Ảnh minh họa. |
Theo chỉ số thống kê của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Đô la Mỹ bây giờ là mạnh nhất so với hơn hai chục đồng tiền khác trong hơn 10 năm qua. Một Euro được giao dịch ở mức 1,09 USD vào thứ Sáu, giảm từ 1,37 USD một năm trước; Nhiều nhà phân tích dự đoán rằng hai đồng tiền này có thể bằng nhau trong những tháng tới và đây là lần đầu tiên kể từ năm 2003. Đồng thời, đồng Yên đã giảm 14 % so với đồng USD.
Giống như bất kỳ một biến động quan trọng nào trên thị trường tài chính, sự mạnh lên của Đô la Mỹ đã làm các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách trở nên mất bình tĩnh. Một số, như ông Raghuram Rajan, thống đốc của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, đã phàn nàn rằng chúng ta đang ở trong “thời đại của phá giá cạnh tranh và chính sách gây khó cho láng giềng”. Ông và các quan chức ở các nước khác, như Hàn Quốc, đều lo lắng rằng các ngân hàng trung ương đã sắp đặt việc phá giá các đồng tiền như đồng Euro và đồng Yên bằng cách nỗ lực in tiền và tích cực mua trái phiếu để làm cho hàng xuất khẩu của họ rẻ hơn.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Nhật Bản đang mua rất nhiều trái phiếu để kích thích các nền kinh tế yếu của khu vực, nhưng không nhất thiết sẽ làm tổn thương các nước khác. Nếu họ thành công, điều đó cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Mỹ, quốc gia cũng bị tổn thương khi Đô la Mỹ lên giá vì điều đó làm cho hàng hóa Mỹ đắt hơn đối với các khách hàng nước ngoài.
Câu hỏi lớn hơn là liệu chính sách tiền tệ và một sự phá giá đồng tiền có thể tạo ra một sự khác biệt đáng kể hay không. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chỉ đơn giản tăng cung tiền tệ thì không thể đủ để vực dậy những nền kinh tế yếu, đặc biệt nếu nhu cầu ở phần còn lại của thế giới không phát triển đủ mạnh. Các quốc gia không thể xuất khẩu theo cách của họ để tăng trưởng nếu các quốc gia khác không sẵn sàng mua những hàng hóa và dịch vụ của họ.
Điều đó có thể giúp giải thích tại sao nền kinh tế của Nhật Bản vẫn còn chật vật sau hai năm kể từ khi ngân hàng trung ương NB bắt đầu ồ ạt mua trái phiếu, làm cho đồng Yên quay đầu đi xuống so với Đô la Mỹ. Một phần quan trọng của vấn đề là chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã không hành động đủ để cải cách nền kinh tế, ví dụ bằng cách làm cho các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn trong số tiết kiệm của họ và tăng việc làm cho phụ nữ.
Có một số dấu hiệu phục hồi ở châu Âu, mặc dù không đủ để ăn mừng sự tăng trưởng trở lại. Một số quốc gia như Hy Lạp, Ý và Pháp vẫn đang thu hẹp, trì trệ hoặc chỉ tăng trưởng chút ít. Đồng Euro yếu hơn là tốt cho tất cả các nước sử dụng nó, nhưng chủ yếu sẽ làm lợi cho các nước xuất khẩu lớn như Đức, vốn đã là một trong những nền kinh tế mạnh nhất trong khu vực đồng euro. Thậm chí nếu đồng Euro có bằng với đồng USD, thì điều này cũng không thể giúp gì đáng kể cho các nước yếu hơn không xuất khẩu nhiều như Hy Lạp hay các nước xuất khẩu hầu hết sang các nước châu Âu khác như Bồ Đào Nha. Để giúp những quốc gia này, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực đồng Euro phải thay đổi chính sách thắt lưng buộc bụng thiếu suy nghĩ và thúc đẩy những cuộc cải cách đã bị trì hoãn quá lâu để khuyến khích đầu tư và phát triển việc làm.
Đối với Mỹ, một Đô la mạnh sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng, mặc dù chẳng ai có thể dự đoán chính xác là bao nhiêu bởi vì giá trị tương đối của các đồng tiền rất khó dự báo. Một số nhà sản xuất của Mỹ cho biết, họ đang mất những đơn hàng hoặc thấy lợi nhuận của mình giảm xuống khi họ buộc phải giảm giá để cạnh tranh với giá thấp hơn từ các doanh nghiệp châu Âu và Nhật Bản.
Sự tăng giá của Đô la Mỹ là một lý do để Cục Dự trữ Liên bang hoãn việc tăng lãi suất vào mùa hè này. Nhưng hơn hết thảy, đồng USD mạnh hơn như một lời nhắc nhở rằng thế giới vẫn còn quá phụ thuộc vào Mỹ, một quốc gia còn chưa hoàn toàn hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính. Điều đó không báo trước điều gì tốt đẹp cho sự phát triển bền vững trên toàn cầu.
Thúy Hạnh (tổng hợp)