Kịch câm trở lại
Ngay từ khi còn rất nhỏ, Nguyễn Hoàng Tùng đã có niềm đam mê với nghệ thuật sân khấu. Năm chín tuổi, khi theo học lớp diễn xuất ở Cung thiếu nhi Hà Nội, anh được thầy giáo hướng dẫn những động tác kịch câm cơ bản để luyện hình thể. Những động tác mềm mại, ảo diệu đã mê hoặc Hoàng Tùng và tạo cho anh niềm hứng thú với cách thể hiện không lời trong suốt quãng đời sau này. Dù vậy, vào thời điểm đó, Hoàng Tùng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một diễn viên kịch câm thực thụ. Lý do là anh không được đào tạo một cách bài bản và chưa biết cách tư duy để xây dựng một tác phẩm.
Mãi đến năm 2012, khi xem nghệ sĩ kịch câm Iimuro Naoki biểu diễn trong chương trình giao lưu văn hóa Việt - Nhật, Hoàng Tùng mới có những thay đổi lớn trong suy nghĩ.
Nghệ sĩ 33 tuổi chia sẻ: "Tôi như con ếch được ra khỏi giếng. Khi ấy, tôi mới hiểu các nghệ sĩ kịch câm thế giới đã nỗ lực sáng tạo như thế nào để vượt qua giai đoạn thoái trào và tiếp tục phát triển".
Kể từ đó, Hoàng Tùng bắt đầu đặt mua các giáo trình dạy kịch câm từ nước ngoài và mày mò học hỏi các tiểu phẩm. Vào tháng 6/2014, anh may mắn được làm việc với chính nghệ sĩ Naoki trong khóa học về sân khấu kéo dài bốn tháng tại xứ Phù Tang. Cơ hội ấy đã giúp anh tìm ra "công thức" để sáng tạo nên các tiểu phẩm kịch câm.
Nhận xét về bộ môn kịch câm ở Việt Nam, Hoàng Tùng cho biết: "Trong suốt một thời gian dài, kịch câm chỉ xuất hiện trong các chương trình dành cho thiếu nhi. Điều này làm nhiều người lầm tưởng đây là bộ môn nghệ thuật chỉ dành cho trẻ em".
Sau khi đã tích lũy đủ kiến thức từ chuyến đi Nhật, Hoàng Tùng, hiện là Phó đoàn kịch III, Nhà hát Tuổi trẻ đã quyết tâm xây dựng một chương trình độc diễn với tên gọi Kịch câm trở lại với mong muốn làm thay đổi quan niệm của khán giả và đưa môn nghệ thuật này trở lại vị thế vốn có.
Kể chuyện bằng cơ thể
Khi các nghệ sĩ thời kỳ đầu như Đặng Dũng, Thọ Hòa, Phúc Dzỹ... đem kịch câm về Việt Nam (từ Liên Xô, Pháp), họ đã tạo nên cơn sốt trên các sân khấu trong Nam, ngoài Bắc. Mọi người đổ xô đi xem kịch câm và trầm trồ trước những động tác như sờ tường, đi ngược gió, kéo dây... Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, các nghệ sĩ không có thêm nhiều tác phẩm mới. Và như một lẽ dĩ nhiên, khán giả cũng dần quay lưng với bộ môn độc đáo này.
"Là người duy nhất theo đuổi chuyên sâu bộ môn kịch câm tại Việt Nam, tôi tự thấy phải làm một điều gì đó để nó tránh khỏi nguy cơ biến mất", anh Hoàng Tùng chia sẻ.
Khác với múa, kịch câm mô phỏng chính xác các hành động của cuộc sống. Vì thế, nghệ sĩ phải lựa chọn, chắt lọc những động tác đặc trưng để người xem dễ dàng hiểu được hành động. Với bất kỳ ai, việc tập các động tác mới cũng là điều khó khăn. Họ sẽ mất một thời gian tương đối dài để cơ thể có thể "ngấm", quen dần và thể hiện các chuyển động một cách mượt mà. Đó là lý do tại sao mà Kịch câm trở lại được Hoàng Tùng ấp ủ từ tháng 6/2014 nhưng phải đến nửa năm sau mới có thể trình làng trước công chúng.
Những khán giả lần đầu đến với kịch câm hẳn sẽ rất bất ngờ khi chương trình chỉ tổ chức trong một không gian nhỏ. Theo nam nghệ sĩ này lý giải thì kịch câm truyền thống không phải là môn nghệ thuật hoạt náo. Diễn viên sẽ phải kể câu chuyện cho khán giả thông qua chính cơ thể của mình mà không có đạo cụ hay cảnh trí hỗ trợ. Một không gian như vậy sẽ giúp cho khán giả có thể tập trung tối đa vào từng động tác của nghệ sĩ.
Trong chương trình, Hoàng Tùng sắm vai một nhiếp ảnh gia dẫn dắt khán giả đi qua những câu chuyện điển hình mà anh đã ghi lại trong cuộc sống. Chỉ có ánh đèn sân khấu và nghệ sĩ trong bộ trang phục giản đơn... nhưng khán giả dường như phải nín thở để dõi theo từng động tác, từng nét mặt vui, buồn, bất ngờ, phẫn nộ của anh.
Vẫn dựa trên hệ thống động tác kịch câm cơ bản, song mỗi tiểu phẩm của Hoàng Tùng đều có sự kết hợp bi - hài mang hơi thở thời đại. Sự kết hợp ấy đã phá tan nghi ngờ ban đầu của khán giả về một môn nghệ thuật sáng tạo đã im hơi lặng tiếng trong vài thập kỷ qua.
Là nghệ sĩ độc hành trên con đường mang khán giả trở lại với bộ môn kịch câm tại Việt Nam nhưng Hoàng Tùng chưa bao giờ cảm thấy cô đơn.
Anh nói: "Người nghệ sĩ chỉ cảm thấy cô đơn khi tác phẩm của mình không được khán giả đón nhận. Chừng nào khán giả còn đến xem các chương trình kịch câm mà tôi biểu diễn, chừng đó tôi vẫn còn động lực để tiếp tục làm việc".
"Với hội họa, kịch câm giống như những bức vẽ bằng chì than. Các nét bút của người nghệ sĩ phải rất chính xác và tinh tế để thể hiện điều mà mình muốn nói. Có thể xem chương trình "Kịch câm trở lại" là một cố gắng rất lớn của Hoàng Tùng. Hiện tại, cậu ấy đã thành công khi làm khán giả hiểu được những động tác trên sân khấu, những thông điệp gửi gắm trong tác phẩm. Các hình tượng nhân vật, câu chuyện mà Tùng kể cho mọi người cũng mang hơi thở của thời đại. Tuy nhiên, tôi mong rằng cậu sẽ cho ra đời những tác phẩm có triết lý sâu sắc hơn trong thời gian tới". NSƯT Phúc Dzỹ - Nghệ sĩ kịch câm thời kỳ đầu của Việt Nam.
Hoàng Quân