VNG là 'kỳ lân' công nghệ đầu tiên của Việt Nam với giá trị khoảng hơn 1 tỷ USD. (Nguồn: VNG) |
Khu vực doanh nghiệp đang đối mặt nhiều khó khăn thách thức "chưa có tiền lệ" cùng với đó là các tác động xấu từ yếu tố bên ngoài. Trong bối cảnh đó vẫn có những doanh nghiệp vươn mình "vượt bão".
VinFast, VNG, Viettel, gạo ST25... là những thương hiệu của Việt Nam đã khẳng định trên thị trường thế giới và liên tục được nhắc đến gần đây bất chấp đại dịch Covid-19.
Thương hiệu Việt tầm cỡ thế giới
Mới đây, sự kiện VinFast chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán lớn nhất nhì thế giới đang là niềm tự hào cho thương hiệu Việt; là nguồn cảm hứng tự tin để các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam có thêm động lực, kinh nghiệm để có thể đưa thương hiệu Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Hiệu ứng của VinFast ngay lập tức đã có sự lan tỏa. Và cũng chỉ sau đó vài ngày, (ngày 24/8) Công ty CP VNG (mã chứng khoán VNZ) công bố VNG Limited - cổ đông lớn của VNG - đã chính thức nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC).
Theo đó, VNG Limited dự kiến sẽ chào bán ra công chúng (IPO) cổ phiếu phổ thông loại A tại sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market. Mặc dù việc nộp hồ sơ IPO trên sàn chứng khoán Mỹ đã được công ty VNG công bố khá lâu, từ năm 2017, nhưng có thể nói, "ngọn lửa" niêm yết trên sàn chứng khoán ngoại đang được bùng lên hơn bao giờ hết.
Không chỉ câu chuyện niêm yết trên sàn chứng khoán ngoại, nhiều doanh nghiệp Việt đã để lại dấu ấn khi "vượt bão" để đưa sản phẩm và thương hiệu Việt Nam bay xa hơn. Có thể kể đến như Tập đoàn Lộc Trời đã thành công đưa sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng "Cơm Việt Nam Rice" lên kệ tại các hệ thống đại siêu thị của Pháp cũng như thâm nhập thị trường Liên minh châu Âu (EU) khó tính. Hay sản phẩm King Coffee cũng đã được bán trực tiếp vào hệ thống Costco Wholesale - một chuỗi bán buôn lớn nhất tại Hoa Kỳ…
Chúng ta nên dành sự ủng hộ tối đa cho những doanh nghiệp dám đương đầu với khó khăn và quyết tâm đưa thương hiệu Việt Nam bay cao, bay xa hơn, bởi đằng sau những doanh nghiệp Việt như thế là cả một dân tộc. Ai là người Việt Nam mà chẳng mong muốn đất nước mình có được vị thế sánh ngang với các quốc gia phát triển khác trên thế giới?
Việc các doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường vốn quốc tế, hay đẩy mạnh xuất khẩu sẽ là xu hướng khách quan khi quy mô kinh tế Việt Nam năm 2022 đã nằm trong top 5 ASEAN. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2023, quy mô kinh tế của Việt Nam sẽ đứng thứ ba Đông Nam Á. Như vậy, Việt Nam đủ trưởng thành để tham gia vào cuộc chơi tầm cỡ thế giới.
Và chúng ta tin rằng, sau những "con sếu đầu đàn" đó, nếu có nhiều hơn doanh nghiệp nhìn theo để học hỏi thì kinh tế Việt Nam sẽ sớm vươn tới đẳng cấp cao hơn ở tầm thế giới. Nhìn rộng ra với các doanh nghiệp khác, không phải mọi công ty đều chọn cách niêm yết hay đẩy mạnh xuất khẩu ra thế giới. Đó chỉ là một lựa chọn, song nếu có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn để niêm yết, để xuất khẩu đến gần với công chúng nước ngoài bằng sự minh bạch, bằng chất lượng thì rất đáng hoan nghênh!
Trong lịch sử, chúng ta đã từng tự hào vì sự thành công trong bảo vệ Tổ quốc, thì nay, chúng ta cần phải tự hào về thành công trong xây dựng và phát triển đất nước, tự hào về sự trưởng thành của doanh nghiệp Việt. Và để thể hiện sự tự hào đó, cần phải hết sức ủng hộ các doanh nghiệp Việt bằng cả tinh thần và hành động cụ thể để đồng hành cùng với các doanh nghiệp.
Hơn ở đâu hết, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn dành sự quan tâm và ưu tiên cho các doanh nghiệp tư nhân trong công cuộc phát triển đất nước và được xác định rõ: "Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế".
Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, "thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân…
Đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng vừa thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển; vừa phát huy vai trò của thành phần kinh tế này trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng trong tình hình mới.
Khẳng định vai trò, động lực quan trọng của thành phần kinh tế tư nhân trong hội nhập quốc tế. Kinh tế tư nhân đã góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh du lịch, khu đô thị, sản xuất ô tô, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ. Hiệu quả nổi bật của các tập đoàn kinh tế tư nhân gần đây thể hiện khá rõ điều này.
Tuy nhiên, trên chặng đường phát triển doanh nghiệp, với một số trường hợp kinh doanh chỉ để vun vén lợi ích cho các cá nhân, chụp giật và không minh bạch, đi ngược với luật pháp, với lợi ích chung… thì cũng sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc và tự thân sẽ bị đào thải và quên lãng!
Tất cả vì niềm tự hào Việt Nam
Để tiếp tục thúc đẩy đưa thương hiệu doanh nghiệp Việt nói riêng và thương hiệu quốc gia vươn cao hơn trên vị trí toàn cầu thì Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ để "Make in Vietnam" trở thành hiện thực. Khi hàng hóa và sản phẩm của Việt Nam có chất lượng cao, giá cả cạnh tranh và chiếm được lòng tin của khách hàng trong nước và quốc tế thì câu chuyện lên sàn vốn quốc tế chỉ là việc có muốn hay không.
Hiện nay ở nước ta, cộng đồng doanh nghiệp có trên 800 nghìn doanh nghiệp. Cùng với chính sách đổi mới hướng tới nền kinh tế thị trường của Chính phủ, các doanh nghiệp Việt đã từng bước xây dựng được những thương hiệu mạnh trong các lĩnh vực sản xuất (như: điện tử, ô tô, nông sản, da giày, dệt may,…), nhằm tạo ra những giá trị gia tăng cho sản phẩm không chỉ ở cấp độ trong nước, mà cả ở cấp độ toàn cầu.
Mặc dù vậy, chúng ta cũng phải thừa nhận, số doanh nghiệp trong nước có được thương hiệu để thế giới biết đến vẫn còn ít. Việc đưa thương hiệu Việt Nam vươn ra tầm thế giới đã khó, để giữ được thương hiệu còn khó hơn. Đó là cả một quá trình đòi hỏi doanh nghiệp không ngừng đổi mới, phát triển, làm ra sản phẩm chất lượng, phục vụ nhu cầu đa dạng cho người tiêu dùng. Thông qua thương hiệu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam thì thương hiệu quốc gia của Việt Nam thời gian qua cũng từng bước được nâng hạng.
Chúng ta cần có những doanh nghiệp đủ lớn mạnh về quy mô, có năng lực quản trị chuẩn mực quốc tế, ứng dụng công nghệ hiện đại, có khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần xác định được các doanh nghiệp có đủ bản lĩnh trở thành "sếu đầu đàn" trên cơ sở đánh giá nội lực của doanh nghiệp và nguyên tắc thị trường, tránh việc sử dụng mệnh lệnh hành chính hay lắp ráp một cách cơ học.
Theo đó, chúng ta cần tập trung phát triển các doanh nghiệp đầu đàn trong những ngành, lĩnh vực mới có tác động dẫn dắt, lan tỏa như: cung cấp đầu vào quan trọng cho các ngành kinh tế, kết cấu hạ tầng quốc gia quan trọng, khoa học công nghệ hiện đại, đi đầu trong tăng cường quốc phòng an ninh, công nghiệp lưỡng dụng để bảo vệ Tổ quốc…
Nhìn sang Nhật Bản, Hàn Quốc, các tập đoàn và doanh nghiệp lớn của họ cũng phải đi lên từ sự đổ nát của chiến tranh, của những khó khăn ban đầu trong quá khứ rồi mới thành công được trên thế giới như bây giờ. Thành công của họ ngoài việc năng động, sáng tạo, dũng cảm còn nhờ một phần rất quan trọng từ sự ủng hộ của người dân, sự quan tâm và đồng hành của các cơ quan quản lí, của các tổ chức khoa học, viện, trường và của các hiệp hội.
Muốn có một con đường phải có người đặt chân đầu tiên. Những thương hiệu đang đặt bước chân đầu tiên, định vị cho con đường chinh phục thế giới của doanh nghiệp Việt đáng được trân trọng. Chúng ta tự tin rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ vững bước và thành công trên con đường đó. Con đường đó sẽ rất khó khăn nhưng cũng rất vinh quang và đầy tự hào dân tộc.