Tập đoàn Tamda Foods ngày càng lớn mạnh tại CH Czech. |
Sở hữu các trung tâm thương mại rộng lớn cùng mạng lưới tiêu thụ hàng hóa bán lẻ mạnh nhưng ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các Hội doanh nghiệp người Việt ở châu Âu vẫn chạnh lòng trước thực trạng hàng Việt đang mất dần thị phần so với hàng hóa các nước khác.
Khẩu hiệu “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” là bài toán cần tìm lời giải đáp cấp thiết, cũng như cần sự chung tay của doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp trong nước.
“Sẵn sàng làm đại lý”
Là một doanh nhân kiều bào làm ăn và sinh sống tại châu Âu nhiều năm, ông Hoàng Mạnh Huê cho rằng, người Việt hiện có cơ sở vật chất rất tốt để phát triển kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước. Hơn nữa, sinh sống ở nước sở tại nhiều năm, mỗi người Việt đều có sự hiểu biết nhất định về phong tục tập quán, thị hiếu và thị trường tiêu thụ của người dân châu Âu.
Cùng với sự phát triển của các trung tâm thương mại lớn, ông Huê tin người Việt có thể thiết lập hệ thống tiêu thụ và phân phối sản phẩm hàng hóa Việt tại địa bàn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là sự kết nối giữa doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp trong nước. Hiện tại, ở Việt Nam, có nhiều sản phẩm độc đáo và tiềm năng nhưng chưa tìm được đường ra thị trường ngoài nước.
Ông nói: “Chúng tôi sẵn sàng làm đại lý và đại diện cho hàng hóa Việt Nam tại châu Âu. Thế nhưng, để việc này trở thành hiện thực, cần có những giải pháp tích cực hơn nữa để kết nối và thúc đẩy sự hợp tác này với các doanh nghiệp trong nước”.
Sắp tới, ông Huê dự định tổ chức diễn đàn doanh nghiệp ở một số nước châu Âu. “Hy vọng qua những sự kiện thế này và nhiều cuộc đối thoại trao đổi hơn nữa, chúng ta có thể đưa được hàng hóa chất lượng của Việt Nam ra châu Âu”.
“Chúng tôi tin tưởng rằng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp kiều bào tại châu Âu sẽ hiện thực hóa các dự án hợp tác bằng những hoạt động cụ thể. Ủy ban sẽ luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ kết nối để các tổ chức doanh nhân trong và ngoài nước cùng nhau gắn kết, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế đất nước vượt qua khó khăn, thách thức dịch bệnh Covid-19”. Ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài |
Tận dụng cơ hội EVFTA
Hiện nay, dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh Covid-19, ông Hoàng Xuân Bình, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan nhấn mạnh Hiệp định EVFTA chính là cơ hội vàng để gắn bó doanh nhiệp kiều bào tại châu Âu với các doanh nghiệp trong nước.
Nhận thức được cơ hội hai chiều giữa châu Âu và Việt Nam, theo ông Bình, ước mong đưa hàng Việt Nam sang châu Âu vẫn là ưu tiên trong thời điểm hiện nay trước thực trạng người Việt đã đánh mất thị trường vào tay Trung Quốc và nhiều nước khác.
Ông Bình cho biết, nếu trước đây các doanh nghiệp Việt kiều ở châu Âu có thể tiêu thụ khoảng 70% hàng hóa Việt Nam, đến nay, thị phần chỉ còn lại khoảng 20%. “Điều không hề mong muốn là khoảng 80% còn là chúng tôi kinh doanh sản phẩm của các nước khác. Bởi vậy, chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc, có kế hoạch hành động hiệu quả nhằm chiếm lại thị trường và tiếp nối đưa hàng hóa Việt Nam vào châu Âu một cách chuyên nghiệp, bài bản và sâu rộng hơn”.
Thực tế trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lớn Việt Nam vẫn tìm được cách xâm nhập thị trường châu Âu. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, con đường này còn gian nan bởi thiếu kinh phí đi lại, marketing, tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm...
Theo ông Bình, nếu được các doanh nghiệp kiều bào liên kết, giúp sức quảng bá, hàng hóa Việt có thể giảm chi phí, tăng cường cơ hội phát triển cùng các sản phẩm của nước khác.
Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước nên chủ động tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường châu Âu. Khi đã có sản phẩm, họ cần có văn phòng đại diện, quảng bá thương hiệu tại đây.
Ông chia sẻ: “Các doanh nghiệp kiều bào có sẵn tiềm năng về đất đai, con người, luật pháp và sự hiểu biết thị trường nước sở tại. Cho nên, sự hợp tác này cần được tiến hành nhanh chóng, cũng như cần hình thành cơ chế hợp tác bền vững từ đầu tư đến sản xuất và phân phối sản phẩm. Mặt khác, cần tổ chức cho doanh nghiệp kiều bào về nước tham quan tìm hiểu thị trường và hàng hóa Việt Nam.
“Thời gian tới, chúng tôi mong muốn doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp trong nước sẽ ký chương trình thỏa thuận và tạo mối liên hệ qua hội viên, cùng nhau đưa sản phẩm, hàng hóa Việt tới bạn bè châu Âu nhiều hơn”. Ông Nguyễn Thủ Đô, Phó Tổng Thư ký thường trực Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam |
Chất lượng và cạnh tranh
Nhận thấy nhiều cơ hội tốt tại châu Âu nhưng thực tế, hàng Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt ở một trong những thị trường khó tính này.
Sinh sống và kinh doanh tại Đức đã 40 năm, ông Vũ Văn Long – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức cho biết hàng Việt Nam ngày càng mất chỗ đứng trên thị trường, hiện chỉ chiếm khoảng 10% trong kinh doanh của các doanh nghiệp kiều bào.
Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức luôn sẵn lòng làm cầu nối cho hàng Việt nhưng câu hỏi đặt ra vẫn là tiêu chuẩn chất lượng để có thể đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng ở nước ngoài.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp kiều bào tin tưởng vào một thế hệ những doanh nhân trẻ có trình độ, có tầm nhìn xa và luôn hướng về quê hương... Điển hình Chủ tịch Tập đoàn Tamda Foods tại CH Czech Hoàng Đình Toàn. Doanh nhân trẻ này cho biết, khởi nguồn từ khát vọng và nâng cao vị thế ngườiViệt ở nước ngoài, cũng như đưa sản phẩm Việt Nam đến thị trường châu Âu, anh đã thành lập công ty vào năm 2008 và hiện trở thành tập đoàn lớn mạnh. Sự ra đời của Tamda Foods đáp ứng được nhu cầu cung ứng hàng hóa cho hệ thống cửa hàng rộng khắp mọi nơi của người Việt trên đất Czech.
Anh chia sẻ: “Chúng tôi đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy của người Việt tại châu Âu nói chung và tại CH Czech nói riêng. Với tiềm năng lớn từ thị trường tiêu thụ tại CH Czech, chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp trong nước để đưa nhiều sản phẩm của Việt Nam sang châu Âu”.