📞

Đối phó kịch bản Nga cắt nguồn cung, EU đặt hy vọng lớn vào dòng khí đốt từ Nigeria

13:50 | 24/07/2022
EU hiện nhập khẩu 14% trong tổng nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng từ Nigeria và khối này hoàn toàn có khả năng mua gấp đôi con số đó.
Trong một nỗ lực đối phó với kịch bản xấu nhất là phía Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt, EC ngày 20/7 cho hay, các nước thành viên EU nên cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong giai đoạn từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023. (Nguồn: Getty)

Liên minh châu Âu (EU) đang tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt bổ sung từ Nigeria giữa lúc khối này chuẩn bị cho kịch bản Nga cắt giảm nguồn cung nhiên liệu.

Thông tin trên được ông Matthew Baldwin, Phó Giám đốc phụ trách ban Năng lượng của Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra hôm 23/7 tại Nigeria. Ông Baldwin đã có các cuộc họp với giới chức của nhà sản xuất dầu lớn nhất châu Phi trong tuần này.

Phía Nigeria cho biết, nước này đang cải thiện tình hình an ninh ở đồng bằng sông Niger và có kế hoạch mở lại đường ống Trans Niger sau tháng 8 tới - điều sẽ giúp tăng lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu.

Chia sẻ với báo giới, quan chức năng lượng châu Âu cho hay, EU hiện nhập khẩu 14% trong tổng nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nigeria và khối này hoàn toàn có khả năng mua gấp đôi con số đó.

Cũng theo ông Baldwin, Nigeria trong năm 2021 đã xuất khẩu 23 tỷ m3 khí đốt sang EU, nhưng con số này đã giảm dần từ trước đó. Hồi năm 2018, khối này mua 36 tỷ m3 LNG từ quốc gia châu Phi.

Sản lượng dầu và khí đốt ở Nigeria đang bị hạn chế do hoạt động trộm cắp, phá hoại đường ống, khiến nhà máy sản xuất khí đốt LNG Ltd tại Đảo Bonny hoạt động chỉ với 60% công suất.

Đại diện EC cho biết, nếu nhà máy có thể tăng công suất lên đến hơn 80%, Nigeria có thể tăng thêm lượng LNG được giao ngay đến châu Âu.

Được biết, phía Nigeria đã mời ông Baldwin trở lại thảo luận một lần nữa vào cuối tháng Tám, vì họ nghĩ hai bên có thể đạt tiến bộ thực sự về việc này.

Trước đó, trong một nỗ lực đối phó với kịch bản xấu nhất là phía Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt, EC ngày 20/7 cho hay, các nước thành viên EU nên cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong giai đoạn từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023.

Mục tiêu ban đầu là các nước tự nguyện, nhưng lời kêu gọi sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc nếu EC tuyên bố tình trạng khẩn cấp về nhiên liệu.