Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH)Việt Nam cùng các nước thành viên tham dự Hội nghị nghị viện về các Mục tiêu phát triển bền vững. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Pakistan) |
Từ ngày 13-14/9, Hội nghị nghị viện lần thứ 3 khu vực châu Á-Thái Bình Dương (CÁ-TBD) về các Mục tiêu phát triển bền vững đã diễn ra tại Pakistan. Đoàn ĐBQH Việt Nam do đồng chí Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội làm Trưởng đoàn tham dự.
Hội nghị do Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) phối hợp với Quốc hội Pakistan tổ chức theo hình thức trực tiếp với sự tham dự của nghị viện các nước khu vực CÁ-TBD như Maldives, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Azerbaijan, Iran, Nepal, Việt Nam. Một số nghị viện tham dự theo hình thức trực tuyến như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Mông Cổ…
Hội nghị lần này là sự tiếp nối và phát huy kết quả của Hội nghị lần thứ nhất do Quốc hội Việt Nam và IPU đồng tổ chức (TP. Hồ Chí Minh, 5/2017) với chủ đề “Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững” và Hội nghị lần thứ hai do IPU và Quốc hội Mông Cổ đồng tổ chức (Ulan Bator, 5/2019) với chủ đề “Thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững vì người dân và hành tinh này”.
Phát biểu tại Phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Pakistan Raja Pervaiz Ashraf nhấn mạnh, Pakistan xếp thứ 8 trong số những nước bị tổn thương nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu mặc dù lượng phát thải của Pakisan chiếm chưa đến 1% lượng phát thải toàn cầu; cho biết Pakistan đang phải đối mặt với tình trạng lũ lụt và lở đất nghiêm trọng, đã ảnh hưởng tới hơn 33 triệu người trên khắp đất nước, gây thiệt hại to lớn về người và tài sản cũng như các cơ sở hạ tầng như đường xá, nhà cửa, trường học, các cơ sở y tế.
Chủ tịch IPU Duarte Pacheco kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước phát triển hỗ trợ Pakistan phục hồi đất nước trước thảm họa lụt lội do tác động của biến đổi khí hậu. Ông cho rằng, cộng đồng quốc tế, nhất là các nền kinh tế lớn trên thế giới cần chia sẻ trách nhiệm trong việc ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi nỗ lực tập thể để bảo vệ môi trường nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Ông đánh giá cao cam kết của Pakistan với các Mục tiêu SDGs và đã thành lập Lực lượng Đặc nhiệm (Task Force) cho các mục tiêu này.
Tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm và nêu bật sự cần thiết tăng cường hợp tác, nâng cao nhận thức và thúc đẩy các hành động nghị viện nhằm hiện thực hóa các SDGs trong khu vực CÁ-TBD.
Hội nghị đã thông qua văn kiện tập trung vào các nội dung về: Các thách thức phát triển kinh tế-xã hội ở CÁ-TBD; các cơ chế và kinh nghiệm nghị viện nhằm thể chế hóa SDGs; phụ nữ là trung tâm của chương trình nghị sự phát triển; xây dựng khả năng phục hồi để gìn giữ tương lai chung và kết quả 3 phiên thảo luận chuyên đề về chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng; thúc đẩy giáo dục và việc làm cho thanh niên; đảm bảo tiếp cận y tế công bằng.
Phát biểu tại Hội nghị, đoàn Việt Nam bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ sâu sắc với những mất mát về người và tài sản do lũ lụt gây ra; tin tưởng rằng với nỗ lực của Chính phủ và người dân, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Pakistan sẽ sớm khắc phục được hậu quả.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong (trái) tại Hội nghị. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Pakistan) |
Đoàn Việt Nam cho rằng, những tác động của biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, bất ổn địa chính trị ở một số khu vực… gây ra nhiều thách thức cho việc theo đuổi và hiện thực hóa các SDGs. Đoàn Việt Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra một số khuyến nghị liên quan đến các chủ đề như “Đảm bảo tiếp cận y tế công bằng” và “Phụ nữ với vai trò là trung tâm của phát triển”.
Bên lề Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã tiếp xúc với Chủ tịch Quốc hội Pakistan và Chủ tịch IPU, bày tỏ đánh giá cao nỗ lực của Quốc hội Pakistan và IPU tổ chức hội nghị sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19.
Đoàn Việt Nam cũng đã có các cuộc làm việc với Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mohsin Dawar và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Pakistan Farooq Hamid Neak. Đoàn Việt Nam đã trao thư của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện Pakistan chia sẻ những khó khăn, mất mát và thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra; tin tưởng Nhà nước và nhân dân Pakistan sớm vượt qua thời điểm khó khăn này.
Hai bên mong muốn tăng cường quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước; cho rằng quan hệ song phương còn nhiều tiềm năng phát triển, nhất là trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch…; đề nghị hai nước có nhiều hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mong muốn hai bên tiếp tục ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế.
Cũng trong thời gian này, đoàn Việt Nam đã đến thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan.
| 'Tẩy chay' rác thải nhựa, hướng tới phát triển du lịch bền vững Rác thải nhựa đang trở thành thách thức toàn cầu, đe dọa tới nhiều lĩnh vực và ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển ... |
| Phát triển du lịch bền vững đi đôi với số hóa Du lịch Việt Nam hướng tới trở thành một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn du khách quốc tế. Để làm được ... |
| Ngoại giao hòa hiếu, hữu nghị trong phát triển đất nước (kỳ cuối) Trong hơn 30 năm Đổi mới, tinh thần hòa hiếu, hữu nghị tiếp tục là tư tưởng nổi bật của ngoại giao Việt Nam, đóng ... |
| Việt Nam thu hút sinh viên quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển tình hữu nghị với các nước Việt Nam tiếp nhận trung bình mỗi năm từ 4.000 đến trên 6.000 sinh viên quốc tế, chủ yếu là trình độ đại học và ... |
| Việt Nam-LHQ ký Văn kiện khung chiến lược hợp tác phát triển bền vững giai đoạn 2022-2026 Văn kiện khung chiến lược hợp tác phát triển bền vững là tài liệu chiến lược chủ chốt hướng dẫn và định hướng sự hợp ... |