📞
Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019:

Doanh nghiệp cảm ơn Bộ Ngoại giao – ‘cây cầu’ vững chắc

17:36 | 09/09/2019
TGVN. “Thông qua cây cầu là Bộ Ngoại giao, chúng tôi có nhiều cơ hội tìm kiếm đối tác kinh doanh hơn”, một đại diện doanh nghiệp Việt Nam đã chia sẻ bên lề Hội nghị "Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019".    
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm các gian hàng chiều ngày 9/9/2019. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

“Cú hích” thúc đẩy hợp tác

Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường cho biết, Trung Đông – châu Phi là khu vực rất rộng lớn với diện tích trên 36 triệu km2 và tổng dân số lên tới 1,8 tỷ người. Mặc dù đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức khác nhau, Trung Đông – châu Phi cũng đồng thời là khu vực có tiềm năng phát triển rất lớn, được đánh giá sẽ trở thành khu vực tạo động lực phát triển kinh tế thế giới trong những năm tới.

Để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường cho rằng hai bên cần nhiều biện pháp khác nhau nhưng quan trọng là tháo gỡ những khó khăn, rào cản, đặc biệt là vấn đề thanh toán.

Đề cập đến một lĩnh vực thế mạnh trong hợp tác giữa hai bên là viễn thông, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường cho biết, Tập đoàn Viettel đã đầu tư ở 4 nước châu Phi và nhận được sự ủng hộ tích cực, hưởng ứng nhiệt tình của Chính phủ và người dân các nước trên. Đây là điểm sáng trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và châu Phi.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp, theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường, là lĩnh vực hai bên đều mong muốn thúc đẩy hợp tác. Việt Nam có nhiều năm hợp tác song phương, ba bên, bốn bên với một số nước châu Phi, đặc biệt trong vấn đề sản xuất lúa gạo. Với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, Việt Nam có thể góp phần giúp các nước châu Phi giải quyết vấn đề an ninh lương thực. Ngoài lúa gạo, Việt Nam còn xuất sang châu Phi các sản phẩm nông nghiệp khác.

Bên lề Hội nghị, nhiều sản phẩm Việt Nam cũng được giới thiệu tại các gian hàng triển lãm để đại diện các nước khu vực Trung Đông - châu Phi hiểu thêm về các thế mạnh của Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường mong rằng, Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019” sẽ là một “cú hích”, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên ngày càng phát triển.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường tham quan các gian hàng. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Sự kiện lớn cho cơ hội lớn

Hàng chục gian hàng triển lãm đại diện cho hàng chục nhãn hàng đã, đang và sẽ có mặt tại thị trường Trung Đông – châu Phi. Điều đặc biệt là những gian hàng này được đặt tại sảnh Nhà làm việc của Bộ Ngoại giao. Đại diện nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự hào hứng, bởi đây là một trong những cơ hội rất lớn mà Bộ Ngoại giao mang lại, giúp họ tiếp cận gần hơn với thị trường Trung Đông – châu Phi thông qua Đại sứ, Đại sứ quán và doanh nghiệp các nước. Các doanh nghiệp cảm nhận được rất rõ sự đồng hành của Bộ Ngoại giao trong hành trình vươn xa ra thị trường quốc tế.

Anh Lại Hữu Hải, Quản lý Câu lạc bộ kết nối nông nghiệp Việt Nam hồ hởi giới thiệu các sản phẩm được trưng bày tại triển lãm gồm những mặt hàng truyền thống của Việt Nam như bánh Trung Thu, quả sầu riêng,… Anh Hải chia sẻ, các doanh nghiệp trong Câu lạc bộ chủ yếu tiếp cận thị trường Trung Quốc, nhưng hiện nay thị trường Trung Đông – châu Phi rất tiềm năng, vì vậy, các doanh nghiệp tham gia sự kiện lần này với mong muốn có thể tiếp cận được nhiều hơn nữa tới các doanh nghiệp Trung Đông – châu Phi để quảng bá sản phẩm của mình. Đặc biệt, anh Hải cho biết, đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp trong Câu lạc bộ trưng bày triển lãm tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao. Điều này khiến doanh nghiệp vô cùng hào hứng, với anh Hải vai trò cầu nối của Bộ Ngoại giao với các doanh nghiệp trong nước là một kênh mới và hiệu quả giúp doanh nghiệp tự tin hơn trong việc tiếp cận những thị trường mới, giàu tiềm năng như thị trường Trung Đông – châu Phi.

Đại diện Lavifood trao đổi thông tin về sản phẩm đối với khách hàng. (Ảnh: PH)

Hào hứng chia sẻ với rất nhiều các doanh nghiệp nước ngoài đến từ Trung Đông – châu Phi tại sự kiện, bà Dương Thị Bích Diệp, Phó Tổng Giám đốc Công Ty Cổ Phần Lavifood rất vui mừng trước những hiệu ứng tích cực của sự kiện, giúp Lavifood có thể đến gần hơn với thị trường Trung Đông – châu Phi ngay giữa lòng Hà Nội. Lavifood là công ty chế biến về nông sản rau, củ quả, vì vậy, các nước Trung Đông – châu Phi là những thị trường vô cùng tiềm năng. Trước nay, Lavifood chủ yếu tập trung các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ nhưng khi được tiếp cận thông tin liên quan tới thị trường Trung Đông – châu Phi qua các kênh như Bộ Ngoại giao, Lavifood vô cùng hào hứng. Lý do chính là bởi Trung Đông bao gồm nhiều quốc gia có thu nhập cao, nhu cầu tiêu dùng lớn nhưng nông nghiệp lại không phát triển và các loại rau củ quả không đa dạng do khí hậu khắc nghiệt. Với Lavifood đây lại là cơ hội rất lớn, Lavifood tự tin vào chất lượng nông sản của Việt Nam và hệ thống công nghệ của Lavifood, đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật của thị trường Trung Đông – châu Phi.

