Khủng hoảng năng lượng đang 'càn quét' nhiều quốc gia trên thế giới. Hình ảnh một công nhân làm việc tại khu công nghiệp ở Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh: Shailesh Andrade/Reuters) |
Ở châu Âu, mùa Đông lạnh giá đã khiến nguồn dự trữ khí đốt cạn kiệt. Trong khi đó, giá khí đốt đã đạt mức kỷ lục. Nga, một trong những nhà cung cấp lớn nhất của châu Âu, đã từ chối tăng nguồn cung trên thị trường giao ngay ngắn hạn.
Ở châu Á và châu Âu, giá năng lượng đang theo hướng tăng giá. Và Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới đang lo lắng theo dõi.
Trung Quốc
Trung Quốc đang cắt điện trên diện rộng. Ngày 12/10, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tuyên bố, sẽ cho phép các nhà máy nhiệt điện than điều chỉnh giá điện theo định hướng thị trường.
Việc để giá theo quy định của thị trường được kỳ vọng sẽ khuyến khích các nhà máy phát điện tăng sản lượng. Chính quyền địa phương đã được khuyến khích giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và người tiêu dùng để trang trải chi phí điện gia tăng.
Các công ty ở các trung tâm công nghiệp đã được yêu cầu hạn chế tiêu thụ, cư dân phải chịu cảnh mất điện liên tục. Ở Quảng Đông, chính quyền thậm chí còn cấm sử dụng thang máy trong các tòa nhà văn phòng từ tầng 3 trở xuống.
Các quan chức đã yêu cầu hơn 70 mỏ than ở Nội Mông tăng sản lượng than lên gần 100 triệu tấn trong tháng này. Vào ngày 29/9, Sơn Tây - khu vực sản xuất than lớn nhất của Trung Quốc tuyên bố sẽ cung cấp than cho 14 khu vực khác trên cả nước để đảm bảo đủ năng lượng trong mùa Đông này.
Khi tình trạng thiếu điện vẫn tiếp diễn, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cân nhắc lại tốc độ chuyển dịch năng lượng tái tạo của nước này.
Theo Tân Hoa xã, tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói rằng, Trung Quốc nên đặt ra một thời gian biểu theo từng giai đoạn và một lộ trình cho mục tiêu phát thải carbon. Ông Lý Khắc Cường cũng cho biết thêm, Trung Quốc nên xây dựng một hệ thống năng lượng hiện đại và cải thiện khả năng “tự lực” trong việc cung cấp năng lượng.
Ấn Độ
Ấn Độ đang ở bờ vực một cuộc khủng hoảng điện năng lớn chưa từng có. Quốc gia Nam Á này phụ thuộc 75% nhu cầu điện năng vào than nhiệt và hiện tại, hơn một nửa trong số 135 nhà máy nhiệt điện đang chạy cầm chừng cho dự trữ than thiếu hụt trầm trọng.
Ấn Độ đã yêu cầu các nhà sản xuất điện nhập khẩu thêm than. Để đảm bảo việc quản lý nguồn than dự trữ và phân phối than công bằng, Bộ Năng lượng Ấn Độ đã lập ra một nhóm quản lý cốt lõi gồm đại diện các công ty khai thác than, công ty sản xuất và phân phối điện để giám sát hàng ngày.
Bộ điện lực Ấn Độ cũng cho biết, họ đã chỉ đạo các công ty điện lực tăng cường cung cấp cho thủ đô New Delhi, nơi có thể xảy ra cuộc khủng hoảng điện nghiêm trọng.
Ở cấp tiểu bang, các chính phủ đang khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm và triển khai cắt điện theo lịch trình để giảm bớt lượng tiêu thụ điện.
Châu Âu
Giá khí đốt ở châu Âu đang ở mức kỷ lục, đẩy giá điện bán buôn tăng 200% trong 9 tháng đầu năm nay.
Vương quốc Anh, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nguồn cung cấp ở Biển Bắc cạn kiệt và trữ lượng khí đốt hạn chế, đang cân nhắc cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng vay tiền để thanh toán hóa đơn điện.
Tại Tây Ban Nha, nơi giá điện đã tăng gấp ba lần kể từ tháng 12/2020, chính phủ đã công bố các biện pháp khẩn cấp để giới hạn giá năng lượng và lợi nhuận của công ty.
Còn Pháp và Italy đã cam kết sẽ hỗ trợ thanh toán hóa đơn điện cho các hộ gia đình nghèo nhất.
Cơ quan điều hành Liên minh châu Âu (EU) đang tìm hiểu xem liệu các nước thành viên EU có nên mua chung nguồn cung cấp khí đốt khẩn cấp hay không.
Mỹ
Mỹ đang thận trọng để ý đến các vấn đề năng lượng đang diễn ra ở châu Âu, trong bối cảnh ngày càng lo ngại rằng, cuộc khủng hoảng có thể tràn sang nền kinh tế lớn nhất thế giới vào mùa Đông này.
Giá xăng tại Mỹ đã tăng 47% kể từ đầu tháng 8/2021, trong khi giá dầu cũng đang được đẩy lên cao.
Bank of America dự đoán, nhu cầu sẽ tăng vọt trong mùa Đông có thể đẩy giá dầu thô Brent vượt qua 100 USD/thùng, đây sẽ là mức cao nhất trong 7 năm.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết, nước này có thể khai thác kho dầu khẩn cấp để "hạ nhiệt" giá dầu và nhiên liệu động cơ.