Các đại biểu tham dự phiên thảo luận Phát triển ngành Halal, chiều ngày 15/12. (Ảnh: Anh Sơn) |
Chiều 15/12, tại Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp, các diễn giả đã trao đổi, đánh giá các cơ hội cũng như đề ra nhiều giải pháp để Việt Nam tham gia vào thị trường Halal toàn cầu.
Tọa đàm do Bộ Ngoại giao tổ chức, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 32 và Hội nghị Ngoại vụ 21, là sự kiện mở màn cho chuỗi hoạt động nhân dịp 2 hội nghị này.
Phiên thảo luận có sự tham gia điều hành của ông Bùi Hà Nam, Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao và các diễn giả: Ông Đặng Xuân Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia; ông Trần Anh Vũ, Đại sứ Việt Nam tại Brunei; ông Hà Minh Hiệp; Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ); bà Hoàng Thị Bích Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Xúc tiến thương mại, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam; và ông Hoàng Trọng Định, Giám đốc kinh doanh, Công ty TNHH Công nghệ NhoNho.
Mở đầu phiên thảo luận, ông Bùi Hà Nam, Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao cho biết, tháng 2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” (Đề án Halal).
Ông Bùi Hà Nam, Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi. (Ảnh: Anh Sơn) |
Đề án Halal có ý nghĩa quan trọng: Lần đầu tiên đề ra nhiều định hướng lớn, tầm quốc gia về huy động nguồn lực quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện, giúp doanh nghiệp tham gia sâu, hiệu quả vào các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu.
Bên cạnh đó, Đề án còn tạo hướng đi mới trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, giúp khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng; tạo thêm động lực mới cho phát triển kinh tế bền vững của đất nước ta.
Theo Liên minh Halal thế giới, các tổ chức quốc tế ước tính, quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt trên 7.000 tỷ USD năm 2022 và dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trong năm 2028. Mức chi tiêu và sử dụng các sản phẩm Halal có xu hướng ngày càng tăng, mở rộng sang cả người không theo đạo Hồi.
Thị trường Halal giàu tiềm năng và cũng là thị trường doanh nghiệp Việt đã tiếp cận và có quan hệ kinh tế - thương mại. Chỉ tính riêng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với 20 đối tác chính trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã đạt trên 51 tỷ USD năm 2022. Vì vậy, cơ hội để Việt Nam phát triển và tham gia vào thị trường Halal vô cùng rộng mở.
Ông Đặng Xuân Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia. (Ảnh: Anh Sơn) |
Cùng chung nhận định, ông Đặng Xuân Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia ĐS Đặng Xuân Dũng đánh giá, Halal là thị trường lớn ở trên thế giới, tuy nhiên, ở thị trường Halal nói chung hay Saudi Arabia nói riêng, các doanh nghiệp Việt còn chưa tiếp cận được nhiều.
Đại sứ “hiến kế”, với thị trường tiềm năng, các doanh nghiệp nên quan tâm tìm hiểu, đặt ra kế hoạch, đề án cụ thể, có sự đầu tư nghiêm túc cũng như nâng cao các tiêu chuẩn sản phẩm để có thể thâm nhập.
Hằng năm, Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia luôn tổ chức các hội chợ để giới thiệu sản phẩm Việt vào thị trường này. Thông qua đó, Đại sứ nhận thấy các doanh nghiệp sở tại khi nghiên cứu để giao dịch, đầu tư họ thường muốn “sờ tận tay, nhìn tận mắt” trước khi đưa ra quyết định đầu tư, hợp tác.
Do đó, Đại sứ cho rằng, các doanh nghiệp Việt nên giới thiệu sản phẩm, tham gia các dự án truyền thông, tuyên truyền sản phẩm như: các hội thảo, hội chợ để giới thiệu thương hiệu của của mình đến các đối tác Halal, qua đó kết nối với các khách hàng, mở ra thị trường mới...
Ông Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường chất lượng. (Ảnh: Anh Sơn) |
Trong khi đó, ông Hà Minh Hiệp; Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường chất lượng cho biết, hoạt động chứng nhận Halal là hoạt động đặc thù vì không chỉ phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và tiêu chuẩn toàn cầu, mà còn là chỉ tiêu hồi giáo. Hơn nữa, chi phí để xin chứng nhận thường rất cao và thay đổi liên tục.
Để giảm chi phí xin chứng nhận, ông Hiệp kiến nghị cần tập trung nghiên cứu các chi phí về: thông tin, tài chính, thủ tục, hội nhập… từ đó mới có giải pháp cụ thể.
Ông cũng đề xuất các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường bằng việc đưa Việt Nam trở thành thành viên của các diễn đàn hợp tác ở địa bàn Hồi giáo và phi Hồi giáo, qua đó có thể cung cấp các thông tin, đề xuất các cơ chế hợp tác với những địa bàn này.
Bà Hoàng Thị Bích Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Xúc tiến thương mại, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam. (Ảnh: Anh Sơn) |
Bà Hoàng Thị Bích Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Xúc tiến thương mại, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam chia sẻ về những khó khăn khi doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường Halal.
Theo bà Diệp, có 4 khó khăn doanh nghiệp hay gặp phải: Thứ nhất là thiếu thông tin về hàng hóa, đối thủ cạnh tranh, về văn hóa tiêu dùng, các thông tin cụ thể để doanh nghiệp trong nước kịp thời điều chỉnh.
