📞

Độc đáo lễ Khánh tiệc Chúa Bà Năm Phương

00:02 | 20/07/2016
Vào ngày 16/6 Âm lịch hàng năm, Khánh tiệc Chúa Bà Năm Phương được tổ chức ở nhiều nơi. Tuy nhiên, tại Hải Phòng - nơi sinh của bà - lễ khánh tiệc thường đặc sắc hơn cả.

Ngày 19/7, được sự nhất trí của Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Hải phòng và chính quyền TP. Hải Phòng, Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa đạo Mẫu Hải Phòng đã long trọng tổ chức lễ khánh tiệc Chúa Bà Năm Phương.

Khánh lễ diễn ra tại đền Suối Rồng, (Đồ Sơn, Hải Phòng), nhằm tạ ơn Phật, Thánh và cầu cho quốc thái dân an và là dịp để tiến hành nghi lễ hầu đồng (các thanh đồng múa hát hầu Thánh) - một loại hình tín ngưỡng dân gian của Việt Nam.

Giá đồng Chúa Bà Năm Phương tại Đền Suối Rồng, Hải Phòng. (Ảnh: M.H)

Tham dự khánh lễ có các đại diện đến từ Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Hải phòng cùng đại diện ban, ngành địa phương, các thanh đồng đến từ nhiều tỉnh phía Bắc… và khách thập phương.

Tại Khánh lễ, GS.TS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng, Ủy viên Hội đồng di sản Quốc gia, Phó chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á đã cho biết, theo nghiên cứu, Bà Chúa Năm Phương vốn xưa là tiên nữ trên Thiên Đình. Sau chúa giáng thế hạ trần vào nhà họ Vũ ở cửa Cấm Giang, đất Gia Viên (nay là Hải Phòng). Khi đã hồi tiên, Chúa Bà được giao quyền cai quản năm phương trời đất, bản cảnh bản xứ ngũ phương vậy nên được tôn xưng là Bà Chúa Quận Năm Phương. Bà là người khuyến khích người dân chăn lo làm ăn và trừng trị kẻ nào còn ngang ngược. Những lễ khánh tiệc như thế này là dịp để người dân hiểu sâu hơn về ý nghĩa tín ngưỡng thờ Chúa Bà Năm Phương trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Khai hội, nghệ nhân dân gian Hoàng Gia Bổn và nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Kim Loan đã cùng 30 thanh đồng - đại diện cho các tỉnh thành trên cả nước - thực hành nghi lễ hầu đồng tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu trong thời gian khánh tiệc từ ngày 18-20/7.

Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm làm phong phú và phổ biến nghi thức hầu đồng trong đời sống văn hóa Việt Nam.

Được mời tham dự lễ khánh tiệc, anh Nikhil (Ấn Độ) chia sẻ: "Tôi rất vui khi được chứng kiến nghi thức hầu đồng. Tôi ấn tượng từ nghi lễ đến trang phục rất đẹp của những người diễn trên sân khấu. Đặc biệt, khi tôi được biết là nghi lễ thờ Mẫu, thờ nữ thần của người Việt cũng có nét tương đồng với tục thờ nữ thần ở đất nước chúng tôi".