Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc, tháng 12/2021. (Nguồn: TTXVN) |
Trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, tác động sâu sắc đến thế giới và các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Đại dịch Covid-19 kéo dài đến đầu năm 2023. Căng thẳng Mỹ-Trung không có dấu hiệu giảm nhiệt. Xung đột Nga-Ukraine sang tháng thứ 16, chưa có hồi kết; đối đầu giữa Nga và phương Tây lên đỉnh điểm với 11 đợt trừng phạt và một số hiệp ước kiểm soát vũ khí tấn công chiến lược và lực lượng quân sự bị hủy bỏ. Xu hướng “đa cực, đa trung tâm” ngày càng rõ. Thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống gia tăng. Chuỗi cung ứng, sản xuất bị chia cắt, kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái. Tất cả những điều đó ảnh hưởng đến hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Những dấu ấn và kết quả nổi bật
Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế cơ bản thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với những dấu ấn nổi bật.
Một là, triển khai mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ các hoạt động đối ngoại cả ba trụ cột, ở nhiều cấp, các lĩnh vực, tạo sức mạnh tổng hợp. Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân kết hợp chặt chẽ, huy động đa dạng các lực lượng, vận dụng nhiều hình thức, công cụ đối ngoại, phát huy sức mạnh tổng hợp của ngoại giao Việt Nam.
Hai là, thúc đẩy đồng bộ, hài hòa, cân bằng quan hệ với các đối tác, nhất là với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã diễn ra khoảng 170 hoạt động đối ngoại cấp cao, trong đó 32 chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo chủ chốt, hơn 80 cuộc điện đàm/hội đàm trực tuyến, tham dự gần 30 hội nghị quốc tế trực tuyến; đồng thời, đón 31 đoàn lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế. Quan hệ với các đối tác, nhất là với các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Ba là, nâng tầm đối ngoại đa phương, đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam hoàn thành tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77; trúng cử và thực hiện nhiệm vụ ủy viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC), Hội đồng Chấp hành UNESCO….
Chúng ta ngày càng chủ động đóng góp có trách nhiệm tại các thể chế đa phương ở khu vực và toàn cầu, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, giải quyết các thách thức chung như an ninh biển, nguồn nước, lương thực và biến đổi khí hậu…, góp phần tạo vị thế tốt hơn cho quan hệ song phương của Việt Nam với các đối tác quan trọng, nhất là nước lớn. Việt Nam tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc với quy mô, thành phần, nhiệm vụ lớn hơn, được Liên hợp quốc và các nước đánh giá cao.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm chính thức CHDCND Lào, tháng 4/2023. (Nguồn: TTXVN) |
Bốn là, tiếp tục tranh thủ các nguồn lực kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo từ bên ngoài cho phát triển đất nước. Việt Nam đã tham gia sâu hơn, trở thành mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu. Năm 2022 kim ngạch thương mại vượt mốc 700 tỷ USD; góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới trong 5 năm qua và vào nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Trong đại dịch Covid-19, triển khai mạnh mẽ, hiệu quả ngoại giao y tế, ngoại giao vaccine trên các kênh song phương, đa phương, nhận được hơn 151 triệu liều vaccine, góp phần đẩy lùi đại dịch. Chúng ta cũng hỗ trợ vật tư, tài chính cho hơn 50 quốc gia và tổ chức y tế thế giới, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Năm là, phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại và quốc phòng, an ninh góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, ngăn ngừa nguy cơ, thực hiện bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; tiếp tục phát huy, nâng cao hiệu quả các hình thức, biện pháp như giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới; kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân khu vực biên giới; tham gia tuần tra chung, diễn tập cứu hộ cứu nạn trên biển… Đối với các tồn tại lịch sử, vấn đề mới nảy sinh, tranh chấp chủ quyền biển đảo, biên giới, chúng ta đã xử lý bình tĩnh, chắc chắn nhiều vụ việc phức tạp, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình.
Sáu là, tiếp tục triển khai mạnh mẽ ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại, quảng bá sâu rộng hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới; vận động UNESCO công nhận nhiều di sản, danh hiệu, nâng cao hình ảnh và thương hiệu quốc gia, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tích cực chủ động hội nhập quốc tế; chủ động kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, xuyên tạc.
Bảy là, tiếp tục triển khai toàn diện, mạnh mẽ, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả hơn công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân, kịp thời xử lý hiệu quả nhiều tình huống, vụ việc khẩn cấp, phức tạp, chưa có tiền lệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người Việt Nam ở nước ngoài nhất là trong đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine; thu hút nguồn lực của kiều bào cho sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Cũng không thể không nói đến chúng ta đã xử lý khôn khéo, linh hoạt, hiệu quả nhiều tình huống phức tạp, nhạy cảm trong quan hệ quốc tế trong bối cảnh hết sức phức tạp. Chúng ta luôn kiên định nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; không chọn phe mà chọn lẽ phải, công lý. Trên cơ sở đó, xử lý linh hoạt, khôn khéo, hài hòa, cân bằng các mối quan hệ cả ở góc độ song phương và đa phương, không để mối quan hệ với đối tác này cản trở, ảnh hưởng đến quan hệ với đối tác khác; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời đóng góp cho hòa bình, ổn định và hợp tác của thế giới và khu vực.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự một phiên họp trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Labuan Bajo, Indonesia, tháng 5/2023. (Nguồn: TTXVN) |
Nguyên nhân và bài học kinh nghiệm
Kết quả nêu trên do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chủ yếu, quyết định nhất là đường lối đối ngoại đúng đắn, thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương; sự quản lý thống nhất của Nhà nước.
