Từ ngày 16-18/9, đại diện một số hãng thông tấn, báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam đã có chuyến đi thực tế tại tỉnh Đắk Lắk để tìm hiểu về tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, cùng với việc thực thi chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Đoàn phóng viên nước ngoài chụp ảnh lưu niệm với các giáo dân tại điểm nhóm sinh hoạt truyền giáo Cơ đốc ở nhà ông Ai Kiên tại buôn Mò Ó, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Chương trình, do Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức, đã thu hút sự quan tâm, tham gia của các phóng viên, trợ lý báo chí từ các hãng thông tấn, báo chí Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản đang thường trú tại Hà Nội.
Trong chuyến thăm ngắn ngày nhưng dày đặc hoạt động thực tế, Đoàn đã đến thăm và gặp gỡ một số mục sư và giáo dân tại các nhà thờ, điểm sinh hoạt tôn giáo ở quy mô khác nhau của các hội, nhóm Cơ đốc, Tin lành thuộc các buôn làng trên địa bàn hai xã Ea Hiu, Ea Phê thuộc huyện Krông Pắc, xã và thị trấn Ea Kar thuộc huyện Ea Kar và phường Ea Tam thuộc thành phố Buôn Ma Thuột.
Các phóng viên phỏng vấn giáo dân tại điểm nhóm sinh hoạt truyền giáo Cơ đốc ở nhà ông Ai Kiên tại buôn Mò Ó, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Qua đó, các mục sư, giáo dân đều bày tỏ sự phấn khởi được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo, xây dựng nhà thờ, cơ sở, điểm nhóm tôn giáo, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, nhiều người dân tộc thiểu số gặp hoàn cảnh khó khăn như ông Y Wang Niê (buôn Ea Ga, xã Cư Ni, huyện Ea Kar) đã được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, cấp vốn, cấp bò kéo để duy trì sinh kế. Một số trường hợp như ông Y Brik Ksơr (buôn Hí, xã Cư Mta, huyện M’Đrắk) từng vượt biên sang Thái Lan nay trở về nước được chính quyền động viên, thăm hỏi, tạo điều kiện để ổn định cuộc sống.
Đoàn cũng đã đến thăm giáo dân là điển hình phát triển kinh tế, sở hữu hàng ngàn hecta vườn cây sầu riêng, cà phê, hồ tiêu.
Đoàn phóng viên tìm hiểu về cây cà phê tại vườn của một tín hữu Chi hội Tin lành Ea Hiu làm kinh tế giỏi. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trao đổi và làm việc với đoàn, đại diện chính quyền địa phương cho biết tỉnh Đắk Lắk ở trung tâm khu vực Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Các cấp chính quyền địa phương luôn quan tâm thực hiện các mặt công tác đảm bảo quyền con người; tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thúc đẩy việc đảm bảo và phát huy quyền con người trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Những năm gần đây, tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện các chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách đảm bảo quyền của nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là các chính sách về phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ khắc phục hậu quả sau đại dịch, và đạt được nhiều thành tựu.
Các phóng viên phỏng vấn ông Y Jut Bkrông, già làng, trưởng buôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Tlung, thị trấn Ea Kar. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Già làng Y Jut Bkrông, một người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Tlung, thị trấn Ea Kar ghi nhận đời sống trong buôn làng đang ngày một đi lên; cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm, động viên, thăm hỏi và có những chế độ, chính sách, hoạt động phổ biến kiến thức, khuyến khích người dân tộc thiểu số tích cực tham gia vào công việc chung ở địa phương.
Trong chuyến đi thực tế, các phóng viên nước ngoài được tận mắt chứng kiến và hiểu thêm về các chủ trương, chính sách, sự quan tâm của chính quyền địa phương nói riêng, của Đảng và Nhà nước Việt Nam nói chung đối với việc đảm bảo và phát huy quyền con người, song song với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua.
Các phóng viên quan tâm, tìm hiểu về sự hình thành, phát triển và hoạt động của các chi hội, điểm nhóm tôn giáo ở địa phương; tranh thủ tìm hiểu thêm về bản sắc văn hóa đặc trưng của khu vực Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng, nơi có tới 49 trên tổng số 54 dân tộc thiểu số ở Việt Nam cùng sinh sống, người dân tộc thiểu số chiếm 35,7% dân số.
Các phóng viên nước ngoài thích thú với những trải nghiệm mới như thử thu hoạch và thưởng thức cà phê ngay tại nông trại, hái sầu riêng, xem quá trình rang xay, chế biến cà phê, hạt mắc ca, chuối sấy…
Bà Jung Rina, phóng viên Hàn Quốc tác nghiệp trong chuyến đi. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Sau chuyến đi, bà Jung Rina, phóng viên Hàn Quốc chia sẻ về lần đầu tiên được đến với Buôn Ma Thuột và cũng là lần đầu tiên đến một vùng đất thuộc khu vực Tây Nguyên: “Trước khi đến đây, tôi biết Việt Nam là một quốc gia có các dân tộc, văn hoá đa dạng.
Nhưng đặt chân đến Tây Nguyên, thấy cuộc sống sinh hoạt thực tế của dân tộc thiểu số, trao đổi với người dân và lãnh đạo địa phương, tôi mới có được nhiều hơn kiến thức và trải nghiệm thực tế.
Chuyến đi này cũng mang đến sự quan tâm tới miền Tây Nguyên, cách tiếp cận mới và thực tế cho tôi và các phóng viên nước ngoài khác”.
Từ đầu năm 2022 đến nay, đây là chuyến thăm và làm việc thứ 8 của các cơ quan báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam đến các tỉnh, thành phố với sự tham gia tổ chức của Bộ Ngoại giao.
Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm góp phần đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, tình hình phát triển kinh tế-xã hội cũng như bản sắc văn hóa ở khắp các vùng miền của Việt Nam, giúp bè bạn quốc tế có cái nhìn khách quan, sinh động về thực tiễn tại nước ta, trong đó có tình hình bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực thi chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
| Hoạt động của đoàn phóng viên báo chí nước ngoài tại Đà Nẵng qua ảnh Vừa qua, đại diện phóng viên các hãng thông tấn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam và tùy viên các Đại sứ ... |
| Cán bộ ngoại giao, phóng viên báo chí nước ngoài trải nghiệm Đà Nẵng Ngày 24-26/6, đại diện phóng viên báo chí nước ngoài thường trú và nhân viên ngoại giao một số Đại sứ quán tại Việt Nam ... |
| Đồng bào Công giáo Gia Lai nỗ lực phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo Đồng bào Công giáo tỉnh Gia Lai cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, đồng hành trên mọi lĩnh vực của ... |
| Đắk Lắk: Tăng cường đổi mới công tác người Việt Nam ở nước ngoài Hiện nay toàn tỉnh Đắk Lắk có trên 5.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập ở 29 quốc gia và ... |
| Đoàn Giáo hội Phật giáo thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Đức Ngày 25/4, trong khuôn khổ chuyến công tác tại một số nước châu Âu, đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Thượng tọa Thích ... |