“Nếu được chọn lại, tôi không thể tiếp tục dạy học ở đây”
Kristiina Chartouni là một giáo viên kỳ cựu người Phần Lan, cô vừa chuyển đến công tác tại một trường cấp ba ở Mỹ. Cô tâm sự: "Mặc dù tôi đang làm cái nghề mà mình yêu thích, nhưng tôi lại không cảm nhận được điều tuyệt vời ấy ở chốn này, mọi thứ hoàn toàn khác lạ so với lúc tôi còn ở Phần Lan. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi như bây giờ".
Chartouni nhận bằng thạc sĩ chuyên ngành ngoại ngữ của trường đại học Jyväskylä, ở Phần Lan. Cô cùng gia đình chuyển đến Florida năm 2014. Hiện nay, cô Chartouni làm giáo viên dạy ngoại ngữ cho hai trường công lập ở bang Volunteer.
Trước đó, cô cũng có thời gian dạy ở Tennessee. Môi trường giảng dạy tại bang này gò bó, rất khác so với thời gian cô còn dạy ở Phần Lan. Ở Phần Lan, hiệu trưởng hoặc quản lý của trường cũng theo dõi bài giảng của giáo viên nhưng không liên tục và ngặt nghèo như ở đây.
Cô đang dần phải thích ứng với môi trường luôn có sự giám sát, theo dõi, và đánh giá công việc giảng dạy một cách thường xuyên, nghiêm ngặt. Lớp học của cô Chartouni có đến 3 người cùng đến giám sát, từ người đại diện của một trường đại học đến người quản lý của địa phương. Theo lời của Chartouni thì một năm học có đến vài đợt khảo sát bất ngờ khiến cô rất mệt mỏi.
Chartouni nhớ lại khoảng thời gian khi còn làm giáo viên ở Phần Lan: “Cứ vào đầu năm học, sau khi nhận lịch dạy, tôi tự chủ động chuẩn bị bài giảng phù hợp với sở thích và phong cách giảng dạy của mình. Lúc nào tôi cũng muốn làm việc hết mình vì mọi người luôn tin tưởng vào năng lực của tôi”.
Khi ấy, cô Chartouni và các đồng nghiệp của mình phải tham khảo mẫu bài giảng để chuẩn bị nội dung cho tiết dạy. Mọi vấn đề, nội dung giảng dạy đều được soạn ra một cách chi tiết. Cô có kinh nghiệm đứng lớp hàng chục năm của mình ở Phần Lan, cùng thói quen chỉ soạn khung bài giảng cho mỗi buổi lên lớp, nội dung chi tiết, linh hoạt… Tuy nhiên, ở Mỹ, do không được làm như vậy nên bài giảng của cô bị đánh giá là không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không khoa học, không hiệu quả.
Sức sáng tạo của giáo viên Phần Lan bị trói buộc khi dạy học ở Mỹ |
Chartouni cũng chia sẻ: Ở Phần Lan, giáo viên và học sinh có 15 phút nghỉ giữa giờ để chuẩn bị cho tiết học khác. Nhưng ở đây, theo quy định, các em chỉ có 5 phút ra chơi và phải tập trung cao độ vào bài vở ngay khi chuông báo giờ vào lớp. Do đó, cô giáo Chartouni thường bắt đầu tiết học bằng một số hoạt động hết sức nhẹ nhàng giúp các em có thêm chút thời gian thư giãn.
Sau vài tháng làm quen với môi trường mới, cô Chartouni tự hỏi không biết mình có nên theo đuổi nghề dạy học ở Mỹ hay không? Cô tâm sự: Nếu được hỏi chắc tôi sẽ trả lời là tôi không thể tiếp tục công việc của mình ở đây. Cô thừa nhận: “Tôi đang tìm kiếm cho mình những cơ hội mới”.
Sức sáng tạo bị “trói buộc”
Một cô giáo dạy tiếng Anh lâu năm của tại trường tiểu học ở Maryland chia sẻ: “Tôi đã có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động giảng dạy. Ở Phần Lan, tôi đã dành rất nhiều thời gian cùng đồng nghiệp lên kế hoạch cho các hoạt động ngoại khóa, làm công tác tham mưu cho hiệu trưởng”.
Tuy nhiên, sau 16 năm dạy học ở Mỹ, cô giáo này nhận ra rằng, công việc của cô như một thói quen đã lập trình sẵn, nó lặp đi lặp lại một cách đơn điệu đến mức có thể thuộc lòng mọi thứ, đi họp cũng chỉ ngồi nghe, chẳng có tranh luận, đối thoại gì. Do đó mà cô không phát triển được bản thân.
Tương tự, một cô giáo trẻ người Phần Lan khác tên là Satu Muja lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành tiếng Anh ESOL tại Mỹ (năm 2014) nhận thấy mức độ tự chủ trong công việc giảng dạy tại Mỹ có phần hạn chế về thời gian dạy cùng một loạt những quy định về trách nhiệm của giáo viên ở đây khiến cô cảm thấy áp lực, chán nản.
Cô Muja chia sẻ: “Tôi dạy 6 tiết/ngày, mỗi tiết kéo dài 45 phút, các lớp tôi dạy thuộc ba trình khác nhau. Trong khi, tôi chỉ có 4 phút nghỉ giải lao, rồi lại dạy tiếp lớp khác. Trong giờ giải lao, tôi đứng ngoài hành lang làm một số việc như kiểm tra hòm thư điện tử để cập nhật thông tin trước khi vào lớp vì chúng tôi thường xuyên bị kiểm tra, ngoài ra còn làm một số việc khác nữa”.
Với từng ấy công việc và nhiều vấn đề khác khiến cô lúc nào cũng thấy vội vã, thấy thiếu thời gian, làm việc không hiệu quả, không có gì thú vị, không có thời gian để nhìn lại mà rút kinh nghiệm, không tạo ra được những hoạt động ý nghĩa, bổ ích cho học sinh.
Thể hiện sự chán nản, áp lực của mình khi dạy học tại Mỹ, cô Muja đã trích dẫn một câu trong bài báo của một học giả ngành giáo dục tên là Pasi Sahlberg trên Washington Post: “Điều gì xảy ra nếu những nhà giáo giỏi của Phần Lan dạy học ở Mỹ?”. Trong bài báo của tác giả Sahlberg có đoạn viết: "Những chính sách giáo dục ở Indiana và nhiều tiểu bang khác trên toàn nước Mỹ gây ra nhiều hạn chế cho giáo viên. Họ không có nhiều cơ hội sử dụng các kỹ năng, trí tuệ của mình và không có cơ hội chia sẻ những điều bổ ích, lý thú cho học sinh".
Theo một báo cáo của Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia Mỹ, khi giáo viên được chủ động trong giảng dạy, các thầy cô sẽ cảm thấy yêu nghề và gắn bó với nghề hơn. Trong khi đó, hầu hết các giáo viên của các trường công ở Mỹ lại cho rằng vấn đề tự chủ trong giảng dạy của họ như lựa chọn tài liệu, nội dung, chủ đề bài giảng, kỹ năng sư phạm không cao. Thực tế, tỉ lệ giáo viên của các trường công lập ở Mỹ có được sự tự chủ trong công việc rất thấp, chỉ đạt tỉ lệ 18% (năm học 2003 - 2004), thì đến đến năm 2011 - 2012, con số này mới chỉ đạt 26%. |