📞

Đối ngoại Đảng 2015: Vĩ mô và thiết thực

08:00 | 11/02/2016
Không chỉ là cầu nối thúc đẩy quan hệ với các quốc gia ở tầm vĩ mô, Đảng còn tiến hành trao đổi với các đảng đối tác để hợp tác về  vấn đề cụ thể như phát triển bền vững, an sinh xã hội, tự do thương mại... Ông Bùi Thế Giang, Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với TG&VN.

Lập quan hệ với các đối tác mới

Ông có thể cho biết nhận định cá nhân về những thành tích nổi bật trong hoạt động đối ngoại Đảng năm 2015?

Năm 2015, thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XI, trong đó có chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng, Đảng ta đã tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ với các đảng truyền thống, mở quan hệ với các đảng có vị thế, vai trò trong hoạch định chính sách đối ngoại với Việt Nam, cũng như duy trì, thực hiện tốt hoạt động tại các cơ chế đối ngoại đảng đa phương…

Nhìn lại năm năm vừa qua, có thể thấy năm 2015 là năm mà đối ngoại Đảng gặt hái được nhiều thành công nhất. Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản với những kết quả có ý nghĩa chiến lược là một trong những ví dụ cụ thể dễ nhận thấy nhất.

Báo Japan Times đưa tin về chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đáng chú ý, trong khu vực mà Vụ chúng tôi phụ trách, Đảng ta đã tiếp tục các hoạt động nhằm tìm hiểu sâu hơn, tiến tới hiện thực hóa khả năng thiết lập quan hệ với các đối tác mới trên kênh đảng, như Đảng những người Cộng hòa (PR) của Pháp. Đây là một đảng chính trị lớn, đối lập với Đảng Xã hội của Tổng thống François Hollande mà chúng ta có quan hệ lâu năm. PR rất nhiệt tình, ngỏ ý sẵn sàng ký kết văn bản hợp tác với Đảng ta.

Hay như ở Hy Lạp, được Đảng ta chủ động tiếp xúc, Đảng Liên minh cánh tả cấp tiến (Syriza) lên cầm quyền sau cuộc khủng hoảng nợ công cho biết rất hoan nghênh hợp tác và muốn giao lưu với Đảng ta để trao đổi kinh nghiệm đổi mới trong thời kỳ đầu cầm quyền.

Hoặc ở Thổ Nhĩ Kỳ,  Đảng Công lý và Phát triển (AKP) với 13 năm cầm quyền liên tục, sau khi được đại diện Đảng ta tiếp xúc, trao đổi,  đã ca ngợi một nước Việt Nam độc lập, tự chủ và tấm gương Hồ Chí Minh; kể lại một thời xuống đường biểu tình ủng hộ Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; và khẳng định chủ trương hoan nghênh hợp tác với Việt Nam.

Chưa bao giờ “đi dưới gầm bàn”

Theo một báo cáo về đối ngoại Đảng năm 2015, hiện Đảng ta có quan hệ với 228 chính đảng ở 112 nước khắp các châu lục. Vậy có lúc nào, trong quan hệ với các đảng thuộc khu vực ông phụ trách, hoạt động đối ngoại của Đảng ta bị "kẹt" khi đồng thời quan hệ với các đảng đối lập trong cùng một nước?

Chúng ta chưa bao giờ gặp phải tình trạng khó khăn hay rơi vào tình huống tế nhị khi bị kẹt giữa sự đối lập hay đối đầu giữa các đảng, bởi chúng ta chưa bao giờ "đi dưới gầm bàn". Quan hệ của chúng ta với các chính đảng luôn được thực hiện một cách đàng hoàng, công khai.

Ví dụ như ở Pháp, khi mở quan hệ với PR, chúng ta chủ động thông báo chủ trương và tranh thủ ý kiến của Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội mà chúng ta đang có quan hệ và nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ các đảng này, cũng như không gây ra sự khó khăn, lo ngại của các đảng có liên quan.

Hoặc ở Đức, ta có quan hệ truyền thống rất tốt đẹp với Đảng Cộng sản Đức (DKP). Khi cân nhắc mở quan hệ với Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), ta đã trao đổi với Đảng Cộng sản Đức và được sự đồng thuận của họ. Vậy nên khi SPD thắng cử, trở thành đảng cầm quyền, hay khi đảng này thất cử trở thành đảng đối lập, quan hệ giữa Đảng ta với Đảng Cộng sản Đức không gặp khó khăn.