Thứ hai, doanh nghiệp gặp khó khăn vì chuỗi cung ứng trong ngành chưa đồng bộ, ví dụ về bao bì nhãn mác, nên nhiều doanh nghiệp phụ thuộc nhập khẩu.
Thứ ba, công tác hậu cần cho xuất khẩu nông sản đang gặp khó khăn, kết nối chưa đồng bộ, từ kho lạnh, bảo quản, vận chuyển…
Thứ tư, quy định về tiêu chuẩn Halal rất ngặt nghèo, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư lại quy trình sản xuất.
Vì vậy, bà Diệp mong muốn, các cơ quan hữu quan xây dựng chiến lược truyền thông cho ngành Halal: tổ chức các hội thảo, tọa đàm tại các nước sản xuất để truyền thông cho ngành Halal Việt Nam, xây dựng thương hiệu cho ngành Halal Việt Nam với các sản phẩm: gà, dừa, tiêu, điều…
Các Cơ quan đại diện và bà con kiều bào là “cộng tác viên”, tạo mạng lưới thông tin truyền thông cho doanh nghiệp trong nước; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành hàng tại thị trường các nước Halal để giúp doanh nghiệp có thông tin; lập tổ phản ứng nhanh để kịp thời phản ứng, xử lý, giải quyết sự cố nếu có, giữ vững thị phần.Bà Diệp cũng kiến nghị các cơ quan hữu quan xây dựng chuỗi halal đồng bộ, làm thí điểm đưa vào thị trường; trích lập quỹ dự phòng để có kinh phí hoạt động và thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cho ngành Halal.
Với kinh nghiệm làm việc tại địa bàn có ngành Halal phát triển, ông Trần Anh Vũ, Đại sứ Việt Nam tại Brunei chia sẻ, hiện các nước đều coi trọng an ninh lương thực và hiện Việt Nam đang trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Trần Anh Vũ, Đại sứ Việt Nam tại Brunei. (Ảnh: Anh Sơn) |
Để phát triển ngành Halal, Đại sứ Vũ đề nghị các doanh nghiệp cần giữ vững chất lượng sản phẩm, giữ vững thị trường; quan tâm đến các đối tác tại khu vực như: Malaysia, Indonesia, Brunei…, trong đó chứng chỉ Halal của Brunei rất uy tín, được các nước Trung Đông công nhận.
Với các cơ quan hữu quan cần thúc đẩy hợp tác chính thức, qua ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU), đề xuất công nhận chứng chỉ của nhau, tăng cường hợp tác với các địa phương về sản phẩm cụ thể… Với doanh nghiệp, phải coi thâm nhập thị trường là nhiệm vụ, ưu tiên hàng đầu, đồng thời có những kiến nghị cụ thể để các cơ quan đại diện có thể hỗ trợ trong thời gian tới.
Cụ thể với Công ty TNHH Công nghệ NhoNho, ông Hoàng Trọng Định, Giám đốc kinh doanh cho biết, khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp muốn thâm nhập thị trường này là phải xây dựng quy chuẩn Halal.
Tuy nhiên Halal chưa có quy chuẩn đồng nhất, mỗi thị trường có một tiêu chuẩn riêng và chi phí rất lớn. Thêm nữa tiêu chuẩn Halal chỉ có thời hạn 1 năm.
Vì vậy, ông Định cho rằng, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ, thông tin về quy chuẩn Halal để các doanh nghiệp có thể tiếp cận, từ đó đưa ra những định hướng đầu tư, kinh doanh.
Ông Hoàng Trọng Định, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Công nghệ NhoNho. (Ảnh: Anh Sơn) |
Nhà nước nên xây dựng cơ chế chính sách về lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào thị trường Halal, vì đây là thị trường đặc thù nên chi phí đầu tư rất lớn.
Đối với các doanh nghiệp, ông Định chia sẻ, cần tìm hiểu kỹ nhu cầu, văn hoá ở các thị trường này, đồng thời liên hệ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước sở tại để có thêm các thông tin về thị trường.
Kết luận phiên thảo luận, ông Bùi Hà Nam nhấn mạnh, vấn đề Halal tương đối khó và mới; kỳ vọng buổi trao đổi đã cung cấp cái nhìn tương đối tổng thể về thị trường và những khó khăn khi tiếp cận cũng như đề xuất giải pháp.
Các đại biểu đều thống nhất cao rằng, việc tiếp cận tiêu chuẩn Halal là tất yếu, vì quy mô thị trường này ngày càng lớn. Trong thời gian sắp tới, tiêu chuẩn về Halal sẽ trở thành rào cản trong xuất khẩu nên doanh nghiệp Việt Nam bược phải tuân thủ.
Hiện nay, doanh nghiệp Việt đã bị mất thị trường tiềm năng này vào tay một số đối thủ khác, hy vọng với sự quan tâm và vào cuộc của Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, các Đại sứ, Trưởng CQĐD và cộng đồng doanh nghiệp, ngành Halal Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa, đi tắt đón đầu trong lĩnh vực này.
Các đại biểu dự Tọa đàm. (Ảnh: Anh Sơn) |