TS. Lê Duy Bình, Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economia Việt Nam tin rằng, chuyến đi thực tế tới các công trình, dự án hạ tầng giao thông của Thủ tướng Chính phủ sẽ không phải là chuyến đi duy nhất trong năm nay.
“Thủ tướng đã chạm vào các vấn đề bức xúc nhất của đầu tư công, nên chắc chắn sẽ có những thay đổi tích cực trong tiến độ giải ngân, chất lượng dự án đầu tư công ngay trong năm 2022”, TS Lê Duy Bình chia sẻ.
TS. Lê Duy Bình, Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economia Việt Nam. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Thưa ông, điều gì khiến ông cảm nhận được những thông điệp đó?
Thủ tướng đã tới hiện trường các dự án, đã thấy được sự tạm bợ của Ban quản lý dự án Sân bay Long Thành, chỉ rõ phải hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 9/2022 thì mới đưa sân bay vào hoạt động vào 2025 được, chứ không thể theo kế hoạch là 12/2024…
Thủ tướng cũng xác định giao nhiệm vụ cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đầu tư các dự án cho phù hợp, kể cả giao cho địa phương chứ không chỉ là các Bộ, sau khi Ninh Bình làm tốt dự án Cao Bồ - Mai Sơn, hay Tiền Giang với dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận…
Khi Thủ tướng đã xác định các vướng mắc cụ thể như vậy, các Bộ, ngành và cả địa phương phải vào cuộc ngay, không thể chậm trễ trong triển khai. Bộ Giao thông – Vận tải đã lên “ghế nóng” rồi, phải chạy đua với thời gian, với công việc, đòi hỏi nhiều sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và sẽ kéo theo các Bộ, ngành liên quan cùng vào cuộc.
Tin liên quan |
Cương quyết loại bỏ những dự án đầu tư công chưa thật sự cần thiết, kém hiệu quả |
Đặc biệt, các vấn đề được đặt ra bao gồm cả rà soát hệ thống quy định, cơ chế, thể chế để có những đề xuất thay đổi căn bản, chứ không chỉ là những thay đổi mang tính kỹ thuật. Vừa rồi, Quốc hội, Chính phủ đã có một số sửa đổi quy định pháp luật, nhưng thực tế mới tháo gỡ một vài vướng mắc, nhưng để tạo ra những thay đổi thực sự, tạo cơ chế thuận lợi để các cơ quan công quyền dám nghĩ ra cái mới, dám làm hơn trách nhiệm thì cần những thay đổi mạnh mẽ về thể chế.
Cùng với áp lực phải thực hiện giải ngân khoản đầu tư công theo Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế 2022-2023, tôi tin là sẽ có những thay đổi lớn trong giải ngân đầu tư công trong năm nay.
Khi đầu tư công được kích hoạt mạnh mẽ, cùng với những thay đổi về cơ chế, chính sách, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài cũng sẽ nhận được tác động lan tỏa.
Quan trọng là những trường hợp điển hình trong đầu tư công sẽ tạo thành hình mẫu cho các thay đổi mạnh mẽ trong các ngành, lĩnh vực khác, các vấn đề trong cải thiện môi trường kinh doanh, các vấn đề liên quan đến đất đai..., từ đó gửi thông điệp tích cực tới doanh nghiệp, người dân.
Sự lan tỏa này là điều mà tôi kỳ vọng hơn cả từ các thông điệp của người đứng đầu Chính phủ khi chọn đầu tư công là điểm kích hoạt trong năm 2022.
Cụ thể, ông có thể hình dung thế nào về những tác động lan tỏa này?
Ví dụ, khi các địa phương phải vào cuộc để thúc đẩy các dự án đầu tư hạ tầng, thì trách nhiệm sẽ không chỉ là giải phóng mặt bằng xong là xong trách nhiệm, mà cần phối hợp với chủ đầu tư, các nhà thầu trong cả giai đoạn triển khai dự án. Có thể là việc đảm bảo an toàn cho nhà thầu trong thi công, hay hỗ trợ thủ tục về khai thác, cung cấp nguyên vật liệu…
Vừa rồi, cũng có những thay đổi về thủ tục cấp phép khai thác mỏ đá, nhưng đó chỉ là vấn đề kỹ thuật. Các địa phương cần phải thực hiện các công việc hỗ trợ dự án trên nguyên tắc là vì lợi ích chung cả nền kinh tế, trong đó có lợi ích của địa phương.
