Lễ hội té nước Songkran có nguồn gốc từ thời cổ xưa. (Nguồn: Bangkok Post) |
Songkran được tổ chức để đánh dấu năm mới truyền thống của Thái Lan, với phong tục té nước, tượng trưng cho sự thanh tẩy và thanh lọc.
UNESCO đã công bố quyết định công nhận lễ hội Songkran là Di sản văn hóa UNESCO vào chiều 13/12/2023, ngay sau đó các hoạt động kỷ niệm sự kiện vinh dự này được tổ chức tại Bangkok bắt đầu từ 14/12.
Songkran được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 15/4 hàng năm để đánh dấu năm mới truyền thống của người Thái. Lễ hội được biết đến với truyền thống té nước, tượng trưng cho sự thanh tẩy và thanh lọc. Songkran cũng là dịp để tỏ lòng kính trọng với người lớn tuổi, cúng dường cho các nhà sư, thưởng thức ẩm thực và âm nhạc truyền thống của Thái Lan.
Năm tới, chính phủ Thái Lan có kế hoạch kéo dài lễ kỷ niệm trong suốt tháng 4 để quảng bá lễ hội như một “sức mạnh mềm” của Thái Lan.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan phụ trách tiếp thị và truyền thông, ông Chattan Kunjara Na Ayudhya cho biết Thái Lan đang tập trung quảng bá những “sức mạnh mềm” tạm gọi là “5F”, bao gồm: Fight (Võ thuật), Food (Ẩm thực), Festival (Lễ hội), Fashion (Thời trang) và Film (Phim).
Lễ hội cổ xưa
Songkran có một quá khứ đầy màu sắc mà một số học giả tin rằng bắt nguồn từ một lễ hội cổ xưa của người Hindu đánh dấu mùa thu hoạch và sự bắt đầu của năm mới.
Yếu tố nước, có ý nghĩa quan trọng trong cả Ấn Độ giáo và Phật giáo, đóng vai trò trung tâm trong các nghi lễ như hiến tế các vị thần, và nước là biểu tượng cho sự rửa sạch tội lỗi.
Lễ hội này được Vương quốc Khmer, từng cai trị một phần đất nước Thái Lan ngày nay, thực hiện từ khoảng thế kỷ thứ XI. Họ gọi nó là “Sangkran” hay “Songkran”, bắt nguồn từ từ tiếng Phạn “saṃkrānti”, có nghĩa là “đoạn chiêm tinh”.
Theo Âm lịch truyền thống của Thái Lan, ngày trăng non đầu tiên của tháng thứ 5 được coi là ngày đầu năm mới. Nó thường rơi vào ngày 13/4 dương lịch.
Người Thái từng coi Songkran là ngày đầu năm cho đến năm 1889, khi vua Chulalongkorn (Rama V) chuyển ngày đầu năm sang ngày 1/4. Năm 1941, ngày đầu tiên trong năm được chính phủ của Nguyên soái Plaek Phibunsongkhram chuyển sang ngày 1/1, để phù hợp với ngày lễ Gregorian của phương Tây.
Năm mới truyền thống (theo Âm lịch) của Thái Lan chuyển sang ngày 13/4, được tổ chức bằng kỳ nghỉ Songkran kéo dài ba ngày.
Dưới thời đế chế Khmer, người ta tắm trong lễ Songkran vì họ tin rằng nó giúp tẩy sạch linh hồn khỏi nghiệp xấu và giải thoát linh hồn tổ tiên đã khuất để họ trở về quê hương.
Khi Phật giáo Nguyên thủy phát triển mạnh mẽ ở Thái Lan, Songkran đã có những thay đổi.
Trọng tâm của lễ hội này chuyển sang hướng tới việc tạo công đức, với việc mọi người dâng cúng thức ăn cho các nhà sư tại các ngôi chùa. Truyền thống này, được gọi là “tam bun”, vẫn là một phần thiết yếu của lễ đón năm mới truyền thống ngày nay.
Vào thời Vương quốc Ayutthaya (1350-1767), Songkran đã trở thành một nghi lễ hoàng gia cầu kỳ.
Nhà vua dẫn đầu đám rước, dâng lễ vật lên cho các tượng Phật và tham gia nghi lễ “tắm Phật”. Không có hoạt động té nước diễn ra trong những ngày đó.
Nghi thức tắm rửa tượng Phật vẫn được thực hiện rộng rãi đến ngày nay.
