📞

Đoàn kết - Giá trị cốt lõi của ASEAN

Hà Phương 15:15 | 28/10/2021
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 và các Hội nghị Cấp cao liên quan diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 26-28/10 dưới sự chủ trì của Chủ tịch ASEAN 2021 - Brunei. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị tại đầu cầu Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng Lãnh đạo các nước dự Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN 39. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, ASEAN cần phải có thay đổi về nhận thức, buộc phải thích ứng, linh hoạt, an toàn trong trạng thái bình thường mới, cùng đoàn kết hơn nữa để chung tay chống dịch bệnh.

Hợp tác chống đại dịch Covid-19, quan hệ đối ngoại của ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh quốc tế đầy thử thách, quan điểm trước các “điểm nóng” khu vực và quốc tế,… là những vấn đề thảo luận chính trong các hội nghị cấp cao, kết thúc năm ASEAN 2021.

Chung tay chống dịch

Năm 2021, ASEAN trở thành một trong những tâm dịch Covid-19 của thế giới. Điều này tác động không nhỏ tới các nước thành viên ASEAN. Do vậy, ứng phó với đại dịch và thúc đẩy phục hồi tiếp tục là ưu tiên lớn và được các nước quan tâm thảo luận trong khuôn khổ kỳ hội nghị cấp cao lần này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính:

"Không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người dân khác nhiễm Covid-19; không có quốc gia nào an toàn khi các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới vẫn còn phải chống dịch Covid-19. Tình hình biến đổi nhanh, khó lường đòi hỏi chúng ta phải điều chỉnh cách tiếp cận để quản lý sự thay đổi".

Giải pháp cấp bách được các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh trước bài toán đại dịch bao gồm: triển khai tiêm chủng toàn dân, tăng cường hệ thống y tế công cộng, đẩy mạnh phục hồi kinh tế.

Đồng thời, ASEAN cần tiếp tục nâng cao năng lực tự cường, tự chủ vaccine, đảm bảo sự tiếp cận đầy đủ và đồng đều cho người dân.

Bên cạnh đó, các sáng kiến ứng phó dịch Covid-19 được “điểm tên”, trong đó có kế hoạch sử dụng 10,5 triệu USD từ Quỹ ASEAN Ứng phó Covid-19 để mua vaccine cho các nước thành viên, Khung phục hồi tổng thể ASEAN.

Các lãnh đạo ASEAN nhất trí thông qua Khung thỏa thuận Hành lang đi lại ASEAN (ATCAF); đề nghị cần sớm đưa Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN và Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED) đi vào vận hành hiệu quả. “Điều chỉnh cách tiếp cận để quản lý sự thay đổi” là điều mà Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh khi ứng phó với dịch Covid-19 trong bối cảnh mới của ASEAN.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, mặc dù rất hy vọng có ngày Covid-19 được loại trừ hoàn toàn song đến lúc này, ASEAN cần phải có thay đổi về nhận thức, buộc phải thích ứng, linh hoạt, an toàn trong trạng thái bình thường mới, cùng đoàn kết hơn nữa để chung tay chống dịch bệnh.

“Đã đến lúc ASEAN cần chuyển hướng sang chiến lược mới với cách tiếp cận toàn dân để thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19, song song với đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38.

Bên cạnh đó, với tinh thần “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, ASEAN cần tích cực tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Trong cuộc chiến với Covid-19, ASEAN cũng luôn nhận được sự hỗ trợ của các nước đối tác. Tiếp tục hành trình hợp tác ứng phó với dịch bệnh là một trong những thảo luận chính tại các hội nghị cấp cao với các đối tác của ASEAN.

Chiều ngày 27/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN+3 lần thứ 24. (Ảnh: Tuấn Anh)

Giữ vững vai trò trung tâm

Vấn đề không kém phần quan trọng được các nhà lãnh đạo ASEAN đề cập trong khuôn khổ các hội nghị là quan hệ đối ngoại của ASEAN với các đối tác, trong đó nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN.

