Đại hội XIII của Đảng đã chính thức hóa nhiệm vụ “tiên phong” của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Nhiệm vụ vinh quang
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao cho công tác đối ngoại nhiệm vụ “tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc nhở đối ngoại cần phát huy vai trò tiên phong phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển đất nước; đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện phương châm ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Đây là nhiệm vụ vinh quang, trọng trách to lớn của đối ngoại đối với đất nước, có được do vai trò tiên phong đó đã được chứng minh và khẳng định qua thử thách trong nhiều giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc, trong đó vai trò tiên phong luôn được thể hiện trước hết trong tư duy, từ đó đi đến hành động.
Trong lịch sử ngàn năm dựng nuớc và giữ nước của cha ông ta, ngoại giao hòa hiếu, tâm công luôn là vũ khí sắc bén đi đầu trong việc bảo vệ nền độc lập dân tộc và phúc lợi của nhân dân, không ít lần đã giúp đất nước thoát khỏi hiểm họa chiến tranh, duy trì hòa bình hữu nghị với lân bang.
Tư duy “lấy đại nghĩa thắng hung tàn”, “lấy chí nhân thay cường bạo”, “hợp lẽ trời, thuận lòng người”... đã giúp cha ông ta khơi dậy được sức mạnh chính nghĩa của dân tộc, sử dụng được lẽ phải để phân hóa và cảm hóa kẻ thù, qua đó bảo vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc mà tránh được chiến tranh, vạn bất đắc dĩ mới phải động binh.
Trong thời đại Ngoại giao Hồ Chí Minh, chính tư duy sắc bén về thời cuộc, nhận thức đúng đắn về xu thế thời đại, về các dòng thác cách mạng của thế giới đã soi đường giúp Người đặt cuộc cách mạng giải phóng dân tộc vào đúng vị trí, nhờ đó đã kết hợp được sức mạnh thời đại để tiếp sức cho dân tộc ta.
Sau khi giành độc lập, Bác Hồ trong vai trò Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên lại trực tiếp chèo lái con thuyền ngoại giao vượt ghềnh thác để bảo vệ nền độc lập non trẻ, sau đó phát triển ngoại giao thành một mặt trận có sự phối kết hợp nhuần nhuyễn của nhiều lực lượng dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng để phát huy được sức mạnh tổng hợp của dân tộc, giúp chúng ta chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian nan, thử thách.
Trong thời kỳ Đổi mới, đối ngoại đã góp phần cập nhật tư duy về thời cuộc, về lợi ích quốc gia - dân tộc, về xu thế quan hệ quốc tế trong khu vực để phá thế bao vây cấm vận, cải thiện môi trường đối ngoại của đất nước.
Trước xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa kinh tế quốc tế, đối ngoại một lần nữa tiên phong trong việc nắm bắt các quy luật vận động của kinh tế thị trường, xu thế liên kết khu vực và quốc tế, góp phần tham mưu, định hình đường lối đối ngoại rộng mở, hội nhập khu vực và quốc tế của nước ta ngày nay.
Ôn lại lịch sử để thấy rằng, từ xa xưa cho tới hiện tại và trong thời gian tới, tư duy có vai trò rất quan trọng giúp soi đường, dẫn lối cho đối ngoại phát huy vai trò tiên phong phục vụ đất nước.
TS. Nguyễn Hùng Sơn: Trong lịch sử ngàn năm dựng nuớc và giữ nước của cha ông ta, ngoại giao hòa hiếu, tâm công luôn là vũ khí sắc bén đi đầu trong việc bảo vệ nền độc lập dân tộc và phúc lợi của nhân dân. |
Phát triển tư duy đối ngoại
Vậy cần tiếp tục làm gì để không ngừng nuôi dưỡng, phát triển tư duy đối ngoại để thúc đẩy vai trò tiên phong của đối ngoại thời gian tới?
Thứ nhất, cần không ngừng đổi mới tư duy đối ngoại. Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên cho rằng, con đường đổi mới tư duy đầy gian khó nhưng đầy tự hào, vì đổi mới tư duy đòi hỏi phải “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật”, phải dám nhìn cả vào những vấn đề trước đây còn nhạy cảm, né tránh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khuyến khích ngành đối ngoại “dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi khuôn khổ những tư duy cũ, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế”, đồng thời “phải đẩy mạnh đổi mới tư duy, mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong công tác, tìm ra cách làm mới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới”.
