Độc lạ cây cầu có hình thuyền nan úp ngược ở Hà Nội
15:43 | 20/03/2021
TGVN. Cầu Khum là một trong ba cây cầu cổ xứ Đoài xưa còn lại đến ngày nay. Có thiết kế dạng "thượng gia, hạ kiều", hình dáng tựa chiếc thuyền nan úp ngược, đây được xem như nơi linh thiêng của làng Yên.
Cầu Khum nằm ở phía Đông của làng Yên (xã Thạch Xá, Thạch Thất, TP. Hà Nội) tiếp giáp với trục đường giao thông liên xã Thạch Xá - Hữu Bằng, ở vị trí đối diện với đền Đỗng Hoa. Xưa cầu bắc qua một ngòi nước chảy từ Hương Ngải, Canh Nậu, đồng Bùi ra sông Tích, nước chảy ào ạt quanh năm.
Người dân cho biết, khu vực Tam thôn xưa có 2 cây cầu kiểu "thượng gia hạ kiều". Ở phía tây là cầu Bạch Đa, cầu bắc qua chỗ hẹp nhất của đầm Chàng - trên đường đi ra đường cái quan. Ở phía đông Tam thôn là cây cầu Mới - cầu Khum thuộc làng Yên. Trong ảnh là toàn bộ phần mặt trước cây cầu.
Phần thượng gia dài trên 12m, chia làm 5 gian, 2 dĩ, gian giữa dài 3,5m, các gian biên dài 2m. Chiều ngang các vì kèo không bằng nhau, gian giữa rộng khoảng 5,5m, các gian biên thu hẹp dần ra 2 đầu nhà. Hai đầu chỉ rộng khoảng 4m. Gian giữa cao, thấp dần ra 2 đầu hồi.
Người dân trong làng không ai biết chính xác tuổi của cây cầu là bao nhiêu, ngay cả những người hiện lớn tuổi nhất làng khi sinh ra cũng đã thấy cây cầu này. Trước kia con đường độc đạo đi vào làng Yên phải qua cầu Khum và cây cầu đóng vai trò là như cổng làng. Toàn bộ hoạt động sản xuất, sinh hoạt, thông thương của dân làng đều đi qua cây cầu này.
Nhà Thượng Gia được làm bằng gỗ tứ thiết, có 2 hàng cột cái, 2 hàng cột quân. Các vì liên kết bằng kèo suốt, có đà nối 2 ngọn kèo, xà nách nối cột cái với cột con. Hai bên sườn gian giữa bịt kín làm ban thờ Quan Thần Linh, hai gian biên để trống làm sạp gỗ.
Cây cầu được sửa chữa năm Ất Hợi 1935, trong đó phần hạ kiều được làm lại hoàn toàn. Năm 1948, giặc Pháp càn quét qua, đốt cầu, dân làng đến dập lửa cứu chữa, các vết cháy xám đen còn lại đến nay.
Toàn bộ phần tường xây bằng đá ong cổ kính, còn lại hệ thống kèo, xà nhà được làm bằng gỗ khá chắc chắn, dưới thượng gia là hạ kiều có 3 cống được cuốn bằng đá ong, đẽo múi cam, rất chắc khỏe. Mùa nước thấp, cống giữa rộng gần 3m nên thuyền nhỏ có thể qua được. Gian giữa ngôi nhà cao, thấp thoải dần ra hai đầu hồi, nhìn từ xa, cây cầu giống như một chiếc thuyền nan úp ngược nên được gọi là cầu Khum.
Hai đầu hồi thượng gia xây bít đốc, có 4 cột trụ, giữa cuốn cửa tò vò. Phía trên có ô lõm, gờ chỉ, đắp vẽ hoa lá, triện rút, đầu trụ lồng đèn, tạo tác rất tinh xảo. Ô lõm và mặt trụ có các chữ đại tự và khắc chìm câu đối cổ.
Mái ngói lợp vẩy cá của cầu Khum. Lệ làng vào ngày 20/2 và 20/8 Âm lịch hàng năm, dân làng Yên lại tổ chức lễ rước, dâng hương long trọng từ cầu vào làng vừa để bày tỏ lòng thành kính với các vị thần linh vừa để cầu chúc cho quốc thái dân an, dân làng làm ăn thuận chèo mát mái.
Nền cầu lát gạch chỉ, 2 đầu cầu có cánh cửa đóng mở.
Kết cấu hệ mái cầu Khum.
Cầu Khum còn có tên khác là cầu Mới là một công trình cầu cổ độc đáo còn lại của huyện Thạch Thất, quanh năm soi bóng xuống ao đền. Cây cầu nay đã không còn chức năng để đi lại như xưa nhưng là một địa điểm tâm linh của người dân quanh vùng, còn là nơi gặp gỡ giao lưu mỗi dịp lễ lạt quan trọng.
Phần trên mặt cầu được xây dựng giống như kiến trúc một ngôi nhà. Gian giữa được quy hoạch thành ban thờ có bộ cửa bức bàn 6 cánh, hai gian biên để trống làm sạp gỗ có thể làm chỗ nghỉ ngơi.
Cầu Khum trước đây là một cây cầu được làm bằng gỗ, năm 1935 được sửa lại và có hình dáng như hiện tại. Cận cảnh một gian biên với phần sạp gỗ bên trong.
Hàng ngày, nhất là ngày rằm, mùng một, bà con quanh vùng đến thắp hương cầu khấn những điều may mắn.