📞

Đối đầu Ấn Độ-Trung Quốc trên biên giới sẽ kéo dài bao lâu?

Thế Việt 14:34 | 02/06/2020
TGVN. Ngày 2/6, báo Times of India dẫn các nguồn tin cho rằng, cuộc đối đầu Ấn Độ-Trung Quốc trên biên giới có khả năng sẽ kéo dài qua mùa Hè này, trong bối cảnh cả hai bên đều tăng cường triển khai lực lượng tại đây.
Cuộc đối đầu Ấn Độ - Trung Quốc trên biên giới có khả năng sẽ kéo dài qua mùa Hè này. (Ảnh minh họa. Nguồn: Islam Times)

Ở thời điểm hiện tại, cuộc đối đầu diễn ra tại 4 điểm - 3 điểm ở khu vực Galwan, gồm một tại ngã ba Galwan hoặc điểm tuần tra 14 (PP 14), PP 15 và Gogra PP 17. Điểm thứ tư là tại hồ Pangong.

Theo các quan chức, Ấn Độ sẽ không giảm bớt hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng. Rõ ràng Ấn Độ có các tuyến tiếp tế ngắn hơn Trung Quốc, nên có khả năng duy trì tốt hơn trong trường hợp xảy ra xung đột.

Với việc triển khai thêm binh sĩ và vũ khí, các quan chức khẳng định, Ấn Độ có thể sánh ngang với Trung Quốc về vũ khí, lực lượng và chiến lược. Cho đến nay, Chính phủ Ấn Độ cho rằng, vấn đề Trung Quốc xâm nhập có thể được giải quyết ở cấp địa phương giữa các chỉ huy quân sự. Tuy nhiên, New Delhi cũng chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đối đầu kéo dài.

Theo các nguồn tin, các quan chức Ấn Độ và Trung Quốc đã thường xuyên liên lạc ở New Delhi và Bắc Kinh. Hôm 1/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tái khẳng định: "Tình hình tổng thể trên biên giới đang ổn định và có thể kiểm soát được. Các kênh liên lạc ngoại giao và quân sự đang mở. Trung Quốc tin tưởng rằng hai bên có thể giải quyết thỏa đáng các vấn đề thông qua đàm phán và tham vấn".

Báo chí hai nước cho biết, căng thẳng kéo dài hơn 25 ngày qua tại khu vực biên giới Trung-Ấn tiếp tục leo thang, quân đội hai nước đang chuyển các vũ khí, thiết bị quân sự hạng nặng, bao gồm cả pháo binh và xe chiến đấu bộ binh, đến các căn cứ phía sau ở Ladakh nhằm chuẩn bị sẵn sàng ứng phó mọi tình huống có thể xảy ra.

Tờ Hindustan Times đưa tin, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã tổ chức một cuộc họp với Cố vấn An ninh Quốc gia Ajit Doval, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Bipin Rawat và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Jaishankar nhằm tìm cách đối phó tình hình; đây là lần xung đột biên giới Trung - Ấn lớn nhất trong ba năm qua sau cuộc đối đầu tại Doklam năm 2017.

Báo chí hai nước liên tục công kích và đổ lỗi cho nhau. Báo chí Ấn Độ chỉ trích phía Trung Quốc đã làm 72 binh lính Ấn Độ bị thương, trong đó có một số người bị thương nặng. Đáp lại, các trang mạng Trung Quốc đã đăng tải clip một lính Trung Quốc bị quân đội Ấn Độ bắt giữ và đánh đến chảy máu.

Báo chí Ấn Độ nhấn mạnh Trung Quốc đang gây sự ở biên giới để chuyển hướng mâu thuẫn trong nước; còn báo chí Trung Quốc chỉ trích Ấn Độ mới là nước thực sự muốn gây ra các sự cố biên giới để chuyển dịch mâu thuẫn năng lực chống dịch kém; tranh thủ lúc Trung Quốc đang phải lo đối phó với Mỹ về vấn đề Đài Loan để áp dụng chính sách “tằm ăn dâu” ở biên giới.

Hãng DW (Đức) bản tiếng Trung nhận định, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều là các quốc gia có vũ khí hạt nhân, nên khả năng xảy ra cái gọi là "chiến tranh toàn diện" là rất nhỏ, nhưng một cuộc xung đột quy mô nhỏ rất có thể xảy ra. Xét từ kết quả của cuộc chiến tranh Trung-Ấn năm 1962 và mức độ phát triển khác nhau của Trung Quốc và Ấn Độ trong 58 năm qua, Ấn Độ khó có thể chiếm được ưu thế trong lần xung đột này.