Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN) |
Cùng với đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước, đối ngoại nhân dân đã tạo thành thế kiềng ba chân, góp phần vào thành tựu chung của đất nước.
Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam về những thành tựu công tác đối ngoại nhân dân trong 30 năm qua.
-Ông có thể cho biết những thành tựu của công tác đối ngoại nhân dân trong 30 năm qua?
Ông Vũ Xuân Hồng: Thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm qua, hoạt động của Liên hiệp và các tổ chức thành viên đã được triển khai hiệu quả, đúng đường lối, chủ trương của Đảng và đạt được nhiều thành quả quan trọng.
Liên hiệp đã chú trọng nội dung chính trị và tính hiệu quả, đa dạng hóa hình thức hoạt động, góp phần làm cho bạn bè và các đối tác hiểu đúng về tình hình Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức và cá nhân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam; đẩy mạnh đối thoại, chủ động vận động, đấu tranh dư luận trên các vấn đề nhạy cảm nhằm bảo vệ hình ảnh và lợi ích của Việt Nam trên trường quốc tế; chú trọng thường xuyên đến công tác đền ơn đáp nghĩa đối với bạn bè quốc tế ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây.
Bên cạnh đó, Liên hiệp đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ giữa Việt Nam và các nước; tích cực tham gia vận động người Việt Nam ở nước ngoài.
Đó là những hoạt động phá thế bao vây cấm vận, rồi tiến tới việc bình thường hóa quan hệ với một số nước. Thời điểm bắt đầu công cuộc đổi mới, có thể nói đối ngoại nhân dân vừa là kênh vận động viện trợ nhân đạo, vừa là kênh mở rộng quan hệ với bên ngoài, vừa giới thiệu, quảng bá để bạn bè quốc tế hiểu biết rõ hơn về tình hình thực tế của đất nước ta, từ đó thể hiện sự đoàn kết, ủng hộ với Việt Nam.
Đi vào khôi phục và phát triển đất nước, bạn bè quốc tế từ những năm tháng chiến tranh vẫn tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam với nhiều hình thức khác nhau, cùng kề vai sát cánh với Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước. Về viện trợ phi chính phủ nước ngoài, nếu giá trị viện trợ những năm từ 1986-1995 đạt khoảng vài chục triệu USD/năm, sau đó tăng lên 80-100 triệu USD/năm và từ năm 2005-2010 đã tăng từ 175 triệu USD/năm lên hơn 200 triệu USD/năm.
Riêng 5 năm gần đây, giá trị giải ngân khoảng 300 triệu USD/năm. Như vậy đến thời điểm năm 2015, tổng viện trợ phi chính phủ nước ngoài dành cho Việt Nam là khoảng 4 tỷ USD, tập trung vào: Xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, hậu quả chất độc da cam/dioxin, bom mìn/vật liệu nổ còn sót lại, vấn đề môi trường, y tế, giáo dục, nhà cửa cho người nghèo, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa và ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố đều có sự hỗ trợ, giúp đỡ đó.
Tôi cho rằng, 30 năm qua, chúng ta đã tập hợp lại được bạn bè truyền thống, tìm ra được bạn bè và các đối tác mới phù hợp, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Nhìn lại toàn bộ quan hệ đối tác của Việt Nam, cả đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, những nước lớn, các nước láng giềng, bạn bè truyền thống,... nơi nào có quan hệ của Đảng và Nhà nước, nơi đó đều đồng hành và có quan hệ của nhân dân. Đó là cơ sở quần chúng, là nền tảng nhân dân, chỗ dựa rất quan trọng cho quan hệ đối ngoại của Đảng và ngoại giao Nhà nước.
Tóm lại, thành công lớn nhất của đối ngoại nhân dân trong chặng đường 30 năm qua là tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển và phát huy một cách tối đa mạng lưới bạn bè quốc tế của Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới. Thành quả đó đã tiếp nối được truyền thống đoàn kết bạn bè quốc tế trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và mang những nội hàm mới, thực chất, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, xây dựng, phát triển đất nước.
-Ông có thể chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn và bài học kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động đối ngoại nhân dân trong 30 năm qua?
Ông Vũ Xuân Hồng: 30 năm đổi mới, đối ngoại nhân dân của Việt Nam có nhiều điều kiện hết sức thuận lợi để triển khai, đẩy mạnh hoạt động một cách toàn diện.
Trước tiên, phải thấy rằng Đảng, Nhà nước ta đang ngày càng quan tâm đến công tác đối ngoại nhân dân, đã có những chỉ đạo, định hướng rất sát sao và tạo điều kiện nhất định để Liên hiệp có thể phát triển mạnh mẽ mọi mặt công tác.
Những điều này được cụ thể hóa thông qua: Chỉ thị 28-CT/TW ngày 2/12/2008 hay Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 6/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới và gần đây nhất là Quyết định 41/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối với Liên hiệp. Đây là động lực rất mạnh mẽ để những người làm công tác đối ngoại nhân dân thêm quyết tâm hoàn thành thật tốt vai trò của mình.
Thứ hai, lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam được giao làm đầu mối của công tác này. Tuy nhiên, nhận thấy tầm quan trọng và hiệu quả của công tác này nên Đảng, Nhà nước ta xác định công tác đối ngoại nhân dân hiện nay là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân.
