📞

Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc: Quê hương chỉ có một!

15:00 | 05/06/2021
Về nước đầu tư, kinh doanh đã 20 năm, doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc, Việt kiều Canada cho rằng dù gặp nhiều khó khăn nhưng dịch Covid-19 cũng là thời điểm mà cộng đồng doanh nghiệp cũng như mỗi cá nhân thể hiện trách nhiệm, tình cảm của mình hướng về Việt Nam.
Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc, Việt kiều Canada.

Là một trong những doanh nhân Việt kiều tiên phong về đầu tư tại quê hương, từ kinh nghiệm cá nhân ông, có những chia sẻ gì về chính sách của Nhà nước và Chính phủ ta dành cho bà con kiều bào?

Từ năm 2004 khi có Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời, bà con kiều bào định cư ở các nước phát triển rất quan tâm tới Việt Nam. Chúng ta cũng nhận ra rằng tiềm lực về trí thức và kinh tế của lực lượng kiều bào là rất mạnh, cụ thể hóa ở tổng số tiền đầu tư về Việt Nam hiện đã lên tới 4,8 tỷ USD.

Với hơn 3500 bà con kiều bào đang thành lập công ty và đầu tư trực tiếp ở Việt Nam, thể hiện chính sách của ta đã cởi mở hơn nhiều. Đặc biệt, hằng năm, dòng kiều hối về Việt Nam không ngừng tăng, có năm lên tới 17,6 tỷ USD như năm 2019.

Hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến dòng kiều hối giảm và sẽ giảm sâu hơn vì cả thế giới đều khủng hoảng về tài chính, đứt gẫy về cung cầu sản xuất, doanh nghiệp kiều bào tại các nước đều gặp khó khăn.

Thế nhưng, cho đến nay, có thể thấy sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Ngoại giao với những chuyến giải cứu cho bà con, du học sinh và lao động Việt Nam về nước thành công rất lớn. Thời gian qua đã minh chứng chính sách với người Việt Nam ở nước ngoài ngày một tốt hơn.

Theo ông, đâu là những mặt vẫn còn tồn tại?

Bản thân tôi thấy những năm qua dù bà con kiều bào về nước đầu tư với con số lớn như vậy, nhưng mức độ thành công mới chỉ ở mức nhất định vì chính sách ở Việt Nam và các nước phát triển có sự khác biệt nhau.

Ngoài ra, khi bà con về đầu tư hoặc mua nhà theo các chính sách mới vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Khi thành lập công ty ở Việt Nam, người trong nước thì rất thuận lợi nhưng với kiều bào thì hiện còn khá nhiều thủ tục không cần thiết.

Nghị quyết 36/NQ-TW khẳng định, người Việt ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc nhưng khi áp dụng và thực thi chính sách đâu đó vẫn còn có sự khác biệt. Tôi cho rằng đất nước muốn phát triển thì phải dám nhìn vào những tồn tại và những điều gây bức xúc cho xã hội, cũng như gây trở ngại cho kiều bào thì mới có thể tìm được giải pháp tối ưu để phát triển đất nước.

Đại dịch Covid-19 hẳn đã ảnh hưởng lớn đến những doanh nghiệp kiều bào về đầu tư trong nước. Ông khắc phục những khó khăn này như thế nào?

Có thể nói, trong hai năm qua, cùng với khó khăn của thế giới và Việt Nam, doanh nghiệp kiều bào cũng gặp khó khăn vô cùng. Bản thân tôi là một doanh nghiệp đã đầu tư nghìn tỷ vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực sản xuất và giáo dục đào tạo thì sự ảnh hưởng này là không nhỏ.

Với các hoạt động sản xuất thì nguyên vật liệu tăng cao, chuỗi cung ứng sản phẩm ra thị trường và cung cấp vật liệu cho sản xuất thì chủ yếu từ Trung Quốc cho nên khi dịch bệnh bùng nổ tại đây các mối hàng, nguyên liệu bị chậm lại và giá thành đẩy lên cao. Ngoài ra, tại các địa phương bị phong tỏa và giãn cách, lực lượng công nhân viên đi làm luôn trong tâm trạng lo lắng. Một vấn đề nữa là nguồn vốn đầu tư mở rộng kinh doanh sản xuất buộc phải dừng lại.

Mặt khác, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và Chính phủ dù đưa ra rất tốt nhưng với việc thực thi thì vẫn còn những khó khăn. Các doanh nghiệp trong nước tiếp cận còn khó, chưa nói đến doanh nghiệp kiều bào.

Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc quê Hải Dương, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Phát triển và đầu tư Đại Sơn. Ông chính thức đầu tư về Việt Nam từ năm 2001 với nhiều dự án trong các lĩnh vực khác nhau.

Dù khó khăn vậy nhưng thời gian qua, doanh nghiệp của ông vẫn có những đóng góp tích cực vào cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 ở quê hương?

Tôi cho rằng đây là những đóng góp dù không lớn nhưng cần thiết trong hoàn cảnh đất nước hiện nay. Như khi bệnh bùng phát ở Hải Dương, tôi sẵn sàng bỏ cơ sở vật chất là trụ sở Trường Trung cấp nghề Việt Nam-Canada (cạnh Quốc lộ 18, đoạn qua phường Cộng Hòa, TP. Chí Linh) để làm địa điểm cách ly cho hàng nghìn người F0 và F1 lưu trú trong đó. Đến nay, chúng tôi đã ủng hộ phòng chống Covid-19 và người dân vùng bão lụt miền Trung số tiền lên tới hơn 3 tỷ đồng .

Chúng tôi hy vọng tất cả bà con kiều bào dù gặp khó khăn nhưng luôn hướng về Tổ quốc trên tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Vừa qua, tôi đã đến Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài để trao ủng hộ cho bà con Bắc Ninh và Bắc Giang số tiền 100 triệu đồng và 5 tấn gạo với tấm lòng của tôi dành cho quê hương.

Tôi cho rằng đây là trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như sự hảo tâm mỗi cá nhân, tùy theo năng lực của mình để hướng về Việt Nam. Bởi vì Việt Nam là quê hương. Tôi tin dù mỗi người có chính kiến khác nhau nhưng quê hương thì chỉ có một.

Ông có nhận xét gì về chính sách cũng như mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế của Việt Nam?

Tôi thấy rằng những giải pháp trong tình hình mới luôn phải cập nhật. Lúc trước chúng ta chỉ nói đến khẩu hiệu 5K nhưng muốn không đứt gẫy nền kinh tế và hạn chế sản xuất kinh doanh để hoàn thành mục tiêu kép nói trên thì giai đoạn này phải khác. Nếu chúng ta tiếp tục giãn cách, bế quan tỏa cảng các tỉnh hay khu vực thì sẽ rất nguy hiểm, bởi lúc này cần nhiều vào thực lực của nền kinh tế của đất nước.

Khẩu hiệu 5K vẫn phải duy trì nhưng vaccine mới là điều cần quan tâm nhất và cần phải hướng tới miễn dịch cộng đồng. Đây chính là thời điểm Chính phủ phải huy động mọi nguồn lực và sức mạnh toàn xã hội để mua vaccine phục vụ toàn dân, để bảo vệ thành quả và tiếp tục phát triển kinh tế.

(thực hiện)