Một góc cửa hàng bán đồ ăn nhanh ở thủ đô Moscow, Nga. (Nguồn: AP) |
Tốn kém và phức tạp
Các doanh nghiệp chọn ở lại Nga đang ở trong tình thế khó khăn: Việc rời đi trở nên tốn kém và phức tạp hơn.
Moscow hiện yêu cầu phải có sự chấp thuận của một ủy ban thuộc chính phủ và trong một số trường hợp cần cả sự chấp thuận từ Tổng thống Vladimir Putin; đặt ra các yêu cầu chiết khấu và thuế với giá bán tài sản…
Cụ thể, tháng 12/2022, Điện Kremlin đã thông qua các quy tắc yêu cầu chính phủ Nga tiến hành đánh giá giá trị thị trường của bất kỳ tài sản nào được bán bởi một công ty nước ngoài.
Đến tháng 3/2023, giới chức Nga cho biết, kế hoạch áp thuế lợi nhuận bất thường đối với các doanh nghiệp tại nước này, có hiệu lực từ đầu năm 2024. Trừ ngành dầu mỏ, khí đốt, than đá, các công ty khác có thể bị áp thuế 10% với lợi nhuận bất thường giai đoạn 2021-2022 so với giai đoạn 2018-2019.
Bloomberg cũng tiết lộ, mức thuế này có thể áp dụng cả với các công ty sắp rời Nga. Việc này sẽ không có ngoại lệ, do Nga cần bổ sung ngân sách. Và mức thuế này sẽ khiến các công ty càng khó khăn hơn nếu muốn rời đi.
Nhìn từ kinh nghiệm của nhà sản xuất sữa chua Pháp Danone và nhà sản xuất bia Đan Mạch Carlsberg, việc rời Nga đang trở nên khó khăn hơn với doanh nghiệp nước ngoài.
Cả hai doanh nghiệp kể trên đã hoàn tất việc bán lại toàn bộ doanh nghiệp cho người mua địa phương. Tuy nhiên, ngày 16/7, Tổng thống Nga đã ký sắc lệnh áp đặt quyền kiểm soát tạm thời của nhà nước đối với cổ phần nước ngoài của Danone và Carlsberg.
Theo nghị định được công bố trên trang web chính thức của chính phủ, hơn 83 triệu cổ phiếu của Danone Russia thuộc sở hữu của Produits Laitiers Frais Est Europe đã được chuyển giao dưới sự kiểm soát của nhà nước Nga.
Ông Maria Shagina, một chuyên gia về lệnh trừng phạt tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh) nhận định: "Doanh nghiệp phương Tây hiện đang bị mắc kẹt giữa một tảng đá”.
Biển hiệu của công ty Apple tại một trung tâm thương mại ở thủ đô Moscow, Nga năm 2021. (Nguồn: AFP) |
Lựa chọn khó khăn
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale (Mỹ) cho rằng, hơn 1.000 doanh nghiệp nước ngoài đã rời khỏi hoặc ngừng hoạt động tại Nga kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu.
Được thúc đẩy bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, các công ty dầu mỏ, nhà sản xuất ô tô, công ty công nghệ, tư vấn và ngân hàng đã dẫn đầu làn sóng rời Nga. McDonald's đã bán hơn 800 nhà hàng địa phương, thu về hơn 1 tỷ USD trong quá trình này.
Trong khi đó, BP đã phải trả khoản phí 24,4 tỷ USD cho việc từ bỏ 19,75% cổ phần tại Rosneft, công ty dầu mỏ lớn nhất của Nga. Động thái này cũng làm giảm trữ lượng dầu và khí đốt của gã khổng lồ năng lượng Anh.
Nhưng sau cuộc di cư hàng loạt của các tập đoàn lớn, các nhà nghiên cứu của Yale ước tính, có hơn 200 công ty từ khắp nơi trên thế giới vẫn tiếp tục kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới. Và sau làn sóng ban đầu đó, các hiện tượng mới đã xuất hiện: Một số công ty vẫn chờ đợi thời cơ, gặp khó khăn trong việc thanh lý tài sản hoặc đang tìm cách kinh doanh như bình thường.
