📞

Đổi thay ở Mường Trai

Thanh Tâm 13:17 | 19/05/2022
Baoquocte.vn. Cuộc sống của người dân ở xã vùng cao Mường Trai (Mường La, Sơn La) ngày càng khởi sắc rõ nét. Giờ đây, người dân có thêm nhiều nghề mới để mưu sinh, như nuôi cá tầm hay kinh doanh dịch vụ du lịch ở lòng hồ sông Đà…
Du khách vừa ngắm những dãy núi in bóng trên mặt hồ, vừa thưởng thức ẩm thực, vừa đắm say trong điệu múa của bà con dân tộc Thái. (Ảnh: Thanh Tâm)

Du lịch phát triển

Mường La từ lâu đã được coi vùng đất sơn thủy hữu tình, núi non hùng vĩ, thơ mộng; cùng nhiều danh lam thắng cảnh hấp dẫn khác... Quả nhiên, giữa vùng sông nước mênh mông, thuyền ngược xuôi, neo giữa những lồng cá là nhà nổi Mường Trai với thiết kế toàn bộ bằng tre, mái lợp cỏ gianh, tạo cho du khách cảm giác mộc mạc, thân thiện.

Giữa không gian của khu nhà nổi, chúng tôi được thưởng thức những ẩm thực đặc trưng vùng lòng hồ, như: cá nướng, cá gỏi, cá hấp, canh chua, các món gà, vịt... ăn cùng những món rau rất riêng của vùng núi Tây Bắc.

Theo anh Lò Văn Bước (người Thái đen) - chủ nhà nổi Mường Trai: Tất cả các sản phẩm phục vụ ăn uống cho du khách đều do bà con trong bản nuôi trồng, đánh bắt. Vì vậy, chất lượng luôn tươi ngon, đảm bảo.

Ngoài thưởng thức ẩm thực, nhà nổi còn phục vụ du khách tham quan, du lịch lòng hồ. Với mỗi chuyến ngắn khoảng hơn một giờ đồng hồ, du khách được tham quan khu nuôi cá tầm, hang Lán Lanh, Lán Ha; đặc biệt là di tích lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Pháp Pom Đồn. Còn những chuyến dài, du khách được tham quan Nhà máy thủy điện Sơn La, thủy điện Huổi Quảng, cầu Pá Uôn, đảo trái tim (Quỳnh Nhai)...

Để phục vụ du khách tham quan, du lịch lòng hồ, nhà nổi có 2 thuyền máy sức chứa 15 người và kết nối với 4 tàu dịch vụ du lịch có sức chứa từ 25 - 80 người, với giá từ 150 nghìn đồng đến 3 triệu đồng/người, tùy loại thuyền và lộ trình tham quan của đoàn khách.

Anh Lò Văn Bước cho biết, nhà nổi Mường Trai được xây dựng và đưa vào hoạt động tháng 1/2018, với mong muốn tạo điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm thu hút du khách đến với Mường Trai. Anh Bước đã chủ động kết nối với các hộ sản xuất, nuôi trồng thủy sản và các chủ thuyền trên địa bàn để liên kết cùng hoạt động, phục vụ các dịch vụ theo nhu cầu của du khách; anh lập Facebook với tên “Nhà nổi Mường Trai” để quảng bá hình ảnh về các điểm du lịch, các dịch vụ, giới thiệu thông tin và cách thức liên hệ tạo thuận lợi cho khách đặt dịch vụ theo nhu cầu.

Thời gian tới, anh Bước dự kiến sẽ mở rộng thêm một số dịch vụ, như câu cá quanh nhà nổi; một số điểm tham quan, khám phá hang động, dịch vụ nhà nghỉ cộng đồng để du khách có thêm không gian trải nghiệm.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực

Theo lãnh đạo xã Mường Trai, xã có 7 bản, 524 hộ là đồng bào dân tộc Thái và La Ha cùng sinh sống. Trước kia, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp thuần túy, nhưng những năm trở lại đây, do việc chuyển dịch vật nuôi cây trồng, đặc biệt là nuôi cá trên hồ và kinh doanh dịch vụ du lịch, nên đời sống của người dân được nâng lên.

Khách du lịch tham quan khu vực nuôi cá tầm. (Ảnh: Thanh Tâm)

Với sự chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, UBND xã, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể và sự nỗ lực của nhân dân, kinh tế Mường Trai giờ đây đã có sự chuyển biến rõ nét. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 10%; 97% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% hộ được dùng điện lưới quốc gia; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống dưới 15%; 93% đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 100% lớp học được kiên cố hóa; 100% bản có nhà văn hóa. Tháng 12/2019, xã Mường Trai được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Thời gian tới, xã Mường Trai tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa; thâm canh tăng năng suất; áp dụng kỹ thuật vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; đẩy mạnh khai thác hiệu quả giá trị sử dụng đất, phát triển thương mại và dịch vụ du lịch.

Để phát triển du lịch, xã Mường Trai nói riêng và huyện Mường La nói chung đang tập trung triển khai nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm về du lịch tới tìm hiểu, đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo sự đa dạng cho các tuyến, tour du lịch.

Hiện nay, hệ thống giao thông từ Mường La đi Than Uyên (Lai Châu), Nghĩa Lộ (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai) khá thuận lợi. Đây cũng là lợi thế để các tỉnh vùng Tây Bắc nói chung kết nối du lịch liên vùng; cũng như cho Mường Trai nói riêng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững; giúp đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, phấn đấu trở thành xã phát triển khá của huyện Mường La.