Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Hungary Viktor Orban trong một cuộc họp báo chung, năm 2016. (Nguồn: Getty Images) |
Giới phân tích bình luận, năm cầm quyền thứ 13 của Thủ tướng Viktor Orban sẽ thử thách các kỹ năng chính trị của ông, khi một "cơn bão hoàn hảo" ập đến với sự hội tụ của nhiều vấn đề tồi tệ nhất xảy ra cùng một lúc.
Cũng có ý kiến cho rằng, dù năm 2023 có thể là năm khó khăn nhất đối với chính phủ Hungary, nhưng chỉ có một cơ hội mong manh cho phe đối lập, nếu họ có thể tận dụng được điều này. Tại sao như vậy?
"Một cơn bão hoàn hảo"
Có thể thấy, hàng loạt khó khăn đang bủa vây chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban, từ cuộc khủng hoảng năng lượng, những cuộc tranh luận gay gắt do bất đồng ý kiến với EU và việc các quỹ tài trợ cho nền kinh tế Hungary, kể cả quỹ phục hồi sau đại dịch Covid-19 (trị giá 5,8 tỷ Euro) bị đóng băng. Cuộc xung đột ở Ukraine và hàng loạt hệ lụy kèm theo đã làm thay đổi nghiêm trọng thực tế chính trị, kinh tế và ngoại giao đối với chính phủ của Thủ tướng Orban.
Nền tảng của chiến lược kinh tế, như dựa vào năng lượng giá rẻ, lao động giá rẻ và sự can thiệp của nhà nước, đang thực sự lung lay. Hàng tỷ USD trong các quỹ tài trợ kinh tế đang bị EU giữ lại bởi nhiều lý do. Các đồng minh chính trị ở châu Âu đang có ý tránh xa nhà lãnh đạo Hungary, vì lập trường thân Nga của ông.
Hungary hiện đang vật lộn với mức lạm phát cao nhất trong EU, trên 26% vào tháng Ba vừa qua. Một số nguồn tin cho biết, Budapest mong muốn được giải ngân 13 tỷ Euro trong số 22 tỷ Euro đang bị đóng băng từ quỹ gắn kết của EU dành cho Hungary trong giai đoạn 2021-2027, với lý do Budapest không đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu về pháp quyền.
Những khó khăn kinh tế ngày càng gia tăng làm suy yếu niềm tin của nhiều cử tri thuộc đảng Fidesz cầm quyền, để đủ thuyết phục họ rằng, đất nước đang đi đúng hướng dưới sự cầm lái vững chắc của nhà lãnh đạo Viktor Orban.
Theo dự báo, một bộ phận lớn người dân sẽ chứng kiến khoản tiết kiệm của họ bị ăn mòn bởi lạm phát tăng vọt, dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2023 ở mức 17%.
Tất cả những điều này có thể buộc chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban phải thay đổi hướng đi?
Sau năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nền kinh tế Hungary bật trở lại mạnh mẽ trong năm 2021 khi GDP nước này tăng tới 7,1% và ghi nhận các quý tăng trưởng liên tiếp, cho đến khi tạm chững lại vì tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine, với các đòn trừng phạt và trả đũa lẫn nhau giữa EU và Nga, theo Cục số liệu quốc gia Hungary (KSH).
Với đầy rẫy khó khăn trước mắt, năm 2023 cho thấy rõ, liệu Thủ tướng Orban có thể dẫn dắt Hungary thoát khỏi cuộc khủng hoảng hay không? Theo đó, Hungary sẽ quay trở lại vòng tay của các đồng minh EU hay sẽ tiến xa hơn về phía ngoại vi của EU?
Như giới quan sát đánh giá, nửa đầu năm 2023 được dành cho “chế độ sinh tồn”, với giá năng lượng cao, lạm phát gia tăng, dự trữ ngoại hối thấp, áp lực giảm giá liên tục đối với tiền tệ và tình trạng lạm phát trì trệ như cơn ác mộng sẽ khiến Thủ tướng Orban có rất ít cơ hội hành động.
Trong khi đó, các khoản đầu tư của nhà nước đang bị đình trệ, tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức tương đối thấp 4% nhưng dự kiến sẽ bắt đầu tăng lên, trong khi nghèo đói, bất bình đẳng và thiếu thốn gần như chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2023.
Không khuất phục trước áp lực
Đương kim Thủ tướng Hungary Viktor Orbán nắm quyền từ năm 2010 và đắc cử liên tiếp 4 nhiệm kỳ, với tỷ lệ ủng hộ áp đảo lên tới 53% trong nhiệm kỳ mới nhất.
Hungary gia nhập NATO vào năm 1999 và EU vào năm 2004. Tuy vậy, ông Orban cũng là người ủng hộ lâu năm của Tổng thống Nga Putin nói riêng và Nga nói chung.
