Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và người đồng cấp Angola Joao Lourenco trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington, DC, năm 2023. (Nguồn: AFP) |
Với chuyến đi này, ông Biden sẽ hoàn thành lời hứa đưa ra vào cuối năm 2022 là đến thăm vùng châu Phi cận Sahara. Ông cũng sẽ tìm cách tăng cường sự hiện diện của Mỹ trên lục địa này trước sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc.
Các quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết, Tổng thống Biden sẽ có cuộc hội đàm với đồng cấp Angola João Lourenço tại thủ đô Luanda và sẽ có bài phát biểu trước công chúng về phương hướng triển khai Chiến lược của Mỹ đối với khu vực châu Phi hạ Sahara được công bố năm 2022.
Lần gần đây nhất ông Biden và ông Lourenço gặp nhau là vào cuối tháng 11/2023 tại Phòng Bầu dục.
Trong các phát biểu, ông Biden dự kiến nhấn mạnh sự cần thiết cải thiện nền kinh tế, duy trì hòa bình và củng cố an ninh tại châu Phi và nâng cao vai trò dẫn dắt của các nước thuộc lục địa này trong ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Ông chủ Nhà Trắng công bố những nội dung mới liên quan an ninh y tế toàn cầu, kinh doanh nông nghiệp, hợp tác an ninh và bảo tồn di sản văn hóa của Angola.
Tổng thống Mỹ sẽ nêu bật những thành tựu và kế hoạch của hai bên trong triển khai dự án Hành lang xuyên châu Phi Lobito, một dự án đầu tư phát triển đường sắt kết nối Angola với Congo và Zambia.
Báo chí Mỹ dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, trước khi thăm Angola, ông Biden sẽ có chuyến thăm ngắn đến quốc đảo Cabo Verde thuộc khu vực phía Tây châu Phi.
Dư luận Mỹ đánh giá chuyến công tác của ông Biden là nỗ lực muộn màng nhằm “đánh bóng di sản đối ngoại” và làm suy yếu phần nào vị thế của Trung Quốc tại khu vực.
Các trang báo đặc biệt chú ý đến dự án Hành lang xuyên châu Phi, cho rằng đây sẽ là một trong những sáng kiến “sống sót” qua giai đoạn chuyển giao quyền lực sắp tới tại Mỹ, do Tổng thống đắc cử Donald Trump và phe Cộng hòa có nhu cầu “phá thế độc quyền” của Bắc Kinh trong khai thác các khoáng sản hiếm tại Congo và Zambia.