📞

Định vị công nghiệp văn hóa Việt Nam

HÀ ANH 09:00 | 17/09/2022
Có thể tìm ra lời giải cho vấn đề trên từ Hội thảo khoa học “Đánh giá năm năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016-2021”, do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức ở Hà Nội.
Hội thảo khoa học “Đánh giá năm năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016-2021”, ngày 12/9 tại Bảo tàng Hà Nội. (Ảnh: Hà Anh)

Là hội thảo khoa học quy mô lớn về lĩnh vực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam, sự kiện thu hút sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau đánh giá lại chặng đường phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, cũng như tìm ra hướng đi cho thời gian tới.

Bức tranh toàn cảnh sau năm năm

Phát triển công nghiệp văn hóa là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển văn hóa quốc gia. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với những mục tiêu và nội dung cụ thể.

Trong năm năm qua, bức tranh các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam có nhiều điểm sáng. Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, với tư duy và cách tiếp cận tổng thể, Chiến lược hướng tới nâng cao giá trị của văn hóa trên mọi phương diện như tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thúc đẩy hòa nhập xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống tinh thần và tăng cường khả năng cạnh tranh của các thương hiệu địa phương và quốc gia.

Các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam dần trở thành động lực, góp phần trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế và xã hội.

Nếu năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP (tổng sản phẩm quốc nội), sau ba năm triển khai Chiến lược, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu khoảng 8.081 tỷ USD, tương đương với 3,61% GDP vào năm 2018, mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước…

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng VICAS, cho biết, bên cạnh việc đóng góp giá trị trực tiếp, các ngành công nghiệp văn hóa có tính liên ngành và bổ sung giá trị cao, đặc biệt là thông qua lĩnh vực thiết kế: thiết kế trong ngành thủ công mỹ nghệ, quảng cáo, trò chơi trực tuyến, phần mềm, kiến trúc; thiết kế trong công nghiệp chế tạo...

Ngoài ra, thị trường mỹ thuật, điện ảnh, âm nhạc cũng rất sôi động. Nước ta hiện nay có hơn 115 đơn vị văn hóa nghệ thuật công lập, 108 cơ sở đào tạo tham gia đào tạo văn hóa nghệ thuật. Số lượng không gian văn hóa sáng tạo ngoài công lập tăng từ 40 không gian của năm 2017, lên 195 không gian vào năm 2021. Số lượng doanh nghiệp văn hóa năm 2019 là 97.167.

Dù đã có những đóng góp ban đầu vào sự phát triển kinh tế-xã hội, nhưng thị trường công nghiệp văn hóa của Việt Nam vẫn còn nhỏ bé, chưa phát huy hết tiềm năng.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết: “Dẫu đã có nhiều bước phát triển tích cực, nhưng để phát triển một cách hệ thống, đạt được những mục tiêu lớn như Chiến lược đề ra thì khối lượng công việc vẫn còn nhiều”.

Các ý kiến cũng thẳng thắn nhận định các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam về cơ bản chất lượng chưa đồng đều, thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng chưa cao, chưa thể hiện được năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế.

Tiêu điểm là sáng tạo

Rất nhiều nguyên nhân được các đại biểu lý giải cho sự phát triển còn hạn chế của ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam như thiếu nguồn vốn, mô hình đầu tư, kiến thức và kỹ năng dự báo, cũng như việc đào tạo, quản lý nhân sự còn hạn chế và vẫn còn hiện tượng vi phạm bản quyền…

Tuy nhiên, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart tin rằng, Việt Nam sẽ thành công nếu huy động đúng mức các nguồn lực văn hóa, vốn tri thức, công nghệ hiện đại để sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, hấp dẫn.

Ông Christian Manhart khẳng định, công nghiệp văn hóa là một trong những yếu tố then chốt để tăng trưởng kinh tế, góp phần tăng GDP thông qua tạo việc làm và mở cửa thị trường mới. Theo ông, trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam nên chú ý đến giá trị kinh tế của sáng tạo văn hóa-nghệ thuật, cùng sự đa dạng trong sáng tạo của các cá nhân, nhóm và cộng đồng.

Qua kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa của nhiều nước trên thế giới, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất tăng cường đầu tư cho văn hóa, sử dụng các công cụ tài chính, ưu đãi thuế, thu hút nguồn lực, xây dựng và mở rộng thị trường văn hóa; tăng cường vai trò của chính quyền địa phương.

Đề cập chương trình nghị sự về kinh tế sáng tạo được UNESCO và các cơ quan, chính phủ áp dụng từ năm 2010, ông Justin O’Connor, Đại học Nam Australia khẳng định, đầu tư vào cơ sở hạ tầng như các địa điểm sáng tạo, cửa hàng sách, không gian làm việc, phòng trưng bày triển lãm… có ý nghĩa rất quan trọng nhằm xây dựng năng lực phát triển công nghiệp văn hóa lâu dài. Ông cho rằng, ở Việt Nam, Nhà nước có vai trò lớn và có sự cam kết mạnh mẽ về hạnh phúc, chất lượng sống nên đang ở một vị thế tốt để theo đuổi chương trình nghị sự này.

Trong tham luận nói về công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc, chuyên gia Park Nark Jong cho biết, chính phủ Hàn Quốc đã nhanh chóng hỗ trợ khu vực tư nhân trong sáng tạo nội dung văn hóa từ giữa những năm 1990.Chiến lược bao gồm hỗ trợ chính sách và ngân sách, thiết lập luật và thể chế, bảo đảm quyền của các công ty, người sáng tạo nội dung văn hóa cũng như bảo đảm doanh thu cho các sáng tạo của họ. Đây là kinh nghiệm rất đáng tham khảo cho con đường phát triển của công nghiệp văn hóa Việt Nam.