Thứ hai, phát triển tư duy đối ngoại trên nền tảng phương pháp luận đối ngoại Việt Nam, phát huy bản sắc đối ngoại của Việt Nam. Bản sắc đối ngoại Việt Nam hiện đại là sự phát huy truyền thống hòa mục, nhân văn, yêu nước, trí dũng và tự tôn dân tộc của cha ông ta, tinh thần đoàn kết, nhân ái, thủy chung cùng khí phách kiên cường của dân tộc ta, kết hợp nhuần nhuyễn tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc của trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh và các xu thế mới của ngoại giao hiện đại.
Theo đó, tư duy đối ngoại Việt Nam luôn có tầm nhìn rộng lớn, sắc sảo, khoa học, biện chứng về thế giới, nhận thức về lợi ích quốc gia của Việt Nam luôn phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của dân tộc và trong tương quan hài hoà với lợi ích của cộng đồng quốc tế, phương thức bảo vệ lợi ích quốc gia của Việt Nam luôn phản ánh cốt cách hòa hiếu, chính trực, mềm dẻo nhưng không kém phần cương quyết và bản lĩnh của dân tộc Việt.
Thứ ba, làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược để làm nền tảng cho tư duy đối ngoại hiện đại. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: vai trò tiên phong của đối ngoại cần thể hiện ở việc đối ngoại đánh giá, dự báo tình hình, nhận diện thời cơ và thách thức để bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, nhanh nhạy phát hiện các vấn đề mới, tham mưu chiến lược, thúc đẩy đổi mới tư duy, tìm hướng đi thuận lợi cho phát triển đất nước.
Bộ trưởng khẳng định nhiệm vụ “tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về đối ngoại, không để bị động, bất ngờ” là rất quan trọng, bởi chỉ có “biết mình”, “biết người”, “biết thời thế” mới có thể tranh thủ thời cơ, thuận lợi để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong một thế giới vận động không ngừng, phức tạp và khó lường.
Thứ tư, phát huy sức mạnh tổng hợp đối ngoại, cả trong tư duy và hành động. Sức mạnh đối ngoại của nước ta là sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Sự nghiệp đối ngoại và hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân. Do đó, phải phát huy được sức mạnh của tư duy tập thể mới có thể phát huy được được hết sức mạnh tổng hợp của đối ngoại.
Theo đó, các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, các bộ, ngành và địa phương tham gia đối ngoại cần có cơ chế tham vấn, phối hợp hiệu quả để tạo sự đồng bộ trong tư duy, qua đó nâng cao chất lượng tham mưu chính sách và hiệu quả triển khai các hoạt động đối ngoại. Sự phối kết hợp cần đặc biệt lưu ý giữa các cơ quan tham mưu chiến lược cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước, do tư duy, nhận thức của các cấp lãnh đạo sẽ có tác động sâu rộng đến định hướng của hoạt động đối ngoại.
Thứ năm, cần làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cho thế hệ tương lai. Con người là chủ thể của tư duy, muốn có tư duy đối ngoại tốt cần có các thế hệ cán bộ đối ngoại giỏi, xứng tầm với nhiệm vụ.
Do vậy cần không ngừng chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm đối ngoại ngay từ trong ghế nhà trường. Cần chú trọng đào tạo toàn diện, không chỉ kiến thức về thế giới mà về cả kiến thức trong nước; cân bằng giữa kiến thức và kỹ năng; giữa các giá trị lịch sử, truyền thống và các giá trị hiện đại.
Đặc biệt, cán bộ ngoại giao cần được giáo dục về tư tưởng, được rèn luyện bản lĩnh để vững vàng đảm nhiệm vai trò tiên phong bảo vệ lợi ích quốc gia từ sớm, từ xa trong môi trường quốc tế ngày càng phức tạp.
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã cụ thể hóa khát vọng phát triển dân tộc bằng các mục tiêu cụ thể. Với tâm thế và tư duy mới, đối ngoại chắc chắn sẽ kế thừa truyền thống vẻ vang của dân tộc, tiếp tục tiên phong bảo vệ cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc trong giai đoạn phát triển mới.