Bà Diệp cho rằng những sự kiện với thông điệp ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế này của Bộ Ngoại giao có ý nghĩa vô cùng thiết thực đối với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tìm được đúng những đối tác mà doanh nghiệp mong muốn tìm kiếm chứ không dừng lại ở những vấn đề nghị sự giữa các lãnh đạo. Theo bà Diệp, thị trường Trung Đông, châu Phi từ trước tới nay đã quen với việc nhập khẩu từ vùng Địa Trung Hải và Nam Mỹ. Họ chưa nghĩa tới Việt Nam, do đó, bước đầu doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Lavifood muốn tiếp cận trên cơ sở không chỉ xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp mà còn là xây dựng thương hiệu của một quốc gia. Bà Diệp nhận định, điều này chỉ có thể trở thành hiện thực khi Bộ Ngoại giao đồng hành cùng doanh nghiệp. Lavifood nói riêng và các doanh nghiệp nói chung đều mong muốn Bộ Ngoại giao sẽ có ngày càng nhiều hơn nữa các chương trình thiết thực như “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019” và cùng doanh nghiệp Việt xây dựng thương hiệu quốc gia trên các thị trường lớn trên thế giới.

Ngay khi sự kiện vừa bắt đầu, bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng, Giám đốc Công ty Co Coal (cung cấp mặt hàng than được sản xuất từ gáo dừa) đã rất bận rộn khi phải giới thiệu sảm phẩm của mình với hàng chục Đại sứ, doanh nghiệp Trung Đông – châu Phi muốn tìm hiểu về một sản phẩm than có nhiều điểm đặc biệt này.

Bà Hằng chia sẻ, chưa bao giờ bà nghĩ doanh nghiệp của mình có cơ hội được mở gian hàng ngay tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao và có thể tiếp cận được với Đại sứ các nước bạn một cách dễ dàng, thuận lợi đến như vậy. Theo bà Cẩm Hằng, Đại sứ các nước Trung Đông – châu Phi là những người có thể nắm bắt rất rõ đầu mối các doanh nghiệp nước bạn cũng như nhu cầu hợp tác của họ, từ đó doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận, tìm đúng đối tác của mình hơn thay vì “mò mẫn” tìm đường ở một thị trường rất rộng lớn. “Thông qua cây cầu là Bộ Ngoại giao, tôi tự tin khi đưa thương hiệu Co Coal tới bạn bè quốc tế. Tôi cảm ơn Bộ Ngoại giao vì sự tiếp sức vô cùng ý nghĩa đó. Đây là kênh mà doanh nghiệp như tôi trước nay chưa nghĩ tới và chưa có cơ hội tiếp cận nhưng mọi thứ đã thay đổi và qua bộ Ngoại giao, chúng tôi có nhiều cơ hội hơn”, bà Cẩm Hằng nói.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng trao đổi thông tin với một doanh nghiệp đến từ châu Phi. (Ảnh: PH)

Bà Cẩm Hằng mong muốn sản phẩm than của mình có thể được sử dụng rộng rãi hơn ở các nước khu vực Trung Đông – châu Phi bởi phần nào đó sản phẩm của Co Coal rất phù hợp với văn hóa ở đây. Hiện tại Co Coal chưa đến được với thị trường châu Phi nhưng đã xuất khẩu được một lớn sang Iran, Iraq, Kuwait, Lebanon,…

Bên cạnh những doanh nghiệp đã và đang tiếp cận được với thị trường Trung Đông – châu Phi, cũng có rất nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận và chưa có nhiều thông tin về thị trường này. Đến với gian hàng của anh Lê Minh Trí, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Sóc Trăng, có rất nhiều sản phẩm là đặc sản của Sóc Trăng như bánh pía, lạp xường,… chưa có cơ hội đến với thị trường Trung Đông – châu Phi.

Anh Minh Trí chia sẻ, các doanh nghiệp Sóc Trăng hiện nay chưa nắm bắt được nhiều thông tin về thị trường này, cũng chưa có nhiều cơ hội tiếp cận. Vì vậy, mạnh dạn có một gian hàng với đa dạng các sản phẩm đặc sản của Sóc Trăng tại sự kiện lần này, anh Trí mong muốn có cơ hội tiếp cận với các doanh nghiệp Trung Đông – châu phi, từ đó tìm ra những cơ hội hợp tác tiềm năng.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, với phương hướng đối ngoại: Đẩy mạnh Ngoại giao phục vụ Phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, Bộ Ngoại giao đã, đang và sẽ luôn là "cây cầu" vững chắc kết nối doanh nghiệp vươn xa hơn ra thị trường quốc tế.