Hội thảo được tổ chức theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về việc các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Bà Vũ Chi Mai, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka phát biểu khai mạc hội thảo. (Nguồn: BTC) |
Hội thảo nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tri thức về ngành sản xuất chất bán dẫn từ Nhật Bản sang Việt Nam, hỗ trợ phát triển năng lực chuyên môn, nghiên cứu của nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam; tạo ra các cơ hội việc làm, thực tập và đào tạo cho sinh viên và các chuyên gia Việt Nam tại Nhật Bản, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và mở rộng triển vọng nghề nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn điện tử; đề xuất và triển khai các kế hoạch hợp tác dài hạn trong việc phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực sản xuất, nghiên cứu trong ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Fukuoka với quy mô 150 đại biểu.
Phía Việt Nam có bà Vũ Chi Mai - Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, đại diện Lãnh đạo Bộ Ngoại giao; lãnh đạo đại học Bách Khoa Hà Nội, đại học Giao thông vận tải, đại học Công nghệ thông tin và Học viện Bưu chính viễn thông
Phía Nhật Bản có bà Omagari Akie, Phó Thống đốc tỉnh Fukuoka; Hạ nghị sĩ, Tiến sĩ Soramoto Seiki, chuyên gia về năng lượng nguyên tử và bán dẫn; ông Hoshinomi Tsuaki, Cục trưởng Cục Kinh tế Kyushu; ông Fujishima Yasuyuk, Chủ tịch Tổ chức hỗ trợ nguồn nhân lực nước ngoài tại Nhật Bản; ông Tanimoto Jun, Phó hiệu trưởng, Đại học Kyushu; đại học Hiroshima, Hội Chuyên gia Việt Nam-Nhật Bản; Hiệp hội Công nghệ thông tin Việt Nam tại Kyushu, Nhật Bản; Hiệp hội doanh nghiệp xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam tại Kyushu....
Phát biểu khai mạc, Tổng Lãnh sự Vũ Chi Mai khẳng định, chất bán dẫn là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong nền công nghiệp hiện đại, là nền tảng công nghệ cho các ngành sản xuất thiết yếu từ công nghệ thông tin, sản xuất ô tô, y tế đến năng lượng và truyền thông.
Đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt để thúc đẩy công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế. Để làm được điều này, Việt Nam không chỉ cần phát triển các công nghệ tiên tiến, mà còn phải xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ đổi mới, từ nghiên cứu và phát triển đến sản xuất và ứng dụng.
Quang cảnh hội thảo. (Nguồn: BTC) |
Theo bà Vũ Chi Mai, sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực này là vô cùng ý nghĩa, khi Nhật Bản có bề dày kinh nghiệm và công nghệ cao trong ngành bán dẫn, sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kỹ thuật cho Việt Nam.
Cùng sự hợp tác chặt chẽ của Chính phủ Nhật Bản, bà Vũ Chi Mai tin rằng, Hội thảo sẽ là bước tiến quan trọng, mở ra những hướng đi và giải pháp mới để phát triển ngành bán dẫn Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tại hội thảo, bà Omagari Akie, Phó thống đốc tỉnh Fukuoka cho biết, tại Kyushu nói chung và tỉnh Fukuoka nói riêng, ngành công nghiệp bán dẫn phát triển mạnh với khoảng 1.000 công ty liên quan đến nhiều khía cạnh của sản xuất bán dẫn.
Fukuoka có khoảng 400 trong số những công ty đó, bao gồm các công ty liên quan đến lập kế hoạch và thiết kế, vật liệu, thử nghiệm và nhiều lĩnh vực khác.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn, tỉnh Fukuoka đã tiên phong trong cả nước khai trương Trung tâm huấn luyện lại về bán dẫn Fukuoka vào tháng 8/2023, nhằm tăng cường nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn tại Kyushu và Nhật Bản, đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghiệp liên quan đến kỹ thuật số khác.
Phát biểu tại sự kiện, ông Fujishima Yasuyuki - Chủ tịch Tổ chức hỗ trợ nguồn nhân lực nước ngoài tại Nhật Bản (HuRedee), đã nêu lại quá trình hình thành, hợp tác giữa Huredee với ba trường đại học Việt Nam (gồm đại học Bách khoa, đại học Giao thông vận tải, Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có lĩnh vực chất bán dẫn.
Trong hai ngày diễn ra sự kiện, các học giả cùng thảo luận về nhiều thách thức mà HuRedee và các đối tác đã và đang đối mặt trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Ông Fujishima Yasuyuki hy vọng, thông qua các cuộc đối thoại cởi mở và xây dựng, Hội thảo có thể đi đến kết luận về các hoạt động hợp tác trong tương lai.
Lễ ký kết Tuyên bố chung về hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong phát triển nguồn nhân lực bán dẫn. (Nguồn: BTC) |
Tại phiên thảo luận sáng 29/10 đã diễn ra Lễ ký kết Tuyên bố chung về hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong phát triển nguồn nhân lực bán dẫn giữa đại học Kyushu, Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực và việc làm với đại học Bách khoa, đại học Giao thông vận tải và Đại học Công nghệ thông tin của Việt Nam.
Sau phiên khai mạc với sự tham dự trực tiếp của khoảng 120 đại biểu và 200 đại biểu trực tuyến, Hội thảo Khoa học đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất bán dẫn Việt Nam-Nhật Bản tiếp tục diễn ra trong chiều 29/10 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Fukuoka. Ngày 30/10, Hội thảo diễn ra tại Chikushi Campus, đại học Kyushu.