Ông Bùi Thế Giang, Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.

Chính sự công khai, đàng hoàng đó đã tạo điều kiện khách quan để các đảng có thể đối lập nhau nhưng vẫn thống nhất trong lập trường đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam. Ở Ấn Độ, chúng ta có quan hệ truyền thống tốt đẹp với cả Đảng Nhân dân (BJP) cầm quyền, Đảng Quốc đại (NP), Đảng Cộng sản (CPI) và Đảng Cộng sản Mác-xít (CPI-M). Ở Nhật Bản, ta có quan hệ với cả Đảng Cộng sản (CP), Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, Đảng Dân chủ (DP). Với Mỹ, kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995, hầu hết đoàn cấp cao của ta sang đều gặp gỡ lãnh đạo Đảng Cộng sản Mỹ và Đảng ta đều cử đại diện tham dự các Đại hội của Đảng Cộng sản Mỹ. Lưu ý là các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc đó đều công khai, chính trực.

Không chỉ là cầu nối dẫn dắt

Ông đánh giá như thế nào về phương hướng, trọng tâm của đối ngoại Đảng thời gian tới, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết Đại hội Đảng XII?

Chủ trương lớn và toàn diện của Đảng ta - như thể hiện trong dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII - vẫn là tiếp tục duy trì và tăng cường quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, cánh tả, bạn bè truyền thống, tiếp tục thiết lập và mở rộng một cách thích hợp quan hệ với các đảng cầm quyền, các đảng tham chính và các đảng có vị thế, vai trò đối với việc hoạch định và thực hiện chính sách đối ngoại với Việt Nam.

Cụ thể, với cách tiếp cận "đối ngoại Đảng giúp tạo nền tảng chính trị cho ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân", đối ngoại Đảng phải được tiếp tục triển khai tích cực hơn và hiệu quả hơn. Để làm được điều này, trước tiên phải chú trọng việc xây dựng lòng tin chính trị với các đảng lớn, đảng quan trọng ở các nước, để giúp tạo nền tảng chính trị xây dựng lòng tin giữa các hệ thống Nhà nước và nhân dân. Trong bối cảnh đó, việc trao đổi các đoàn cấp cao là cực kỳ quan trọng. Ví dụ, trong quan hệ Việt - Mỹ, điều cần thiết là phải thúc đẩy hiện thực hóa chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama. Ý tưởng, chủ trương lớn thì có rồi, nhưng nó sẽ không mặc nhiên diễn ra mà cần phải có nỗ lực chủ động, tích cực của cả hai bên. Có vậy mới có thể đạt được một "vòng tròn khép kín", làm nên "cái kết đẹp" cho mối quan hệ toàn diện 20 năm qua giữa Việt Nam và Mỹ.

Bên cạnh đó, đối ngoại kênh đảng cần thực sự là một cầu nối thúc đẩy quan hệ giữa quốc gia về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, thậm chí cả an ninh, quốc phòng. Chắc không mấy ai biết rằng, để chuẩn bị cho Hội nghị quốc tế về Biến đổi khí hậu (COP 21) ở Paris cuối năm ngoái, mặc dù không phải là đảng cầm quyền hay tham chính, Đảng Cộng sản Pháp đã trao đổi với Đảng ta từ rất sớm về hoạt động này cũng như chủ trương, cách thức tham gia Hội nghị. Hay như tôi đã đề cập, Đảng ta đã tiến hành đối thoại thường niên với SPD của Đức về những vấn đề vừa mang tính chiến lược trong phát triển quốc gia vừa sát sườn với đời sống xã hội như phát triển bền vững, an sinh xã hội, năng lượng sạch, hiệp định thương mại tự do….

Đây là minh chứng cho vai trò, vị trí và sự đóng góp của công tác đối ngoại của Đảng ta trong quan hệ với các đối tác tại các nước. Nó cũng cho thấy Đảng ta với tư cách đảng cầm quyền vừa thực hiện vai trò lãnh đạo chính trị, chiến lược, vĩ mô, vừa rất thiết thực, cụ thể trên mọi lĩnh vực trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.