DNNVV chiếm 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên thực tế. (Ảnh minh họa). |
Đó là nhận định chung của nhiều đại biểu tại Hội thảo "Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV): Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam" vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Coi DNNVV là "xương sống" nền kinh tế
Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản, ông Miki Miyamor, Cố vấn trưởng Dự án JICA (Nhật Bản) cho biết, để có sự lớn mạnh ở khối DNNVV, Nhật Bản đã coi các doanh nghiệp này như là "xương sống", đóng vai trò đắc lực cho việc tái thiết nền kinh tế. Song song với sự phát triển của DNNVV, các loại hình luật về doanh nghiệp cho thành phần này ra đời rất sớm và liên tục được bổ sung, hoàn thiện; các tổ chức tài chính và ngân hàng, thực hiện việc hỗ trợ toàn diện các DNNVV cũng xuất hiện trước so với lịch sử kinh tế các nước. Các cơ quan này hợp thành một "hệ thống xã hội" hoàn chỉnh và là chỗ dựa vững chắc cho sự phát triển của các DNNVV. Sự nhận thức sớm và đúng đắn vai trò của các DNNVV trong nền kinh tế là nguyên nhân đầu tiên góp phần làm gia tăng tỷ trọng các doanh nghiệp loại hình này trong nền kinh tế và trong các ngành nghề khác nhau ở Nhật Bản. Đó là bài học kinh nghiệm đầu tiên và quan trọng nhất trong việc phát triển DNNVV ở Nhật Bản.
Còn ông Lee Dong Kon, nguyên Phó giám đốc Cơ quan hỗ trợ DNNVV Hàn Quốc chia sẻ, từ khoảng năm 1970, Chính phủ Hàn Quốc đã có bước ngoặt khi chuyển hướng sang tập trung hỗ trợ DNNVV thay cho việc nâng đỡ các doanh nghiệp lớn như thời kỳ trước đó.
Cuối năm 1970, đạo luật xúc tiến DNNVV ra đời. Các năm tiếp sau đó, hệ thống luật pháp hỗ trợ DNNVV tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện với các nội dung khác nhau như hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến thị trường… Tới nay, Hàn Quốc có khoảng 19 đạo luật liên quan tới hỗ trợ DNNVV.
Sớm luật hóa chính sách
Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách hỗ trợ, điều phối và sử dụng các nguồn lực hỗ trợ DNNVV, cần luật hóa các chính sách cho phù hợp với từng thời kỳ và đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam. "Ở thời điểm hiện nay, nếu chúng ta có luật hỗ trợ DNNVV thì sẽ là công cụ, giải pháp về mặt pháp lý rất mạnh để các cơ quan Nhà nước cấp trung ương cũng như địa phương có thể dành nguồn lực mạnh mẽ hơn và triển khai các hoạt động quyết liệt hơn hỗ trợ DNNVV", ông khuyến nghị.
Đối chiếu với chính sách của Việt Nam, luật sư Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Tư vấn và phản biện chính sách, Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, Quỹ hỗ trợ DNNVV được "thai nghén" từ nhiều năm song cho tới nay vẫn chưa phát huy hiệu quả. "Ở các nước, quỹ này đều phải dựa vào hỗ trợ từ ngân sách, còn Việt Nam lại muốn trích từ đóng góp của các doanh nghiệp lớn thì không thể nào hình thành quỹ được", ông Tiền thẳng thắn.
Ông Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam phân tích, những chính sách được các quốc gia chia sẻ hầu như đều đã xuất hiện trong các văn bản của Việt Nam, có điều chưa thực hiện được.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, để luật hóa sẽ vướng phải rào cản tâm lý. Bởi, các cơ quan lập pháp thường nghĩ luật phải là vấn đề vĩ mô, dài hạn, với các vấn đề cụ thể như hỗ trợ DNNVV có vẻ không đáng để xây dựng thành luật. "Tùy thời điểm cụ thể, có những bộ luật phải được ban hành để giải quyết những vấn đề rất cụ thể chứ không phải chỉ đi vào vĩ mô. Đây là rào cản tâm lý mà các cơ quan quản lý phải đả thông trước đã", ông Tiến khẳng định.
Theo số liệu từ Hiệp hội DNNVV, hiện cả nước có hơn 500.000 DNNVV, chiếm 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên thực tế. Hàng năm, khu vực này đóng góp khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước, 33% giá trị sản lượng công nghiệp; 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút 51% lực lượng lao động của cả nước.
Sơn Tùng