Vì vậy, lực lượng làm công tác đối ngoại hiện nay rất phong phú, đa dạng, từ các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương, cho đến những nhà doanh nghiệp, văn nghệ sĩ, người dân… đều tham gia vào mặt trận này. Và đáng mừng hơn, nhận thức về công tác này ở mỗi người dân đều được nâng cao rõ rệt với phương châm “mỗi người dân là một đại sứ hình ảnh cho đất nước mình” khi đi ra ngoài giao lưu với bạn bè quốc tế.
Thứ ba, hoạt động của đối ngoại nhân dân là phát huy “sức mạnh mềm” của một nước, hỗ trợ cho ngoại giao Nhà nước để thực hiện chính sách đối ngoại mà chính phủ nước đó đề ra. Ưu thế của ngoại giao nhân dân là có thể đi đầu, có thể đi trước tại những nước, những khu vực và về một số vấn đề mà ngoại giao chính thức của nhà nước chưa có điều kiện triển khai. Với phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả,” đối ngoại nhân dân lại càng có khả năng phát huy cao độ hơn nữa "sức mạnh mềm" vốn có của mình.
Thứ tư, lực lượng chuyên trách về đối ngoại nhân dân hiện nay tức là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đang được củng cố một cách toàn diện cả về số lượng và chất lượng. Về số lượng, bên cạnh cơ quan thường trực, chúng tôi có 111 hội thành viên, trong đó có 47 tổ chức hữu nghị ở địa phương và 64 hội hữu nghị ở Trung ương. Về chất lượng, cán bộ được đào tạo bài bản, thường xuyên được tham gia tập huấn để nâng cao kĩ năng công tác và mở rộng kiến thức, củng cố về ngoại ngữ để có thể đáp ứng một cách tốt nhất yêu cầu công tác.
Một thuận lợi nữa tôi cho là rất quan trọng, đó là hiện nay chúng ta có một lực lượng rất lớn bạn bè, đối tác quốc tế tích cực tham gia vào công tác này trên cơ sở tình yêu, tình đoàn kết và hợp tác với Việt Nam. Có thể nói, vừa qua chúng ta làm được rất nhiều việc. Điểm lại ở mọi châu lục và nhiều nước, chúng ta đã có các nhóm bạn bè, các nhóm đối tác. Riêng về ASEAN, trước thời điểm hình thành cộng đồng ASEAN trên 3 trụ cột hướng về người dân, Liên hiệp đã thành lập được hầu hết các hội hữu nghị song phương với từng nước ASEAN. Bên cạnh đó còn có Hội hữu nghị và hợp tác ASEAN. Những tổ chức nhân dân này sẽ đồng hành cùng nhân dân các nước ASEAN trong tiến trình phát triển của ASEAN thời kỳ mới.
Tuy có nhiều thuận lợi nhưng công tác đối ngoại nhân dân vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định cần tiếp tục khắc phục như: Ở một số địa bàn, phạm vi quan hệ, mạng lưới đối tác còn hạn chế, mối liên hệ với đối tác chưa thường xuyên. Phương pháp tiếp cận một số vấn đề mới còn chưa đổi mới mạnh mẽ.
Một số hội hữu nghị ở Trung ương còn ít hoạt động, hoặc hoạt động kém hiệu quả, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Khả năng triển khai công tác đối ngoại của một số tổ chức thành viên ở Trung ương và địa phương không đồng đều, còn lúng túng về phương thức hoạt động, còn có tâm lý ngại việc, ngại mở rộng quan hệ đối tác...
Việc thực hiện chủ trương trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo các tổ chức thành viên còn hạn chế. Mô hình tổ chức của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị ở các địa phương chưa thống nhất, có nơi còn chưa phù hợp. Nhận thức và năng lực chỉ đạo, quản lý công tác đối ngoại nhân dân của một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn hạn chế. Cơ sở vật chất và nguồn nhân lực còn yếu và thiếu.
Liên hiệp tuy đã huy động được sự tham gia của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong công tác đối ngoại, song chưa phát huy được hết vai trò, năng lực của đội ngũ này, nhất là cho công tác phân tích, nghiên cứu, dự báo tình hình, xây dựng chiến lược, chính sách về hoạt động đối ngoại nhân dân...
Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử có ý nghĩa trọng đại trong quá trình phát triển của đất nước. Đổi mới là một sự nghiệp to lớn, toàn diện và lâu dài. Kinh nghiệm của chúng tôi là hầu như ai đã qua thăm Việt Nam đều yêu quý Việt Nam hơn. Đó là xuất phát từ lòng mến khách, sự chân thành và đặc biệt nhất là mong muốn thực sự cháy bỏng của người dân Việt Nam là hòa bình và hữu nghị, là bạn của tất cả mọi người. Cho nên làm thế nào để có nhiều bạn bè hơn nữa cho đất nước, thêm những người bạn, những người ủng hộ, chia sẻ và đồng hành với chúng ta chính là bớt đi những nguy cơ cho những xung đột, những bất đồng và những thứ không có tác dụng tích cực cho sự phát triển chung của đất nước.
Trân trọng cảm ơn ông!