📞

Đối thoại Nga-Mỹ đóng vai trò nòng cốt trong kiểm soát vũ khí toàn cầu

Thu Hiền 08:54 | 01/08/2021
Bộ Ngoại giao Nga ngày 31/7 khẳng định, một cuộc đối thoại chiến lược toàn diện Nga-Mỹ đã được Tổng thống hai nước nhất trí trong cuộc gặp tại Geneva có thể góp phần khắc phục tình trạng suy yếu của khuôn khổ kiểm soát vũ khí toàn cầu.
Một cuộc đối thoại chiến lược toàn diện Nga-Mỹ được Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Biden nhất trí trong cuộc gặp hồi tháng 6 tại Geneva, Thụy Sỹ. (Nguồn: AP)

Trong thông cáo nhân dịp kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START I), Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Liên bang Nga luôn nhất quán ủng hộ chính sách tăng cường ổn định chiến lược và an ninh quốc tế thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao, trong đó có việc ký kết các hiệp ước và thỏa thuận liên quan".

Nga cho rằng các biện pháp đó "trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh những nỗ lực có chủ ý đang được thực hiện nhằm làm suy yếu khuôn khổ kiểm soát vũ khí quốc tế và làm xói mòn các nền tảng của khuôn khổ này”.

Thông cáo nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng một cuộc đối thoại chiến lược song phương, đã được Tổng thống Nga và Mỹ nhất trí trong cuộc gặp hôm 16/6 có thể góp phần khắc phục xu hướng cực kỳ nguy hiểm này”.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, START I ký ngày 31/7/1991 đã trở thành hiệp ước quốc tế đầu tiên giới hạn kho vũ khí tấn công chiến lược của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.

“Hiệp ước đã đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực ổn định quan hệ Nga-Mỹ liên quan đến vấn đề hạt nhân và tên lửa, đảm bảo mức độ minh bạch và khả năng dự báo cần thiết trong các chính sách của hai quốc gia về lĩnh vực hạt nhân chiến lược, giúp tăng cường an ninh trên quy mô khu vực".

Trong giai đoạn 2009-2010, các điều khoản của Hiệp ước đã trở thành nền tảng cho một Hiệp ước mới giữa Nga và Mỹ về các biện pháp cắt giảm và hạn chế hơn nữa vũ khí tấn công chiến lược (New START).

New START được gia hạn thêm 5 năm hồi tháng 2 năm nay.

(theo TASS)