Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký đi kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo công tác kiểm soát, phòng chống dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) trên địa bàn TP Móng Cái chiều ngày 1/2 . (Ảnh: Minh Hà) |
Nhấn mạnh tại cuộc họp với các sở, ngành, địa phương về nội dung liên quan đến kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2020 của tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng khẳng định, những tác động từ dịch nCoV là khá lớn, bao trùm lên nhiều ngành kinh tế, nhiều lĩnh vực.
Không chỉ thế, đây sẽ là thách thức rất lớn trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Quảng Ninh. Song, với tinh thần quyết liệt và nỗ lực, tỉnh Quảng Ninh sẽ không điều chỉnh giảm các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra trong năm 2020.
Kiên quyết không giảm các chỉ tiêu
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 của tỉnh được xây dựng trên cơ sở các chỉ đạo của Chính phủ, mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 20-NQ/TU ngày 2/12/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết 230/NQ-HĐND ngày 7/12/2019 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Theo đó, năm 2020, tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh Quảng Ninh phấn đấu phải đạt trên 12%. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 48.000 tỷ đồng.
Năm 2019, lần đầu tiên Quảng Ninh đạt kỷ lục thu ngân sách gần 46.000 tỷ đồng, tăng 11% so với dự toán, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thu nội địa đạt trên 34.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2018. Thêm vào đó, tổng sản phẩm bình quân đầu người ước đạt hơn 6.000 USD/năm, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước. Các dự án hạ tầng động lực về giao thông, du lịch, dịch vụ, đô thị phát huy hiệu quả sau đầu tư; hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành than có nhiều khởi sắc. Đây là kết quả đạt mức cao nhất trong 10 năm qua với tỷ lệ 12,01%, vượt chỉ tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, theo Sở Kế hoạch & Đầu tư Quảng Ninh, tháng 1/2020, tổng thu ước đạt 4.114 tỷ đồng, bằng 9% dự toán, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2019. Từ những kết quả trên, có thể thấy, với nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2020 mà Quảng Ninh đề ra, tỉnh có thể dễ dàng đạt được.
Quảng Ninh đã thành lập 16 đội phản ứng và 26 đội vận chuyển cấp cứu ngoại viện sẵn sàng trực làm nhiệm vụ 24/24h, trong mọi tình huống, trên địa bàn toàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Y tế Quảng Ninh đã triển khai xây dựng các Trung tâm phòng, chống và điều trị bệnh viêm phổi cấp tại các địa phương; xây dựng phương án, kịch bản phòng, chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng về con người, cơ sở vật chất trang thiết bị y tế, khu cách ly... |
Tuy nhiên, các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế trên được xác định khi chưa có yếu tố ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV. Do vậy, khi dịch bệnh đã, đang và sẽ có những tác động xấu đến nền kinh tế của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế của tỉnh sẽ khó khăn hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, nhất là đối với ngành du lịch, dịch vụ…
Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ngành tại Quảng Ninh vẫn thống nhất quan điểm, dù dịch nCoV đang "hoành hành", tỉnh sẽ không điều chỉnh giảm các chỉ tiêu, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2020. Lãnh đạo các sở, ngành cho rằng, tỉnh phải điều chỉnh về một số chỉ tiêu kinh tế trong từng giai đoạn, thời điểm của năm phù hợp với tình hình thực tiễn, để đảm bảo mục tiêu cho cả năm 2020 sẽ không thay đổi.
Đối mặt với dịch nCoV, Quảng Ninh vẫn thống nhất quan điểm sẽ không điều chỉnh giảm các chỉ tiêu, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020. (Nguồn: BQN) |
Kịp thời tháo gỡ khó khăn
Để đạt được mục tiêu trên, các sở, ngành Quảng Ninh cho rằng, tỉnh cần phải cùng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao; đẩy nhanh các dự án trọng điểm; thu hút các nhà đầu tư triển khai dự án; kích cầu du lịch khi hết dịch bệnh.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng yêu cầu từng sở, ngành phải có những giải pháp cụ thể và phải cố gắng nhiều hơn so với những năm trước, xây dựng và sớm thực hiện những chương trình hành động cụ thể, có hiệu quả; hạn chế tối đa những ảnh hưởng từ dịch bệnh và phải có phương án bù đắp các chỉ tiêu dự kiến sẽ giảm trong năm nay.
Song song với đó, các sở, ngành, địa phương liên quan cần tập trung tăng cường các giải pháp tăng trưởng kinh tế trên cơ sở bù đắp những thiếu hụt từ ngành du lịch. Tận dụng tối đa dư địa phát triển của ngành, lĩnh vực ít chịu tác động từ dịch bệnh và có khả năng phục hồi tốt hơn. Quan tâm đến phát triển ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo và ngành xây dựng. Đối với các khoản thu lớn, trong đó có số thu từ đất cần tiếp tục có sự điều chỉnh để số thu từ cấp quyền sử dụng đất sẽ giảm trong tổng cơ cấu thu.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng cũng lưu ý, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường các giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tạo thuận lợi trong thành lập doanh nghiệp mới; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư; tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên. Đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, cần thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục quan tâm, chú trọng công tác kiểm dịch tại khu vực cửa khẩu.
Đặc biệt, tỉnh cần thực hiện rà soát tất cả các nguồn thu trên địa bàn; chống thất thoát, gian lận thuế, chống chuyển giá; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi “chuyển giá”, trốn thuế. Tập trung khắc phục các tồn tại trong quản lý thu trong khối kinh doanh dịch vụ, thu ngoài quốc doanh, hạn chế thu tiền sử dụng đất để phát triển đô thị. Chủ động nắm tình hình kế hoạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đảm bảo nguồn thu ngân sách.