Đô thị hóa ở châu Á được xem chỉ mới bắt đầu mặc dù có gần 200 triệu người di chuyển đến các thành phố trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, theo báo cáo mới đây có tựa đề “Thay đổi cảnh quan đô thị Đông Á: Đánh giá một thập kỷ phát triển không gian” của Ngân hàng Thế giới. Báo cáo cho thấy số lượng người di chuyển đến các thành phố ở Đông Á tương đương quy mô dân số một đất nước lớn thứ 6 thế giới.
Trong thập kỷ đầu thế kỷ 21, tỷ lệ đô thị hóa chỉ tăng nhẹ, từ 29 % đến 36 %. Điều này cho thấy tiềm năng "mở rộng đô thị trong những thập kỷ tới", thúc đẩy sự tăng trưởng liên tục của các tầng lớp trung lưu mới nổi của châu Á do "mối liên quan trực tiếp giữa đô thị hóa và tăng thu nhập."
Tổng dân số đô thị của Đông Á đã tăng từ 579 triệu trong năm 2000 lên 778 triệu vào năm 2010. Theo báo cáo, phải mất hơn 50 năm để một số lượng người như thế trở thành dân đô thị ở châu Âu, cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng của châu Á.
Các thành phố của khu vực cũng đã trở nên đông dân cư, tăng từ 5.400 đến 5.800 người trên mỗi km2 năm 2010, dẫn đầu là 32 nghìn người trên một cây số vuông ở Hongkong. Nhìn chung, mật độ dân số Đông Á cao gấp 1,5 lần mức trung bình của các đô thị trên thế giới và hơn 50 lần so với mật độ trung bình ở Hoa Kỳ.
Trung Quốc chiếm 2/3 tăng trưởng về đất đô thị và hơn 80 % sự mở rộng đô thị trong khu vực, với 477 triệu dân đô thị vào năm 2010, lớn hơn tất cả các thành phố khác trong khu vực kết hợp lại. Nhật Bản có tổng đất đô thị cao thứ hai và dân số đô thị lớn thứ ba.
Báo cáo cho biết, trong vùng Đông Á có 8 thành phố lớn với hơn 10 triệu người, bao gồm đồng bằng Châu thổ Châu Giang (Pearl River Delta), Thượng Hải (17 triệu) và Bắc Kinh (24 triệu), Tokyo (32 triệu) và Osaka - Kobe (12 triệu); Jakarta (23 triệu) Seoul (16 triệu) và Manila (16,5 triệu). Đồng bằng Châu thổ Châu Giang của Trung Quốc đã vượt qua Tokyo và trở thành đô thị lớn nhất thế giới cả về quy mô và dân số (42 triệu).
Báo cáo cho biết tỷ lệ mở rộng đô thị hàng năm nhanh nhất là các nền kinh tế đang phát triển, bao gồm Lào và Campuchia (7,3 % và 4,3%), tiếp theo là Trung Quốc (3,1%) và Việt Nam (2,8%).
Báo cáo cho biết, trong thập kỷ 2000 - 2010, dân số đô thị tăng 7,5 triệu người. Việt Nam không có các thành phố cực lớn với 10 triệu người hoặc hơn nhưng các khu đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (7,8 triệu người) và Hà Nội (5,6 triệu người) nằm trong số các thành phố lớn nhất trong khu vực.
MAI THẢO (Theo Diplomat)