Đảng, Nhà nước xác định rõ vai trò quan trọng của đối ngoại trong bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tiên phong trong tạo dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, tranh thủ điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế của Việt Nam; từ đó, thể chế hóa, pháp luật hóa để triển khai thực hiện, đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Đó là sự đoàn kết, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và toàn dân; sự đóng góp, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ngành, mà Ngoại giao là lực lượng nòng cốt, xung kích, tạo sức mạnh tổng hợp to lớn của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại.
Qua thực tiễn công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước với công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế là nhân tố quyết định. Phối hợp chặt chẽ ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân và các kênh, các lĩnh vực.
Thứ hai, tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết là khâu có ý nghĩa quyết định hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nghị quyết rất quan trọng, nhưng hơn hết phải thấm nhuần và thực hiện tốt, biến tư tưởng chỉ đạo, chính sách, chủ trương thành hiện thực sinh động, ra của cải vật chất. Lúc đó mới là thực hiện thành công Nghị quyết”.
Thứ ba, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; phát huy tối đa sức mạnh nội sinh, tranh thủ ngoại lực cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng vị thế, tâm thế mới của Việt Nam trong ứng xử và xử lý mối quan hệ với các nước, song phương cũng như đa phương; tạo thế đan xen lợi ích chiến lược, ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, bị cô lập, phụ thuộc.
Thứ tư, kiên định nguyên tắc, linh hoạt về sách lược trong xử lý các mối quan hệ, các tình huống, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia, dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế; vừa hợp tác vừa đấu tranh, vận dụng phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái; “tùy cơ ứng biến”.
Thứ năm, thường xuyên làm tốt công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình, đối tác, đối tượng, nắm bắt thời cơ, tham mưu chiến lược trong hoạch định và triển khai thực hiện chính sách, đề xuất chủ trương, biện pháp đối ngoại phù hợp, hiệu quả, khả thi, không để bị động, bất ngờ.
Thứ sáu, tình hình càng biến động, càng khó khăn, phức tạp, càng phải đổi mới tư duy, nội dung, phương thức đối ngoại và hội nhập quốc tế; quán triệt thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi khuôn khổ những tư duy cũ, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế; mạnh dạn đột phá, sáng tạo, tìm ra cách làm mới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Australia với Chủ tịch Thượng viện Sue Lines và Chủ tịch Hạ viện Milton Dick, tháng 11/2022. (Nguồn: TTXVN) |
Nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII
Thành tựu trong nửa đầu nhiệm kỳ tạo đà, các bài học kinh nghiệm là cơ sở để tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tuy nhiên, tình hình thế giới tiếp tục chuyển biến nhanh chóng, xuất hiện những khó khăn, thách thức mới, đặt ra những yêu cầu cao hơn. Trước bối cảnh đó, để thực hiện phương hướng, nhiệm vụ đối ngoại nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động.
Hai là, tiếp tục mở rộng, kết hợp chặt chẽ và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại trên các lĩnh vực, nhất là hợp tác chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa với các nước; tiếp tục đưa các mối quan hệ với các đối tác, trước hết là các nước láng giềng, các nước lớn đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả; ưu tiên duy trì ổn định và giữ quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý các khác biệt vấn đề nảy sinh trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, kiểm soát bất đồng, dựa trên luật pháp quốc tế.
Ba là, tích cực triển khai có hiệu quả chủ trương chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế; ưu tiên tìm kiếm, mở rộng thị trường cho hàng hóa, dịch vụ; thu hút nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý vào các lĩnh vực ưu tiên của đất nước; triển khai đồng bộ, hiệu quả, sáng tạo ngoại giao kinh tế, lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân làm trung tâm.
Bốn là, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về nâng tầm công tác đối ngoại đa phương; triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, sáng tạo hơn; phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước, chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương; thể hiện mạnh hơn vai trò nòng cốt trong xây dựng Cộng đồng ASEAN; chủ động hơn trong ứng xử và xử lý các vấn đề, tình huống phức tạp, nhạy cảm; tiếp tục tham gia tích cực vào các tổ chức Liên hợp quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Tổng thư ký Tòa trọng tài thường trực (PCA) Marcin Czepelak cắt băng khai trương Văn phòng đại diện của PCA tại Hà Nội, tháng 11/2022. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Năm là, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu dự báo, tham mưu chiến lược và công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại; tập trung đánh giá xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng và khu vực; đầu tư phương tiện trang bị hiện đại; ứng dụng khoa học, công nghệ, công nghệ số để nâng cao chất lượng công tác thu thập tổng hợp, xử lý thông tin, kết luận, đánh giá chính xác xu hướng diễn biến của tình hình; đề xuất chủ trương, đối sách, biện pháp phù hợp.
Sáu là, tiếp tục triển khai mạnh mẽ ngoại giao văn hóa, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại; quảng bá hình ảnh Việt Nam hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động đấu tranh với các thông tin giả, xuyên tạc.
Bảy là, đẩy mạnh xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại; trường phái “ngoại giao cây tre”; bổ sung, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực đối ngoại. Các cơ quan ngoại giao tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Tăng cường quản lý, rèn luyện, thường xuyên làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức, năng lực, phong cách chuyên nghiệp, hiện đại, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ làm công tác ngoại giao, đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.