📞

Định hình 'diện mạo' đến năm 2045, ASEAN muốn nắm chắc tương lai 'trong tầm tay'

Nga Phương 11:31 | 07/04/2023
ASEAN đang dự thảo tầm nhìn chiến lược về Cộng đồng ASEAN đến năm 2045. Điều này giúp ASEAN có được một nền tảng chắc chắn để vững bước đến tương lai.
ASEAN đang lên định hướng phát triển ASEAN trong 20 năm sau năm 2025. (Nguồn: ASPI)

Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn ngày 30/3 cho biết Nhóm đặc trách cấp cao (HLTF) về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 đã nhất trí xây dựng Dự thảo với tầm nhìn về Cộng đồng ASEAN trong 20 năm tới.

Theo Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn, ASEAN không thúc đẩy xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng trong ngắn hạn. Nhóm đặc trách cấp cao đang dự thảo tầm nhìn chiến lược về Cộng đồng ASEAN đến năm 2045.

"Chúng tôi muốn đề ra những định hướng phát triển ASEAN trong 20 năm sau năm 2025. Đó là lý do chúng tôi đã tập hợp những nhân vật nổi tiếng và đại diện cấp cao trong ASEAN để thảo luận về định hình chương trình nghị sự và tầm nhìn Cộng đồng đến năm 2045”, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu Ban thư ký ASEAN, Nhóm đặc trách cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đã nhất trí về định hướng khung thời gian chiến lược này tại cuộc họp lần thứ 7, được tổ chức mới đây ở Indonesia.

Theo lộ trình, Nhóm đặc trách cấp cao sẽ báo cáo Lãnh đạo ASEAN về tiến trình xây dựng Dự thảo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42, dự kiến diễn ra từ 9-10/5 tới.

Phù hợp mọi tình hình

Trong một bài viết trên tờ Bangkok Post, nhà báo Thái Lan Kavi Chongkittavonrn, chuyên gia kỳ cựu về các vấn đề khu vực đã có bài viết phân tích về quyết định này của ASEAN.

Ông Kavi Chongkittavonrn cho rằng từ nay đến năm 2025, Nhóm đặc trách cấp cao sẽ phải đối mặt với một câu hỏi về thách thức quan trọng nhất của ASEAN, đó là làm thế nào để vạch ra một tầm nhìn không chỉ đảm bảo sự phù hợp của ASEAN trong tình hình địa chính trị 20 năm tới, mà còn cả khả năng phục hồi và phát triển, trở thành những nhân tố kinh tế lớn hàng đầu thế giới.

Trong những tháng qua, Nhóm đặc trách cấp cao đã tổ chức tham vấn với các cơ quan liên quan đến ASEAN, bao gồm Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR), Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB) và Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC).

Ngoài ra, Nhóm cũng gặp gỡ các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (Eria), một tổ chức tư vấn kinh tế có trụ sở tại Jakarta, để trao đổi quan điểm về các vấn đề liên quan.

Đề cập kế hoạch chi tiết trong Tầm nhìn năm 2045 của Cộng đồng ASEAN, chuyên gia Kavi Chongkittavonrn cho biết Nhóm đã xác định các xu hướng chính của khu vực và toàn cầu sẽ tác động đến Cộng đồng ASEAN, theo đó, đòi hỏi phải khai thác các công nghệ mới và đảm bảo cơ hội cho mọi công dân của Hiệp hội.

Trong 20 năm nữa, ASEAN có thể có dân số lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ. Những xu hướng lớn được Nhóm đặc trách cấp cao đề cập bao gồm: hiệu ứng dây chuyền từ những thay đổi địa chính trị, khủng hoảng năng lượng và an ninh lương thực; trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và an ninh mạng. Ngoài ra, thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức do đại dịch và thiên tai gây ra.

Theo chuyên gia ASEAN của Thái Lan, không giống như Tầm nhìn sau năm 2025 của Cộng đồng ASEAN tập trung vào ba trụ cột của Hiệp hội, bao gồm chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, tầm nhìn ASEAN năm 2045 có thể bao gồm những thách thức liên thế hệ mới mà các thế hệ khác nhau sẽ phải liên tục giải quyết trong cộng đồng ASEAN.

"Để phù hợp trong thế giới tương lai phân cực hơn, ASEAN phải cùng nhau hành động và củng cố vai trò trung tâm của khối để duy trì vai trò chủ chốt toàn cầu", chuyên gia Kavi Chongkittavonrn nhấn mạnh.

Trong một chia sẻ vào tuần trước, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn đề cập tình hình địa chính trị hiện nay và cho rằng tất cả các cường quốc đều là bạn và đối tác của ASEAN.

Do đó, Tổng thư ký nhấn mạnh ASEAN cần có nhiều đối thoại, cam kết và tham vấn hơn thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt để giải quyết những thách thức mới mà Hiệp hội đang phải đối mặt. Theo ông, ASEAN muốn chứng kiến sự tăng cường lòng tin chiến lược và giảm căng thẳng trong khu vực, đồng thời tập trung vào việc ngăn ngừa xung đột”.

