Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự Hội nghị triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2023, ngày 27/2. (Nguồn: Quốc hội) |
Đổi mới, năng động và hành động
Tại Hội nghị triển khai công tác đối ngoại Quốc hội 2023 ngày 27/2, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết công tác đối ngoại từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đã được triển khai toàn diện, thể hiện hình ảnh một Quốc hội Việt Nam đổi mới, năng động và hành động; đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ; đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Những nỗ lực triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội như “lửa thử vàng” trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Bất chấp những khó khăn do dịch bệnh, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội diễn ra sôi động theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp, phát huy hiệu quả lợi thế và đặc thù vừa mang tính Nhà nước, vừa mang tính nhân dân, ngày càng khẳng định vị thế của ngoại giao nghị viện.
Ngay sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát ở trong nước và trên thế giới, các hoạt động tiếp tục được triển khai tích cực, thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước Đông Nam Á và các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, góp phần đắc lực vào mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trên bình diện song phương, hoạt động đối ngoại Quốc hội lan tỏa cả về chiều sâu lẫn chiều rộng. Nổi bật là các chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới các nước đối tác đặc biệt, đối tác quan trọng của Việt Nam như Lào, Campuchia, Philippines, Hungary, Anh, Australia và New Zealand; các chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện các nước Lào, Campuchia, Ấn Độ, Mozambique, Singapore, Pháp. Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì nhiều cuộc hội đàm trực tuyến và các hoạt động đối ngoại quan trọng với Lãnh đạo Nghị viện các nước Trung Quốc, Cuba, Mexico... Những nỗ lực này đổi lại nhiều “trái ngọt” là các nội dung, thỏa thuận hợp tác thực chất, hiệu quả trong nhiều lĩnh vực xây dựng pháp luật, chính trị, kinh tế, y tế, văn hóa-xã hội…
Năm 2022, cùng với các cấp, các ngành, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã chủ trì một loạt hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam và Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào; kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia. Các hoạt động góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, đối với việc gìn giữ, vun đắp và không ngừng củng cố mối quan hệ láng giềng hữu nghị, đoàn kết gắn bó giữa Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia.
Cũng theo ông Vũ Hải Hà, trên bình diện đa phương, đối ngoại Quốc hội đã khẳng định vai trò tích cực và đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại các diễn đàn nghị viện như AIPA, IPU... chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, tranh thủ sự ủng hộ ngày càng rộng rãi của quốc hội, nghị viện, các lực lượng chính trị và nhân dân các nước đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Dấu ấn nổi bật năm 2022 là thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt.
Bên cạnh đó, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã góp phần phục vụ công tác lập pháp và thể chế hóa các cam kết quốc tế của Việt Nam; đồng thời được triển khai đa dạng qua nhiều hình thức như nhóm nghị sĩ hữu nghị, nhóm nữ đại biểu Quốc hội, nhóm đại biểu Quốc hội trẻ, với nội dung trao đổi bao quát trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế-thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển, khoa học-công nghệ, văn hóa-giáo dục, giao lưu nhân dân...
Đan xen với các hoạt động chính trị-ngoại giao, hoạt động đối ngoại của Quốc hội cũng góp phần tích cực đẩy mạnh triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị nhằm tăng cường sự đoàn kết, đồng lòng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về đất nước; thúc đẩy và giám sát triển khai công tác biên giới lãnh thổ; thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); góp phần quan trọng vào nhiệm vụ gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định; giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của đất nước.
“Thời gian tới, đối ngoại Quốc hội cần tiếp tục tăng cường gắn kết, phối hợp với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, phát huy lợi thế ngoại giao Nghị viện nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp trong triển khai đường lối đối ngoại, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; chú trọng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; phục hồi kinh tế-xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2023 ngày 27/2. |
Hiệp đồng hướng tới tương lai
Năm 2023 có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025. Thế giới đang trải qua những biến động lớn, dự báo tình hình quốc tế năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, vừa có cơ hội, thuận lợi, vừa gây ra không ít khó khăn, thách thức đối với Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, cũng tại Hội nghị triển khai đối ngoại Quốc hội 2023, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh rằng, nhiệm vụ xuyên suốt công tác đối ngoại trong thời gian tới là phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò tiên phong trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, nâng cao hơn nữa vị thế và uy tín quốc tế của đất nước.
Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban đối ngoại và các cơ quan của Quốc hội đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Thứ nhất, triển khai hiệu quả Chương trình đối ngoại cấp cao năm 2023 đã được Bộ Chính trị phê duyệt, trong đó có các hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Quốc hội và Lãnh đạo Quốc hội, ưu tiên các đối tác quan trọng, chuẩn bị tốt nội dung và bảo đảm kết quả thiết thực.
Thứ hai, nghiên cứu, thúc đẩy thể chế hóa Nghị quyết 34 của Bộ Chính trị về chủ trương, định hướng lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đối ngoại và hội nhập quốc tế nhằm đưa các chủ trương, đường lối, định hướng đối ngoại của Đảng đi vào cuộc sống, đồng thời tạo lập và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cho các hoạt động đối ngoại. Năm 2023, Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với Ủy ban đối ngoại Quốc hội và các ban, bộ, ngành liên quan xây dựng hồ sơ Luật hàm, cấp ngoại giao và Luật ưu đãi miễn trừ ngoại giao.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao hiệu quả và nâng tầm đối ngoại đa phương của Quốc hội, phát huy vai trò, tiếng nói và các sáng kiến của Việt Nam tại các cơ chế, diễn đàn nghị viện đa phương, nhất là ASEAN, AIPA, APPF, IPU; đồng thời, chuẩn bị tốt việc đăng cai các hội nghị đa phương cấp cao của Quốc hội trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Thứ tư, thúc đẩy rà soát, xây dựng và hoàn thiện pháp luật phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế Việt Nam tham gia. Đồng thời, tiếp tục đóng góp vào nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với các hoạt động đối ngoại để phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, đáp ứng tốt nhất lợi ích quốc gia-dân tộc cũng như lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, cử tri cả nước.
Cuối cùng, cũng là yếu tố cốt lõi chính là tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các trụ cột, binh chủng đối ngoại, trong đó có đối ngoại Quốc hội trong theo dõi, nghiên cứu và dự báo để đánh giá đúng tình hình, kịp thời tham mưu cho Đảng và Nhà nước những đối sách, ứng xử phù hợp.
Đây có lẽ cũng chính là kim chỉ nam để đối ngoại Quốc hội tiếp tục đóng góp xứng đáng vào thành tựu đối ngoại và phát triển đất nước như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng”.
| Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Thông tin đối ngoại góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước Ngày 19/1, tại Nhà khách Chính phủ, Bộ Ngoại giao tổ chức cuộc gặp mặt đầu năm với các cơ quan báo chí Việt Nam. |
| Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Triển khai mạnh mẽ, toàn diện, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc Nếu coi năm 2022 là năm “khởi động” những hướng công tác triển khai KL12 và NQ169 về công tác NVNONN giai đoạn 2021-2026, thì ... |
| Hội nghị triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2023 Công tác đối ngoại của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đã được triển khai toàn diện, thể hiện được hình ảnh một ... |
| Sức sống bền vững của Đề cương về văn hoá Việt Nam để lại những bài học quý báu Phát biểu kết luận Hội thảo '80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển', Trưởng ... |
| Công an-Ngoại giao phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác đối ngoại Chiều ngày 1/3, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã chủ trì buổi gặp mặt với các ... |