Sở giao dịch chứng khoán London của Anh - LSE. (Nguồn: WSJ) |
Trong thông cáo của mình, LSE nêu rõ: “Hội đồng quản trị của chúng tôi có những quan ngại cơ bản về các điều kiện của thương vụ này. Chúng tôi nhất trí từ chối thương vụ này. Với những sai sót cơ bản, chúng tôi thấy rằng thương vụ này không có giá trị để thảo luận thêm”.
Bất thành là điều dễ hiểu
Những cổ đông người Anh của LSE đã có ý không bằng lòng thương vụ sáp nhập với HKEX. Các công ty Jupiter Asset Management và Aberdeen Standard Investments cho thấy họ mong muốn LSE mua lại Refinitiv - nhằm mở rộng nguồn dữ liệu thông tin, chứ không phải là sáp nhập với HKEX.
Guy de Blonay, nhà quản lý quỹ tại công ty Jupiter Asset Management nói rằng: “Jupiter hiện đang nắm giữ 0,7% vốn chủ sở hữu của LSE. Ở giai đoạn hiện tại, thương vụ mua lại Refinitiv sẽ mang lại nhiều lợi ích lâu dài hơn so với lời đề nghị sáp nhập của Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong”. Ngay cả, bà Rhona Millar, nhà phân tích đầu tư tại Công ty Aberdeen Standard Investments, một trong 15 cổ đông lớn nhất của LSE cũng đã cảnh báo rằng: “Những cổ đông chào đón vụ sáp nhập với Refinitiv sẽ cố gắng đảm bảo một chiến lược đúng đắn dài hạn và sẽ không bị đánh bại bởi một lời đề nghị sáp nhập”.
Đặc biệt, thông cáo của LSE cũng cho biết, sàn này "sẽ vẫn đang có những bước tiến khả quan trong thương vụ mua lại Refinitiv. Các quy trình phê duyệt về mặt pháp lý cho thương vụ này đang được tiến hành". "Chúng tôi dự kiến trình lên cổ đông của London Stock Exchange Group (LSEG - tập đoàn sở hữu LSE) vào tháng Mười Một tới để được thông qua” - thông cáo cho biết thêm.
Cầu truyền hình về câu chuyện của 2 sàn giao dịch chứng khoán LSE và HKEX. (Nguồn: Bloomberg) |
Khi thương vụ này đang xảy ra, nó có phần thể hiện lòng tin đối với trung tâm tài chính London hậu Brexit. Chính phủ Anh có quyền bác bỏ thương vụ với lý do đảm bảo an ninh quốc gia. Một người phát ngôn của Chính phủ Anh nói: “LSE là một phần quan trọng của hệ thống tài chính Anh. Vì thế, Chính phủ Anh và các nhà làm luật sẽ xem xét các chi tiết một cách kỹ càng”.
Khi tình hình thế giới ngày càng trở nên khó lường, như biểu tình tại Hong Kong, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung... thì những điều khoản thương mại sẽ không có nhiều sức nặng, đặc biệt là khi LSE là một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới.
Vào năm ngoái, các nghị sĩ Mỹ đã phản đối việc một tập đoàn có liên quan đến Trung Quốc tham gia đấu thầu mua lại Sàn giao dịch chứng khoán Chicago.
Giá cổ phiếu biến động
Tuy ban đầu, giá cổ phiếu của LSE tăng lên 16% sau khi HKEX đưa ra lời đề nghị LSE mua lại để có được tham vọng tạo ra một sàn chứng khoán toàn cầu. Tuy nhiên, sau đó giá trị của cổ phiếu này giảm xuống 3,8% và hiện đã tăng 1,2% sau khi sàn này từ chối đề nghị của HKEX .
Hội đồng quản trị LSE cũng đã gửi một lá thư cho hội đồng quản trị HKEX, trong đó nói rằng họ “bất ngờ và thất vọng” khi HKEX đã công khai "đề nghị đơn phương" này chỉ hai ngày sau khi gửi nó tới LSE.
LSE nói thêm rằng, thương vụ với Refinitiv là nguyên nhân chính khiến sàn này từ chối đề nghị của HKEX. Sàn này cho biết từ khi công bố thương vụ với Refinitiv, giá cổ phiếu của LSEG đã tăng tới 29%.
Đáp lại lời từ chối của LSE, HKEX cho biết sẽ không từ bỏ thương vụ này và sẽ tổ chức các cuộc thảo luận với nhà đầu tư của LSE trong khi tính toán bước tiếp theo.
Tuy nhiên, nhà phân tích Michael Werner của UBS chỉ ra rằng: “Lời từ chối của LSE cho thấy rõ ràng, kể cả khi HKEX cân nhắc lại các điều khoản của thương vụ, hội đồng quản trị của LSE sẽ thiên về thương vụ với Refinitiv hơn”.
Trước khi LSE tuyên bố từ chối đề nghị mua lại, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nhận định rằng những "ảnh hưởng của Chính phủ Trung Quốc tại Hong Kong" có thể gây ra những quan ngại về pháp lý liên quan tới an toàn thông tin và dữ liệu tại Anh và Mỹ.