UKVFTA thực thi từ đầu năm 2021 đã giúp nhiều sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tại thị trường Anh. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Xuất khẩu sang Anh tăng ấn tượng
Đúng như mục tiêu khi đàm phán UKVFTA là bảo đảm thương mại song phương không gián đoạn khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), sau một năm thực thi FTA này, thương mại Việt - Anh được duy trì ở mức cao trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gián đoạn thương mại toàn cầu.
Theo số liệu của hải quan Việt Nam, trong 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Anh đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Việt Nam thặng dư thương mại 4,46 tỷ USD. Ước cả năm, thương mại giữa hai nước khoảng 6,7 tỷ USD, tăng hơn 18% so với năm 2020, thặng dư thương mại gần 5,7 tỷ USD.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh (kiêm nhiệm Ireland) khẳng định: “UKVFTA đảm bảo giao thương giữa hai nước không bị gián đoạn và duy trì đà phục hồi xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 trước nhiều tác động tiêu cực của đại dịch”.
Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ghi nhận, năm 2021, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đều tăng trưởng tốt. Các mặt hàng dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng gồm sắt thép (1.183%); cao su (82,3%); nông sản (70,8%); sản phẩm mây, tre, cói và thảm (60,3%); hạt tiêu (48%); phương tiện vận tải và phụ tùng (35,3%); gốm sứ (35,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (21%).
Giá trị tuyệt đối vẫn khiêm tốn
Xuất khẩu sang Anh tăng nhờ đòn bẩy UKVFTA, nhưng do giá trị tuyệt đối trong giao dịch thương mại chưa đến 7 tỷ USD/năm, nên trị giá trao đổi thương mại giữa Việt Nam với Vương quốc Anh còn thấp và có khoảng cách khá xa với các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay các quốc gia thuộc EU như Đức, Hà Lan.
Thống kê của cơ quan thương vụ cho thấy, hàng Việt tại Anh mới chiếm chưa đầy 1%, trong khi mỗi năm Anh nhập khẩu hơn 700 tỷ USD hàng hóa. Đơn cử, với mặt hàng cà phê, dù Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất tính theo khối lượng vào thị trường này, nhưng tính theo trị giá thì mới chiếm khoảng 11%, đứng thứ tư (sau Pháp, Đức và Brazil).
Ông Trần Thái, Giám đốc Công ty T&T Meridian (UK) cho hay, người Anh không uống cà phê đậm đặc như cà phê đen của Việt Nam, nên cà phê thành phẩm có mùi và vị mạnh quá sẽ khó bán ở thị trường Anh. Ngoài ra, thói quen của người tiêu dùng nước này là đọc thông tin trên bao bì rất kỹ, nên sản phẩm cần có bao bì đẹp, thông tin cụ thể.
Với ngành hàng rau quả, thuế xuất khẩu sang Anh đã về 0%, nhưng chưa nhiều doanh nghiệp Việt tăng xuất khẩu các mặt hàng mới, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này tăng chưa đáng kể. Các loại trái cây tươi như vải, thanh long, nhãn và gạo thơm đã có mặt, nhưng chủ yếu được bày bán tại các siêu thị nhỏ lẻ phục vụ cộng đồng người Việt và một phần nhỏ cộng đồng người gốc Á, chưa thâm nhập được các siêu thị lớn của Anh. Chi phí vận chuyển bằng đường hàng không đắt đỏ là rào cản với trái cây Việt nhập khẩu vào Anh.
Triển vọng còn rất lớn
Ông Nguyễn Huy, đại diện Tập đoàn Eurofins Assurance Việt Nam gợi ý, tổ chức lại sản xuất theo tiêu chuẩn nhà nhập khẩu, hướng tới các tiêu chuẩn toàn cầu như GlobalG.A.P sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận khách hàng và thị trường hơn. “Sản phẩm chất lượng, có lợi cho sức khỏe người dùng, quá trình sản xuất ít phát thải… sẽ dễ thâm nhập thị trường. Đặc biệt, phải đầu tư, nâng cấp công nghệ bảo quản và vận chuyển nông sản bằng đường biển, nhằm giảm chi phí vận chuyển”, ông Huy khẳng định.
Doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng và phát triển quan hệ bạn hàng với các tập đoàn phân phối lớn tại Anh như Tesco, Sainburry, Whole Foods, Waitrosse, Mark & Spencers, Liddle, Cosco, Aldi, Strada, Westmill. Các kênh này sẽ giúp đưa hàng Việt đến thị trường này hiệu quả hơn.
Triển vọng để hàng Việt tăng xuất khẩu sang Anh trong năm 2022 và các năm tới còn rất lớn. Ông Cường thông tin, Chính phủ Anh đang thực hiện chiến lược thương mại “Global Britain” nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Anh sẵn sàng mở cửa thị trường nội địa theo phương thức “có đi có lại” với các đối tác nước ngoài thông qua các FTA.
Đồng thời, Anh đang đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Anh sẵn sàng mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm của 11 nước thành viên tham gia hiệp định này, để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho các sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp Anh.
Một yếu tố nữa là cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam và Anh mang tính chất bổ sung, thay vì cạnh tranh, cũng là lợi thế để tăng tốc xuất khẩu. Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu mặt hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản… và nhập khẩu từ Anh các mặt hàng như dược phẩm, máy móc, thiết bị.
UKVFTA thực thi từ đầu năm 2021 đã giúp nhiều sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tại thị trường Anh so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và nhiều nước khác. Dù vậy, do mới là năm đầu thực thi FTA, lại thêm tác động của dịch bệnh, nên chưa phản ánh hết mức độ thâm nhập thị trường của các ngành hàng, doanh nghiệp. |