Cũng như nhiều nước châu Âu khác, từ lâu, Hungary phụ thuộc vào các loại năng lượng Nga cung cấp và hiện nay, Budapest có những quan điểm trái ngược với EU trong vấn đề cấm mua năng lượng Nga, các lệnh trừng phạt, nhiều vấn đề liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, cũng như một số lĩnh vực khác.
Trước những diễn biến hiện tại, Thủ tướng Viktor Orban thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng, đất nước của ông sẽ đứng ngoài cuộc xung đột Nga-Ukraine và tiếp tục phủ quyết các vấn đề liên quan các biện pháp trừng phạt gây tổn hại đến lợi ích của Budapest.
"Vì vậy, chúng tôi chỉ có một lựa chọn là đứng ngoài cuộc, điều này không dễ với tư cách thành viên NATO và EU", ông Orban nói, đồng thời thể hiện rõ quan điểm tập trung vào giải quyết các vấn đề kinh tế.
Trong bài phát biểu khai mạc năm kinh tế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hungary (3/2023), ông Orban nhấn mạnh rằng, Hungary đã phải chịu áp lực vì không thay đổi lập trường về cuộc xung đột, nhưng nhấn mạnh rằng chính phủ của ông đủ mạnh để không khuất phục trước những áp lực đó.
Theo phân tích của Thủ tướng Hungary, cơ cấu quyền lực của châu Âu trước đây chủ yếu dựa vào nguồn năng lượng và nguyên liệu giá rẻ từ Nga và công nghệ hiện đại tiên tiến. Tuy nhiên, xung đột đã phá vỡ cấu trúc này và nền kinh tế châu Âu hiện đã bị tách rời khỏi nền kinh tế Nga. Ông nhiều lần tuyên bố EU tự hủy hoại chính mình vì áp lệnh trừng phạt Nga, cũng như cảnh báo các biện pháp này có nguy cơ tàn phá nền kinh tế châu Âu.
Bởi vậy, ông lưu ý, nếu Mỹ cố gắng tách nền kinh tế châu Âu khỏi nền kinh tế Trung Quốc, thì ngay cả nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức cũng sẽ điêu đứng. Do đó, các chính sách đối ngoại và kinh tế của Hungary phải xem xét cách thiết lập và duy trì mối quan hệ với Nga trong 10-15 năm tới.
Ngoài ra, ông Orban cho rằng, Hungary sẽ cần 500.000 việc làm mới trong 1-2 năm tới và sẽ cho phép người nước ngoài làm việc, sau khi cung cấp đủ việc làm cho những người lao động Hungary cần việc.
Nền kinh tế Hungary vốn phụ thuộc nhiều vào hai ngành kinh tế chính là sản xuất ô tô và du lịch. Thủ tướng Viktor Orban vạch rõ đường hướng phát triển sau năm 2035 rằng, chỉ có xe điện mới được sản xuất ở châu Âu và Hungary sẽ thực hiện những cải cách cần thiết để bảo đảm rằng ngành công nghiệp ô tô tiếp tục hỗ trợ sinh kế của 300.000 gia đình Hungary sống dựa vào nó.
Theo Thủ tướng Orban, các nhà máy sản xuất pin ô tô nên được thành lập ở Hungary. Ông khẳng định, tất cả các giấy phép đầu tư công nghiệp ở nước này thậm chí còn có các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt hơn Đức.
Hungary có lập trường khác với một số quốc gia thành viên EU về cuộc xung đột Nga-Ukraine. Chính phủ Hungary không cho phép vận chuyển vũ khí đến Ukraine qua Hungary trong khi kêu gọi các bên lập tức ngừng bắn và ngồi vào đàm phán, ủng hộ cung cấp viện trợ nhân đạo.
Mới đây nhất, ngày 3/5, với số phiếu ủng hộ áp đảo 151/199, Quốc hội Hungary đã thông qua các sửa đổi luật nhằm cải thiện tính độc lập của hệ thống tư pháp với mục đích được giải ngân hàng tỷ Euro từ các quỹ của EU vốn bị Brussels đóng băng do lo ngại về các vấn đề tham nhũng và pháp quyền tại Hungary.
Trên tài khoản mạng xã hội, Người phát ngôn chính phủ Hungary Zoltan Kovacs viết: “Quốc hội đã thông qua các sửa đổi đối đối với các luật về tư pháp của Hungary, phù hợp thỏa thuận với Ủy ban châu Âu”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Hungary Judit Varg viết trên Facebook: “Hungary hiện đã hoàn thành các cam kết liên quan đến việc thực thi công lý… Chúng tôi hy vọng Brussels sẽ giải ngân các khoản quỹ EU dành cho Hungary”.
Tháng 12/2022, Ủy ban châu Âu đã đóng băng gần 22 tỷ Euro từ quỹ gắn kết của EU dành cho Hungary trong giai đoạn 2021-2027. Brussels cũng hạn chế Hungary tiếp cận các quỹ phục hồi sau đại dịch Covid-19 trị giá 5,8 tỷ Euro.