Mặc dù Thái Lan đã tổ chức Ngày đầu năm mới theo lịch quốc tế trong hơn 80 năm qua nhưng Ngày Songkran vẫn là lễ hội quan trọng hơn đối với hầu hết người Thái.
Hàng triệu người đang học tập hoặc làm việc xa nhà tận dụng cơ hội có kỳ nghỉ ba ngày để về nhà với gia đình. Do đó, ngày 14/4 còn được họ gọi là Ngày Gia đình. Chính phủ thường kéo dài thời gian nghỉ lễ thêm một hoặc hai ngày, tạo ra kỳ nghỉ cuối tuần dài để thúc đẩy du lịch.
Songkran mang lại niềm vui cho mọi người, cả dân địa phương và du khách. (Nguồn: Bangkok Post) |
"Cuộc chiến té nước"
Té nước là hoạt động tâm điểm tại lễ hội Songkran ngày nay, với những khẩu súng phun nước đủ hình dạng và kích cỡ bán đầy các cửa hàng. Lễ hội Songkran thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Du khách quốc tế thoải mái tham gia và được người dân địa phương hồ hởi chào đón nhiệt tình.
Vì mọi người được tự do vui chơi trong những ngày này, ai cũng có tâm trạng vui vẻ. Xô, chậu, súng phun nước… tất cả đều được sử dụng để tạt nước vào nhau trong tiếng cười reo vui vẻ.
Tuy nhiên, nguồn gốc của truyền thống này vẫn còn là một bí ẩn. Học giả văn hóa Sujit Wongthet cho rằng các “cuộc chiến té nước” được khuyến khích và áp dụng trong thời hiện đại để thúc đẩy du lịch.
Ông lưu ý rằng một bài thơ về Songkran được viết dưới thời trị vì của Vua Rama III không đề cập việc té nước.
Một số học giả tin rằng việc té nước bắt đầu sau khi vua Chulalongkorn cho ăn mừng năm mới của Thái Lan vào năm 1989.
Ngày nay, Songkran là một lễ kỷ niệm sôi động về truyền thống, gia đình và cộng đồng mà ý nghĩa của nó đã được UNESCO công nhận.
Mọi người đến thăm các ngôi chùa, bố thí, rưới nước lên người lớn tuổi để thể hiện sự tôn kính và tham gia vào các trận chiến bắn súng nước vui vẻ tượng trưng cho sự thanh lọc và đổi mới.
Phần nhẹ nhàng hơn của lễ hội là người ta xức nước thơm vào tay cha mẹ, ông bà và người lớn tuổi để cầu xin phước lành cho năm mới.
Nhiều gia đình, nhất là các gia đình vùng Đông Bắc làm lễ cúng cho người thân hoặc tổ tiên đã khuất.
Chính quyền địa phương và các trung tâm mua sắm tạo ra những không gian rộng để công chúng tụ tập đổ nước thơm lên tượng Phật để cầu xin phước lành.
Một số ngôi chùa mời những người thờ cúng mang cát vào khuôn viên để xây dựng các công trình trong tương lai. Nhiều Phật tử tin rằng việc này sẽ mang lại thịnh vượng, hy vọng tiền sẽ đổ vào túi họ tương ứng với số cát họ mang dâng cho nhà chùa.
Một hoạt động truyền thống khác trong dịp Songkran là thả phóng sinh động vật bị nuôi nhốt. Nhiều người phóng sinh cá và chim vào Ngày Songkran với hy vọng rằng hành động từ bi này sẽ quét sạch những điều xui xẻo của họ.
Hành trình của Songkran từ thời cổ đại đến thời hiện đại phản ánh lịch sử và văn hóa của Thái Lan, đan xen những phong tục cổ xưa, tín ngưỡng tôn giáo và niềm say mê cuộc sống. Lễ hội này là minh chứng cho sức mạnh lâu dài của truyền thống và là niềm vui kỷ niệm những khởi đầu mới.
Khi tham gia lễ hội té nước Songkran, du khách sẽ phải chịu cảnh “ướt sũng nước”. Hãy nhớ mua túi chống nước để bảo quản đồ dùng cá nhân, hoặc tốt nhất là bạn nên gửi lại đồ đạc trong khách sạn. Các đường phố lúc này biến thành một chiến trường đầy nước. Trước khi bạn kịp nhận ra chuyện gì đang xảy ra, bạn đã là “nạn nhân ướt sũng” rồi. Hãy nhớ mang theo súng phun nước và cùng tận hưởng niềm vui này nhé!