Có nghĩa là sẽ phải có những thay đổi về thể chế để tạo nên động lực này cho các địa phương vì chúng ta sẽ còn đầu tư nhiều dự án chứ không chỉ làm một vài dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Có thể nhắc lại chuyến đi của Thủ tướng Chính phủ vào khu vực TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng cuối năm ngoái. Ngay sau đó là những thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch bệnh và sự ra đời của Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nền tảng quản trọng quyết định sự phục hồi nhanh và mạnh mẽ của doanh nghiệp trong vài tháng qua.
Ngay sau chuyến đi đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 8/2/2022 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Các đầu việc có tên cụ thể đã được giao cho các bộ, ngành, địa phương với thời hạn rõ ràng.
Thông điệp cho thấy thời doanh nghiệp phải “đánh cờ nước một” do các văn bản điều hành thay đổi liên tục vì dịch bệnh đã chấm dứt, doanh nghiệp có thể an tâm triển khai các kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn cho 5-10 năm tới. Đây cũng là cơ sở để tin rằng, môi trường kinh doanh năm nay sẽ có những thay đổi tích cực, hậu thuẫn cho các kế hoạch phục hồi và phát triển của doanh nghiệp.
Cho đến thời điểm này, ông nhìn nhận thế nào về năng lực phục hồi của doanh nghiệp Việt trong năm 2022?
Doanh nghiệp mạnh mẽ hơn những gì tôi nghĩ.
Số lượng doanh nghiệp thành lập tháng đầu tiên của năm 2022 là gần 13 ngàn doanh nghiệp, số quay trở lại hoạt động cùng gần bằng 20 ngàn doanh nghiệp. Tinh thần kinh doanh vẫn hừng hực ngay cả khi cả nền kinh tế vừa trải qua những ngày tháng có thể đen tối nhất. Trước đó, ngay trong lúc giãn cách, doanh nghiệp vẫn đảm bảo hàng hóa, sản phẩm cung cấp cho người dân, dành cho xuất khẩu...
Tôi sang Sri Lanka, Myanmar, mấy nước xung quanh, không cảm nhận được sự hừng hực này từ giới kinh doanh. Các chuyên gia Đức cũng chia sẻ với suy nghĩ này, họ nói thấy người Việt ai cũng sẵn sàng lao vào kinh doanh.
Đây chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam phục hồi nhanh sau dịch, cũng là yếu tố thúc đẩy sự xoay chuyển của doanh nghiệp trong bối cảnh thay đổi nhanh và mạnh của nền kinh tế.
Tất nhiên, có những doanh nghiệp đã biến mất bên cạnh doanh nghiệp mới xuất hiện. Có thể nói dịch bệnh đã sàng lọc doanh nghiệp rất mạnh, rất căng thẳng và nhiều đau đớn, nhưng ở góc độ phát triển là tích cực. Ở Việt Nam, doanh nghiệp đóng cửa không đồng nghĩa với sự lụi bại của người kinh doanh, cảnh thất nghiệp kéo dài của người lao động vì cơ hội để bắt đầu lại, làm lại rất lớn. Đây là đặc điểm của các nền kinh tế đang phát triển, có sự năng động cao.
Chính chính lúc này, những chính sách hỗ trợ cho các kế hoạch phát triển dài hạn của doanh nghiệp, hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi và đứng dậy nhanh hơn, mạnh hơn.
So với môi trường kinh doanh – đầu tư trong khu vực, Việt Nam có những cải thiện không nhỏ, như thủ tục về hành chính, đất đai, thực hiện dự án nhanh hơn, nhưng doanh nghiệp cần hơn nữa chính sách hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, giảm bớt những rào cản cho doanh nghiệp thử nghiệm mô hình kinh doanh mới, để doanh nghiệp dám thử nghiệm, sáng tạo nhiều hơn…
Tôi vẫn muốn nhắc lại, khi các cơ quan công quyền dám nghĩ ra cái mới, dám làm hơn trách nhiệm thì doanh nghiệp sẽ cảm nhận được ngay, sẽ tận dụng ngay các cơ hội để phát triển, đổi mới, sáng tạo...
| Đầu năm, cả nước có 13.000 doanh nghiệp thành lập mới Trong tháng 1/2022, cả nước có 13.000 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 192.300 tỷ đồng, tăng lần lượt ... |
| ĐBQH Phan Đức Hiếu: Mỗi doanh nghiệp phải tự thay đổi để thích ứng với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới Chia sẻ với báo TG&VN, ĐBQH Phan Đức Hiếu (Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) nêu quan điểm, để phục ... |