FARC sẽ được nhận 90% lương cơ bản trong thời gian tái hội nhập xã hội. Với người dân Colombia, những lợi ích từ hòa bình xem ra xa vời, trong khi tiền thuế họ phải đóng lại được dễ dàng cung cấp cho các phiến quân.
Đồng thời, phe phản đối tuy không có được bộ máy vận động hùng mạnh song lập luận của họ lại rất thực tế và hiện hữu. Họ cảnh báo về khả năng FARC lên nắm quyền sẽ đưa đất nước theo mô hình Cuba hoặc Venezuela.
Cử tri Colombia bác bỏ hòa ước giữa Chính phủ Colombia và FARC. (Ảnh: Reuters). |
Bên cạnh đó, mức tín nhiệm của người đứng đầu hai luồng suy nghĩ, cựu Tổng thống Alvaro Uribe (nhiệm kỳ 2002 – 2010) đại diện cho phe phản đối và Tổng thống Santos của phe ủng hộ cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định của cử tri. Cựu Tổng thống Uribe, hiện là Thượng nghị sĩ, là vị Tổng thống có uy tín nhất trong lịch sử Colombia, từng đạt tỷ lệ ủng hộ cao nhất là 85% hồi tháng 7/2008 và thấp nhất là 63% tháng 2/2010. Hiện tại, ông Uribe tiếp tục là chính khách được ủng hộ nhất tại Colombia với 56% cử tri. Ngược lại, uy tín của Tổng thống Santos tại Colombia hiện rất thấp, chỉ đạt 29% do tình trạng kinh tế đất nước suy yếu, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015 chỉ đạt 3,1% so với mức trung bình 4,8% từ 2010 đến 2014.
Mặc dù thỏa thuận hòa bình không được thông qua nhưng quá trình hòa bình tại Colombia chắc chắn sẽ được tiếp tục do đây là mong muốn chung của tất cả người dân. Kết quả ngày 2/10 chỉ thể hiện sự phản đối của họ với thỏa thuận cụ thể này. Sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, Tổng thống Santos đã cam kết sẽ tôn trọng kết quả, đồng thời khẳng định thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn với FARC sẽ duy trì hiệu lực. Thủ lĩnh FARC Rodrigo Londono cũng khẳng định quyết tâm từ bỏ vũ khí và “chỉ đấu tranh bằng ngòi bút”. Đại diện cho tiếng nói của phe không ủng hộ, Thượng nghị sĩ Uribe cũng nêu mong muốn có hòa bình tại Colombia, tuy nhiên ông nhấn mạnh yêu cầu xem xét lại các nội dung trong thỏa thuận để đảm bảo công bằng hơn cho tất cả các bên.
Có lẽ, sự chậm trễ này lại là một cơ hội cho Colombia, giúp Chính phủ Colombia nhìn nhận lại và đánh giá đúng về tình hình đất nước cũng như nguyện vọng của toàn dân.
Chính những yếu tố nội bộ, không phải những lời kêu gọi và viện trợ từ bên ngoài, mới ảnh hưởng tới lựa chọn của người dân và quyết định hướng đi của một dân tộc.