Trong bối cảnh khó khăn, phức tạp hiện nay, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN là yếu tố then chốt, cần được củng cố và tôn trọng, tiếp tục thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hợp tác cùng có lợi, phù hợp với văn kiện nền tảng của ASEAN, đồng thời nhấn mạnh các thỏa thuận hợp tác khu vực mới cần đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung tại khu vực.

Trước giai đoạn “lửa thử vàng” của ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại giá trị của sự đoàn kết, giá trị cốt lõi và sức mạnh của ASEAN trong suốt 54 năm qua, gắn với trách nhiệm và tinh thần xây dựng của tất cả các thành viên, qua đó giúp ASEAN có tiếng nói thống nhất, phát huy vai trò trung tâm và uy tín của ASEAN.

Thủ tướng cho rằng, ASEAN cần tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong mọi vấn đề tác động đến khu vực, giúp giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN, phát huy tinh thần độc lập trong ứng xử, trung lập trong xử lý và cân bằng trong quan hệ sẽ giúp ASEAN tránh bị động trước sức ép của cạnh tranh nước lớn.

Trên tinh thần đó, các nước lớn tham gia vào khu vực phải trên tinh thần trách nhiệm, xây dựng, tôn trọng luật pháp quốc tế, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực, tôn trọng vai trò của ASEAN và tham vấn đầy đủ với ASEAN thông qua các cơ chế, diễn đàn do ASEAN thành lập và dẫn dắt. Vai trò trung tâm của ASEAN cũng được đề cập trong các hội nghị của ASEAN với các đối tác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 38, ngày 26/10. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nhất quán quan điểm trước các “điểm nóng”

Trước các “điểm nóng” khu vực và quốc tế, trong đó có Biển Đông, Myanmar, Bán đảo Triều Tiên, ASEAN bày tỏ quan điểm nhất quán của mình.

Quan ngại về diễn biến tình hình trên Biển Đông, trong đó có các hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, suy giảm lòng tin, hủy hại môi trường biển, các lãnh đạo ASEAN tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường xây dựng lòng tin và tin cậy lẫn nhau; kiềm chế và không làm phức tạp tình hình; duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Các nước nhấn mạnh lập trường về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Các hội nghị cũng khẳng định lại tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hoan nghênh việc nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc; sự cần thiết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC và tiếp tục nỗ lực hướng tới Bộ COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ kiên trì lập trường nguyên tắc về Biển Đông, nhấn mạnh ASEAN cần thể hiện bản lĩnh và vai trò tự chủ trong duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc, vấn đề Biển Đông cũng được đề cập trên tinh thần hợp tác. Các nước cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, nỗ lực thúc đẩy xây dựng COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Trước những diễn biến phức tạp tại Myanmar, các lãnh đạo nhất trí cần tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ Myanmar, thành viên trong gia đình ASEAN, vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Các Lãnh đạo khẳng định đoàn kết chính là chìa khoá để ASEAN và Myanmar có thể tìm ra giải pháp hữu hiệu cho những phức tạp hiện nay. Các nước đề nghị cần triển khai kịp thời và đầy đủ Đồng thuận năm điểm đã được Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN tháng 4/2021 nhất trí.

Cảm thông với những khó khăn của người dân Myanmar, nhất là do tác động của dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bên cần ứng xử trách nhiệm vì lợi ích chung của cả khu vực, thúc đẩy thực hiện Đồng thuận năm điểm để Đặc phái viên có thể đến thăm Myanmar trong thời gian sớm nhất, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực cứu trợ nhân đạo cho người dân Myanmar.

Trong kỳ hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua, ghi nhận và công bố 100 văn kiện, nổi lên là một số văn kiện quan trọng như Tuyên bố Bandar Seri Begawan về Sáng kiến Tổng thể Kết nối các Sáng kiến ASEAN về Ứng phó với Thảm họa và các Tình huống Khẩn cấp (ASEAN SHIELD), Tuyên bố của Lãnh đạo ASEAN về Đề cao chủ nghĩa đa phương, Tuyên bố của Lãnh đạo ASEAN về Kinh tế biển xanh, Tuyên bố của ASEAN gửi đến Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 26, Quy chế hoạt động của Nhóm Đặc trách Cao cấp về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và Lộ trình,…