Tham dự Đối thoại có Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng; Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick; Trưởng đại diện Quỹ KAS Việt Nam Peter Girke; các diễn giả Nguyễn Hồng Thao (Thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế Liên Hợp Quốc), Nguyễn Mạnh Đông (Vụ trưởng, Vụ Biển, Ủy ban Biên giới), Andrew Wiguna Mantong (Nghiên cứu viên, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Indonesia), Đỗ Thanh Hải (Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao); cùng các đại biểu từ Học viện Ngoại giao, Quỹ Konras Adenauer Stiftung và Đại sứ quán Úc tại Hà Nội.
Đối thoại có sự tham gia của khoảng 80 đại biểu đại diện từ nhiều Bộ, ngành, cơ quan có liên quan. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Phát biểu khai mạc Đối thoại, Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng nhấn mạnh, biển có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển về kinh tế cũng như trong vấn đề an ninh quốc gia. Do đó, việc quản lý và khai thác tài nguyên ở vùng biển là một vấn đề cấp thiết, nhất là trong tình hình hiện nay khi việc khai thác tài nguyên diễn ra nhanh chóng nhưng lại không được bảo vệ. Sự khai thác quá mức đã dẫn đến sự xuống cấp nhanh chóng của môi trường biển và cạn kiệt tài nguyên.
Chính vì vậy, chúng ta cần có những động thái để nâng cao nhận thức của những quốc gia có liên quan, nhằm nâng cao hiệu quả trong việc bảo vệ tài nguyên biển.
Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng phát biểu khai mạc Đối thoại. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Ông Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết, tăng cường hợp tác trong quản lý các vấn đề về biển với các nước trong khu vực sẽ không chỉ mang lại cơ hội cho hội nhập kinh tế và phát triển mà còn giúp chống lại tội phạm xuyên quốc gia như đánh bắt trái phép, buôn lậu người, khủng bố và vi phạm bản quyền.
Ông Craig Chittick cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với Ban tổ chức đã tạo tổ chức đối thoại để giúp những người làm công tác liên quan có thể tham dự sự kiện và tìm hiểu các vấn đề biển đông thông qua đối thoại.
Ông Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam phát biểu tại Đối thoại. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Ông Peter Girke, Trưởng văn phòng KAS tại Việt Nam đánh giá cao về đối thoại và vui mừng khi cùng với Học viện Ngoại giao và Đại sứ quán Australia tại Hà Nội khởi động chương trình đối thoại mới trong năm nay.
Ông nhấn mạnh, đây là một chủ đề rất quan trọng và có thể trở thành một chuỗi đối thoại dài hơi trong vài năm sắp tới. Các cuộc đối thoại với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế mang đến những góc nhìn quốc tế, cùng góc nhìn từ Việt Nam thông qua các chuyên gia đến từ Việt Nam sẽ góp phần thành công đáng kể trong quản lý vấn đề biển tại Việt Nam cũng như khu vực.
Các diễn giả tại phiên thảo luận bàn tròn "Chiến lược Quản trị Biển: Vấn đề Biển Đông". (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đối thoại có sự tham gia của khoảng 80 đại biểu, đại diện từ nhiều Bộ, ngành, viện hàn lâm, cơ quan ngoại giao tại Hà Nội, cựu sinh viên Australia, sinh viên Học viện Ngoại giao. Các đại biểu tham dự đã cùng tham dự phiên thảo luận bàn tròn “Chiến lược Quản trị Biển : Vấn đề Biển Đông” với các diễn giả Nguyễn Hồng Thao (Thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế Liên Hợp Quốc), Nguyễn Mạnh Đông (Vụ trưởng, Vụ Biển, Ủy ban Biên giới), Andrew Wiguna Mantong (Nghiên cứu viên, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Indonesia), Đỗ Thanh Hải (Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao). Kết thúc phiên thảo luận bàn tròn, các đại biểu sẽ tham dự phiên thảo luận tự do.