📞

Doanh nghiệp SMMEs “chỉ còn” cơ hội bứt phá

06:00 | 25/03/2017
Dưới tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (SMMEs) sẽ trở thành người khổng lồ, có khả năng kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu rất cao, trong khi các doanh nghiệp lớn có thể sẽ cô đơn nếu không có kết nối - theo phân tích của Chủ tịch VCCI, TS. Vũ Tiến Lộc.

Khẳng định tại buổi họp báo Hoạt động doanh nghiệp trong năm APEC 2017 và kết quả kỳ họp Hội đồng Tư vấn doanh nhân APEC (ABAC) 1, ngày 21/3, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước những biến động khó lường, thế giới sẽ tái cấu trúc trong vòng 5 năm tới để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Chuỗi giá trị toàn cầu sẽ thay đổi. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mới.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: Dương Liễu)

Theo phân tích của Chủ tịch VCCI, dưới tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (SMMEs) sẽ trở thành người khổng lồ, có khả năng kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu rất cao, trong khi các doanh nghiệp lớn có thể sẽ cô đơn nếu không có kết nối. TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, các SMMEs nên đi theo hai chiều hướng kết nối: vươn đến nông thôn, liên kết với các hộ nông dân và kết nối giá trị toàn cầu. Để làm được điều đó, bản thân doanh nghiệp phải cơ cấu lại, nâng cao năng lực cạnh tranh, tự tìm hiểu thông tin, bắt đầu từ những cơ hội mà Hội nghị APEC 2017 mang tới.

Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2017 Quỹ Phát triển SMMEs đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ tài chính đối với loại hình doanh nghiệp này, với tổng số kinh phí khoảng 560 tỷ đồng. Với mục tiêu khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong SMMEs, hạn mức chương trình là 100 tỷ đồng; thời gian ân hạn trả gốc tối đa 24 tháng; mức cho vay tối đa là 10 tỷ đồng.

Với mục đích tăng cường hiệu quả hoạt động của các SMMEs trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, Quỹ Phát triển SMMEs và các ngân hàng nhận ủy thác triển khai chương trình có hạn mức 180 tỷ đồng; thời gian ân hạn trả gốc tối đa 18 tháng; mức cho vay tối đa 20 tỷ.

Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu quả hoạt động của các SMMEs ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ chương trình có hạn mức 180 tỷ đồng; thời gian ân hạn trả gốc tối đa 18 tháng; mức cho vay tối đa 25 tỷ đồng.

Đồng thời, để bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững, Quỹ Phát triển SMMEs và các ngân hàng nhận ủy thác triển khai chương trình Hỗ trợ SMMEs trong ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải với hạn mức 100 tỷ đồng; thời gian ân hạn trả gốc tối đa 24 tháng; mức cho vay tối đa 25 tỷ đồng.

Như vậy, kèm theo việc gỡ bỏ những vướng mắc từ cải cách thể chế, tạo điều kiện về vốn, ngay từ bây giờ, các SMMEs cần phải phát triển, cải thiện mình để tăng tốc, không bỏ lỡ “cuộc đua” này.