Bên cạnh đó, có khoảng 178 doanh nghiệp đang “câu giờ” (tạm dừng các khoản đầu tư mới và thu hẹp quy mô hoạt động nhưng vẫn hiện diện ở nước này). Unilever, Nestlé, Mondelēz và Procter & Gamble - những doanh nghiệp hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới - thuộc nhóm này.
Mặc dù lý do chính xác mà mỗi bên đưa ra để ở lại là khác nhau, nhưng các chủ đề chung bao gồm: Mối quan tâm đến phúc lợi của nhân viên và gia đình họ vẫn đang ở Nga; nghĩa vụ đối với các đối tác địa phương. Doanh nghiệp chia sẻ, họ đang cung cấp các nguồn cung cấp thiết yếu cho người dân.
Giám đốc điều hành Unilever Hein Schumacher cho hay, họ đã nộp 3,8 tỷ Ruble (42,2 triệu USD) tiền thuế cho chính phủ Nga vào năm 2022. Hiện tại, Unilever không thể tìm ra “giải pháp khả thi” liên quan đến việc bán các hoạt động ở nước này.
Ông Schumacher nhấn mạnh: "Việc từ bỏ hoạt động kinh doanh tại Nga - nơi có tài sản trị giá 800 triệu Euro (884 triệu USD), bao gồm 4 nhà máy - sẽ chỉ làm tăng nguy cơ quốc hữu hóa. Điều này khiến Unilever không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục hoạt động".
Người phát ngôn của Nestlé, công ty có 6 nhà máy và khoảng 7.000 nhân viên ở Nga tiết lộ, họ đã “giảm đáng kể” phạm vi sản phẩm ở nước này và chỉ cung cấp “thực phẩm thiết yếu và cơ bản cho người dân địa phương”.
Vẫn ăn nên làm ra
Tuy nhiên, việc ở lại Nga cũng không hẳn hoàn toàn khó khăn với các doanh nghiệp nước ngoài.
Moscow Times dẫn nguồn trang web tin tức độc lập của Nga Novaya Gazeta Europe cho biết, đến tháng 6/2023, 100 doanh nghiệp phương Tây lớn nhất vẫn đang hoạt động ở Nga. Những doanh nghiệp này đã công bố lợi nhuận ròng đạt tổng cộng 1,1 nghìn tỷ Ruble (13,3 tỷ USD) vào năm 2022.
Kết quả này - dựa trên báo cáo tài chính của các pháp nhân đã đăng ký tại Nga với sở hữu hoàn toàn hoặc một phần của nước ngoài - đánh dấu mức tăng 54% so với năm 2021.
Theo Novaya Gazeta Europe, năm ngoái, Tập đoàn năng lượng TotalEnergies của Pháp, vẫn duy trì các khoản đầu tư vào Nga mặc dù rút một số tài sản, đã tăng gấp đôi lợi nhuận ròng lên 269 tỷ Ruble (3,2 tỷ USD). Hay Ngân hàng Raiffeisen của Áo - một trong những ngân hàng phương Tây lớn cho vay ở Nga - đã tăng gần gấp bốn lần lợi nhuận ròng lên 141 tỷ Ruble (1,7 tỷ USD) .
10 công ty có thu nhập cao nhất ở Nga năm 2022 bao gồm: PepsiCo, British Petroleum, Japan Tobacco, Mondelez International (trước đây là Kraft Foods), Mars, gã khổng lồ đóng gói Mondi, Kia và công ty vật liệu xây dựng đa quốc gia Knauf.
The Washington Post cũng khẳng định rằng, một số doanh nghiệp phương Tây thậm chí còn giành được thị phần lớn hơn khi các đối thủ cạnh tranh của họ rời đi. Nhiều doanh nghiệp vẫn "ăn nên làm ra" ở nền kinh tế lớn thứ 8.