Dự án 1,32 tỷ USD của Công ty TNHH LEGO Manufaturing Việt Nam (Đan Mạch), với mục tiêu sản xuất đồ chơi và thực hiện quyền xuất nhập khẩu, bán buôn bán lẻ hàng hóa tại Bình Dương. |
Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến ngày 20/03/2022, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt trên 8,9 tỷ USD, bằng 87,9% so với cùng kỳ năm 2021.
“Ngoài vốn đầu tư đăng ký mới tiếp tục giảm thì cả vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đều tăng mạnh so với cùng kỳ”, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.
Cụ thể, trong quý đầu năm, có 322 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 37,6% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký đạt trên 3,21 tỷ USD (giảm 55,5% so với cùng kỳ).
Thực tế, việc vốn đầu tư đăng ký mới 3 tháng đầu năm 2022 giảm mạnh so với cùng kỳ là dễ hiểu. 3 tháng đầu năm ngoái, có nhiều dự án quy mô vốn lớn trên 100 triệu USD được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư.
Riêng các dự án này đã chiếm tới 75,3% tổng vốn đăng ký mới của 3 tháng năm 2021, đặc biệt trong đó có dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II có vốn đầu tư trên 3,1 tỷ USD và dự án nhiệt điện Ô Môn II có vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD.
Tin liên quan |
Tập đoàn LEGO đầu tư hơn 1 tỷ USD xây dựng nhà máy tại Việt Nam |
Năm nay, mới chỉ có một dự án tỷ USD duy nhất được cấp chứng nhận đầu tư. Đó là dự án 1,32 tỷ USD của Công ty TNHH LEGO Manufaturing Việt Nam (Đan Mạch), với mục tiêu sản xuất đồ chơi và thực hiện quyền xuất nhập khẩu, bán buôn bán lẻ hàng hóa tại Bình Dương.
Chính dự án tỷ USD này đã góp phần quan trọng đưa tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 3 tháng qua lên 8,9 tỷ USD.
Ngoài các dự án cấp mới, theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong quý I/2022, còn có 228 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 41,6% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 4,06 tỷ USD (tăng 93,3% so với cùng kỳ).
Cùng với đó, có 734 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (bằng 100% so với cùng kỳ), với tổng giá trị vốn góp đạt trên 1,63 tỷ USD (tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ).
Trong khi đó, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ và tăng 0,6 điểm phần trăm so với 2 tháng đầu năm 2022.
“Với sự trợ giúp liên tục và hiệu quả của Chính phủ và các cơ quan chức năng, cùng với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp vượt qua đại dịch và thích ứng với tình hình mới, các doanh nghiệp đã dần phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã ngày càng tích cực hơn, khi điều chỉnh vốn và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đều tăng so với cùng kỳ cả về số lượng và vốn đầu tư. Nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được mở rộng vốn với quy mô lớn trong 3 tháng đầu năm.
Và mặc dù vốn đầu tư đăng ký mới giảm khá mạnh, kéo theo làm giảm tổng vốn đầu tư trong 3 tháng, song số lượng dự án đầu tư mới vẫn tiếp tục tăng (37,6%). Điều này cho thấy, dù có những tác động bất lợi từ đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng đầu tư hiện hữu.
Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho việc, việc mở cửa du lịch từ ngày 15/3, cùng với chính sách miễn thị thực cho một số quốc gia; xu hướng dịch chuyển vốn của các nhà đầu tư châu Âu do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine cũng sẽ tác động tới thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới.
Ở góc độ khác, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong quý I/2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 5,3 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 2,7 tỷ USD, chiếm 30,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo đối tác đầu tư, thì Singapore vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 2,29 tỷ USD, chiếm 25,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 50,1% so với cùng kỳ 2021; Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 1,61 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư, tăng 35,6% so với cùng kỳ.
Đặc biệt là với dự án LEGO có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Đan Mạch vượt lên đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần gần 1,32 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư.
| Đưa dòng vốn FDI trở lại Việt Nam Việc khôi phục các chính sách thị thực như trước Covid-19 sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào ... |
| Việt Nam tiếp tục 'hút' vốn FDI từ Mỹ Dòng vốn FDI từ Mỹ sẽ chảy vào Việt Nam mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực như kinh tế số, năng lượng xanh, y ... |