Chuyên gia Kavi Chongkittavonrn cho rằng, ASEAN mong muốn xây dựng các kế hoạch chiến lược để ngăn chặn bất kỳ cường quốc nào kiềm chế và gây sức ép đối với ASEAN.

Do đó, Nhóm đặc trách cấp cao cần có những tầm nhìn táo bạo hơn nhưng có thể thực hiện được. Chắc chắn, các cơ quan và cấu trúc chủ chốt của ASEAN không thay đổi trong hai thập kỷ tới, đặc biệt là những nguyên tắc đã được thử thách qua thời gian được ghi trong Tuyên bố Bangkok năm 1967 bao gồm tạo sự đồng thuận, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Tất cả những điều này sẽ giúp củng cố hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN, sự kết nối và cảm giác thân thuộc của Cộng đồng.

Ông Kavi Chongkittavonrn cho rằng vẫn còn nhiều điều chưa được thảo luận về những gì ASEAN cần làm trong hai thập kỷ sau năm 2025. Bất kể thách thức mới nào xuất hiện, ASEAN phải tiếp tục chứng minh cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các đối tác đối thoại lớn, rằng Cộng đồng ASEAN quyết tâm và sẵn sàng giải quyết chúng một cách tập thể. Điều quan trọng là người dân ASEAN phải hoàn toàn tin tưởng vào khả năng và năng lực của "mái nhà chung".

Vai trò trung tâm-luôn cần củng cố

Hiến chương ASEAN nêu rõ mục tiêu chính của ASEAN là “duy trì vai trò trung tâm và chủ động của ASEAN như là động lực chính trong quan hệ và hợp tác với các đối tác bên ngoài trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch và bao trùm”.

Mặc dù còn nhiều thách thức, song vai trò trung tâm của ASEAN vẫn có nhiều cơ hội được củng cố trong thời gian tới. Một thực tế là hiện nay, hầu hết các cường quốc đều muốn gia tăng quan hệ với ASEAN. Trong khi đó, trải qua hơn 55 năm phát triển, ASEAN đã có những nỗ lực xây dựng và thúc đẩy vai trò trung tâm của mình. Chính vì vậy, trong bối cảnh thiếu sự tin cậy lẫn nhau giữa các cường quốc dẫn đến những nước này chấp nhận vai trò trung tâm của ASEAN nhiều hơn.

Với vai trò là động lực xây dựng thể chế khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương, ASEAN có thể sẽ tận dụng tốt “đặc quyền” trong việc thiết lập chương trình nghị sự và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết vấn đề, thay vì chỉ dàn xếp cho những tuyên bố mang tính chất tham vọng của các bên.

Nhìn chung, việc củng cố vai trò trung tâm của ASEAN không chỉ đem lại lợi ích cho khối, mà còn đối với các quốc gia thành viên. Chính vì vậy, việc các quốc gia thành viên tích cực ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN là biện pháp hiệu quả để bảo vệ lợi ích của mình.

Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng vai trò trung tâm của ASEAN không phải là một điều hiển nhiên mà có, vì đó là kết quả của cả một quá trình lâu dài với những nỗ lực không ngừng nghỉ của ASEAN. Chính vì vậy, các quốc gia thành viên cần ý thức được đoàn kết nội bộ là nhân tố nền tảng để củng cố vai trò trung tâm của ASEAN.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh cục diện thế giới ngày càng chia rẽ sâu sắc như hiện nay, sự cạnh tranh giữa các cường quốc trở nên quyết liệt hơn. Theo đó, niềm tin giữa các nước lớn ngày càng suy giảm mạnh mẽ. Song, các nước lớn tiếp tục đặt niềm tin vào ASEAN, tin tưởng vào vai trò trung tâm của ASEAN.

Đây sẽ là một cơ hội tốt để ASEAN khẳng định một cách vững chắc và toàn diện hơn vai trò trung tâm của mình. Do đó, các quốc gia thành viên cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc xác định vai trò trung tâm của ASEAN một cách thực chất hơn. Trong bối cảnh các nước lớn không thể ngồi lại với nhau và thừa nhận nhau thì họ vẫn có thể thông qua vai trò trung tâm của ASEAN.

Việt Nam đã tích cực và có những nỗ lực không ngừng trong việc củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội. Trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam tích cực thúc đẩy vai trò trung tâm trong một năm đầy thách thức. Trong các cuộc trao đổi song phương và đa phương với các đối tác bên ngoài, Việt Nam kêu gọi các nước đối tác ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN.

Việc Việt Nam và nhiều quốc gia thành viên ASEAN tích cực và chủ động thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN cũng chính là gia tăng “sức đề kháng” cho ASEAN và cho chính mình trong một môi trường quốc tế nhiều bất ổn hiện nay.

(tổng hợp)