Đa số ý kiến của doanh nghiệp đưa ra tại cuộc họp đều nêu lên những khó khăn trong việc thực hiện phương án "3 tại chỗ" như rủi ro lây nhiễm trong nhóm kín tăng cao; chi phí sản xuất tăng dẫn đến thua lỗ nặng, tâm lý người lao động không ổn định.
Các doanh nghiệp đã huy động hết không gian, khu vực trống trong công ty để xây khu lưu trú cho nhân viên nhằm duy trì sản xuất. Tuy nhiên, nếu kéo dài sau ngày 16/8, đa số doanh nghiệp đều khẳng định không thể tiếp tục bởi chi phí phát sinh lớn, tâm lý lao động không ổn định.
Không những thế, hầu hết lao động đang thực hiện "3 tại chỗ" đều đã tiêm mũi 1 nhưng tới nay sau gần 2 tháng doanh nghiệp chưa nhận được kế hoạch tiêm mũi 2.
Đặc biệt, do nhận thức được các bệnh viện của TP. Hồ Chí Minh đều đang quá tải nên doanh nghiệp đề xuất xin được lập bệnh viện dã chiến ngay trong nội khu của Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHPT) để điều trị cho công nhân và giữ cho chuỗi sản xuất không bị đứt gãy. Chi phí hoạt động doanh nghiệp sẽ tự chi trả dưới sự hỗ trợ vận hành từ cơ quan chức năng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đề nghị được tăng thêm ca và giờ làm dù vượt quá quy định của Luật Lao động để bù lại lượng công nhân bị giảm do thực hiện tại chỗ.
Nhiều doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh kiến nghị cần tìm phương án thay thế cho "3 tại chỗ". (Nguồn: Báo Thanh Niên) |
Theo bà Lê Bích Loan - Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, chính quyền TP. Hồ Chí Minh cần có phương án thay thế cho "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm" sau ngày 16/8 và cho phép người lao động được đi lại khi đã được tiêm vaccine cũng như doanh nghiệp được tăng quy mô sản xuất, thay thế lao động.
Đại diện Công ty First Solar Việt Nam tại Khu công nghiệp Đông Nam huyện Củ Chi cho rằng, Thành phố nên xem xét theo hướng để doanh nghiệp tự quản lý, tự chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh lây lan. Theo đó, doanh nghiệp nào đảm bảo phòng chống dịch sẽ được hoạt động, trường hợp không đảm bảo thì phải dừng.
Hơn nữa, doanh nghiệp cũng cần được xem xét và có hướng dẫn cụ thể cho việc thay đổi lao động sau thời gian làm việc tại nhà máy hơn 14 ngày bởi hầu hết lao động đều muốn được về nhà và doanh nghiệp phải bố trí lực lượng khác thay thế. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp lên kế hoạch thay thế thì cũng không thể đưa thêm lao động vào hoặc đưa người ra khỏi nơi sản xuất.
Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ mong muốn chính quyền các địa phương nới lỏng một số quy định để các ngành nghề sản xuất được tiếp tục bởi dù đáp ứng được "3 tại chỗ" nhưng khi sản xuất ra lại không thể xuất hàng ra khỏi Thành phố bởi vướng các quy định từ các địa phương khác.
Đại diện Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn tại Khu công nghiệp Cát Lái chia sẻ, là đơn vị sản sản xuất gel, nước rửa tay không chỉ cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh mà cả nước, nhưng việc vận chuyển tới các tỉnh vô cùng khó khăn do mỗi địa phương có quy định khác nhau. Đơn cử như tại An Giang yêu cầu giấy test Covid-19 trong vòng 24 giờ còn tỉnh Bạc Liêu lại không cho xe từ TP. Hồ Chí Minh vào địa bàn.
Ngoài ra, do thời gian công nhân ở trong nhà máy kéo dài nên doanh nghiệp đã tổ chức bếp ăn để phục vụ, song việc tìm nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng, có giá thành hợp lý còn khó khăn, cần được đơn vị chức năng hỗ trợ.
Ghi nhận những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, đại diện Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương khẳng định: Đối với vấn đề vaccine, Bộ Công Thương đã gửi văn bản gửi Bộ Y tế, đề nghị sửa đổi Quyết định 3355 về việc đưa người lao động làm việc tại doanh nghiệp thành đối tượng ưu tiên tiêm vaccine; trong đó ưu tiên các ngành sản xuất như thực phẩm, chế biến nông sản, điện tử, dệt may, da giày.
Mặt khác, để tạo điều kiện cho khâu triển khai tiêm chủng, giảm gánh nặng cho y tế công, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Y tế cho phép các cơ sở triển khai tiêm chủng có thu phí và khoản phí này do doanh nghiệp tự chi trả dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền.
Cũng theo Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, với vấn đề 3 tại chỗ, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi Quyết định 2787; trong đó có đề nghị Bộ Y tế bổ sung các hình thức tổ chức sản xuất trong điều kiện vừa thực hiện cách ly vừa sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Theo đó, ngoài "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm", Bộ Công Thương cũng đề nghị linh hoạt bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp lựa chọn, đặc biệt có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp người lao động có nhu cầu được về nhà theo cam kết của doanh nghiệp, người lao động và địa phương.
Riêng kiến nghị của doanh nghiệp về thay thế lao động, bổ sung lao động đang thực hiện "3 tại chỗ", trong ngày hôm nay, Tổ công tác đặc biệt sẽ tổng hợp để đề xuất Bộ Y tế có phương án hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp luân chuyển lao động phù hợp.
Đặc biệt, với đề nghị kết nối nguồn thực phẩm của Công ty Mỹ Phẩm Sài Gòn, doanh nghiệp cần có thông tin chi tiết như bếp ăn cần hàng hóa gì, nhu cầu mặt hàng và giá cả cụ thể ra sao. Từ những thông tin cụ thể này Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương sẽ thực hiện kết nối doanh nghiệp với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và các hệ thống siêu thị bán lẻ tham gia chương trình bình ổn thị trường của Thành phố.