📞

Điêu khắc Angkor - Thật giả lẫn lộn

14:00 | 17/12/2016
Một số xưởng chế tác mỹ nghệ ở Campuchia đã tạo ra những sản phẩm giả mạo các kiệt tác thời kỳ Văn minh Angkor ở mức độ tinh xảo đến các chuyên gia còn khó phân biệt.

Di tích Angkor của Campuchia, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, là cái nôi của rất nhiều kinh đô thời Đế chế Khmer. Di tích này hiện là một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất khu vực Đông Nam Á.

Từ năm 2014, các tổ chức mỹ thuật và nhiều nhà sưu tầm cá nhân đã trả lại cho Campuchia 11 tác phẩm điêu khắc. Những tác phẩm này bị đánh cắp, xuất khẩu phi pháp và rơi vào tay các nhà sưu tập tư nhân.

Một số tác phẩm điêu khắc thời Angkor.

Cùng với nạn trộm cắp, các hoạt động sao chép, làm nhái các kiệt tác Angkor ngày càng trở nên phổ biến tại Campuchia. Tài năng của các “nghệ nhân” này khiến cho người ta không thể phân biệt đâu là giả đâu là thật.

Những kẻ làm giả

Nhà nghiên cứu người Mỹ Jim Sanborn được tận mắt chứng kiến kỹ năng của những kẻ sao chép tác phẩm nghệ thuật người Campuchia. Ông đã dành hơn 4 năm để tìm hiểu cách thức mà những kẻ giả mạo làm “già” các sản phẩm mà họ chế tác sao cho giống với các tác phẩm thật. Ông Sanborn cho ra đời cuốn sách “Đồ cổ đương thời - Nguồn gốc ở đâu?”, trong đó nêu bật vấn đề các tác phẩm điêu khắc bằng đá sa thạch được tạo ra gần đây ở Campuchia và được làm “già” đi tại Mỹ để thành “đồ cổ”.

Năm 2012, ông Sanborn tới thăm một xưởng chế tác tại một vùng quê ở Campuchia. Sau khi giới thiệu mình là nhà sưu tầm nghệ thuật, ông được chào mời các “tác phẩm” trông giống hệt các tác phẩm điêu khắc thời Angkor. Chúng được bày bán tại nhiều phiên đấu giá quốc tế với giá cao gấp từ 10 đến 100 lần giá bán thông thường tại vùng nông thôn này.

Ngoài ra, ông còn được xem nhiều tác phẩm điêu khắc khác mà ngay cả đối với một chuyên gia, dấu hiệu duy nhất giúp phát hiện ra đồ giả, đó là ông tận mắt thấy chúng xuất hiện trong xưởng chế tác. Ông Sanborn cho biết chỉ trong vòng từ 2-3 tháng, công nghệ hiện đại đã khiến cho các tác phẩm trở nên “già nua” như đã trải qua hàng trăm năm vậy.

Lấy lại tính xác thực

Các phân tích kỹ thuật là các kiểm định hữu hiệu nhất, thế nhưng không phải lúc nào cũng áp dụng được. Các nghệ nhân ngày nay dùng cùng một loại đá với các tác phẩm cổ và những người làm giả mạo tác phẩm có đủ kỹ xảo tinh vi để đảm bảo sản phẩm của họ khó bị phát hiện.

Ông Christian Fischer, chuyên gia thuộc Chương trình Bảo tồn Getty/UCLA (Mỹ), giải thích làm thế nào mà những kẻ giả mạo tác phẩm lại thường nhanh chân hơn các chuyên gia: “Những kẻ làm giả mạo đã tìm hiểu kỹ lưỡng về các nghiên cứu khoa học và các tác phẩm văn học, để từ đó giúp họ cải thiện các quy trình làm cho sản phẩm “già đi”. Từ cuối những năm 1990, việc xuất hiện các tác phẩm điêu khắc bị nghi vấn do có lớp bề mặt giàu mangan có thể liên quan đến các mô tả về mangan trong một số tác phẩm văn học. Và từ đó, mangan không còn xuất hiện trong các tác phẩm giả mạo nổi tiếng nữa.”

Tuy vậy, dù là hàng thật hay hàng giả, các tác phẩm điêu khắc đều là những sản phẩm nghệ thuật và xứng đáng để được ca tụng. Ông Christian Fischer còn nhận xét, các nghệ nhân người Campuchia, dù là người xưa hay thời nay, đều rất tuyệt vời.

Tất nhiên, ông Christian Fischer cho rằng: những người có trách nhiệm bảo vệ và thẩm định các tác phẩm nghệ thuật cần phải hết sức cẩn trọng để đảm bảo phân biệt hàng thật và hàng giả. Có như thế mới không xảy ra tình trạng các tác phẩm điêu khắc có từ thời cổ đại bị xếp “chung mâm” với những sản phẩm giả mạo.

(theo The Conversation)