Dệt may sẽ là một trong những ngành được dự báo được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA. (Ảnh minh họa) |
Việt Nam và EU vừa ký Tuyên bố chung chính thức kết thúc đàm phán EVFTA.Đánh giá của ông về mức độ cam kết của hai bên trong quá trình đàm phán?
Theo tôi, với thời gian gần ba năm đàm phán, EVFTA có thể coi là một trong những FTA có thời gian đàm phán tương đối nhanh, nhanh hơn cả Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này thể hiện cam kết rất cao của hai bên.
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Với EVFTA, Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi xuất khẩu hàng hóa sang EU vì Việt Nam đang phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ mạnh trên thị trường châu Âu như Trung Quốc, các nước ASEAN khác... Với FTA với EU, Việt Nam sẽ có lợi thế so với Trung Quốc, hiện vẫn chưa ký FTA với EU.
Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phát triển năng động, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh. Đây sẽ là thị trường tiềm năng của các sản phẩm, hàng hóa từ châu Âu. Trước khi có EVFTA, hàng rào thuế quan của Việt Nam áp dụng đối với nhiều sản phẩm nhập khẩu từ EU khá cao. Vì vậy, phía EU cũng rất quan tâm và muốn đẩy nhanh việc ký kết Hiệp định.
EU cũng đánh giá cao vị trí địa lý quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Vì những lý do này mà cả hai bên đều nỗ lực cao trong việc thúc đẩy đàm phán, đi đến kết thúc và ký kết Hiệp định trong thời gian tới.
EU hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Sau khi Hiệp định được ký kết, ông nhận định thế nào về cán cân thương mại giữa hai bên?
Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Sau khi có hiệu lực, ngay lập tức mức thuế bình quân áp dụng cho hàng hóa của Việt Nam nhập khẩu vào EU là 4,6%, tuỳ ngành. Trong đó, có 65% hàng hoá Việt sẽ được miễn thuế hoàn toàn. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU có xu hướng tăng và sẽ tăng cao hơn nữa khi Hiệp định có hiệu lực. Dự án EU – MUTRAP ước tính, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng từ 50% lên 93% đến năm 2020 (trung bình từ 4-8% hàng năm) trong khi xuất khẩu từ châu Âu sang Việt Nam sẽ tăng 43%.
Các ngành có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA là dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, thủ công mỹ nghệ…
Ông Claudio Dordi - Tư vấn trưởng Dự án hỗ trợ chính sách và đầu tư của châu Âu (EU – MUTRAP). |
Triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) từ các nước châu Âu vào Việt Nam sẽ như thế nào, thưa ông?
Việt Nam luôn là điểm đến đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư châu Âu bởi các bạn có dân số trẻ, chính trị ổn định, nền kinh tế tăng trưởng nhanh cùng sự cởi mở về chính sách đầu tư, hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang đàm phán và ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Canada, Nga...Vì vậy, rất nhiều nhà đầu tư châu Âu đang có kế hoạch chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam để tận dụng không chỉ lợi thế từ EVFTA mà còn từ các FTA giữa Việt Nam với các nước này.
Trong Hiệp định EVFTA cũng có một chương về bảo vệ đầu tư. Chương này đưa ra những điều khoản, quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư châu Âu khi đầu tư tại Việt Nam. Với sự đảm bảo như vậy, tôi tin chắc sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư châu Âu đến Việt Nam.
Dệt may, da giày, nông sản sẽ là những mặt hàng có lợi thế lớn nhất về xuất khẩu nhưng tại sao lộ trình cắt giảm thuế quan của các sản phẩm Việt Nam lại dài hơn phía EU?
Theo Hiệp định EVFTA, lộ trình giảm thuế của EU là bảy năm, của Việt Nam là mười năm. Thực ra đây đều là những ngành tương đối nhạy cảm đối với một số nước trong EU. Chúng tôi đưa ra lộ trình cắt giảm thuế quan như vậy là để các nhà sản xuất ở châu Âu có thể làm quen với tình hình mới và có thời gian chuẩn bị để đối mặt với sự canh tranh gay gắt từ phía các nhà sản xuất Việt Nam.
Vậy doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú ý những điểm gì để tận dụng tốt nhất những cơ hội từ Hiệp định ?
Có một thực tế là nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu mang giá trị thương hiệu rất thấp. Mặc dù, thời gian qua, các mặt hàng da giày và dệt may xuất khẩu nhiều vào thị trường châu Âu, tuy nhiên rất ít người tiêu dùng châu Âu biết đến các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, bởi các doanh nghiệp của Việt Nam thường xuất khẩu qua các đầu mối, doanh nghiệp trung gian, hoặc theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp châu Âu, do đó, giá trị thặng dư hay lợi nhuận mà các doanh nghiệp da giày và dệt may Việt Nam thu được không cao.
Đón EVFTA, để nâng cao giá trị sản phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy và mô hình kinh doanh, thành lập các chuỗi cửa hàng phân phối sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng tại châu Âu, bởi hiện nay lĩnh vực phân phối tiêu dùng đang được các nước châu Âu khuyến khích phát triển. Với thuế suất nhiều mặt hàng về 0% khi Hiệp định có hiệu lực, đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao được năng lực cạnh tranh tại thị trường châu Âu.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa vào quy tắc xuất xứ sản phẩm, tạo lập thương hiệu quốc gia và tập trung vào những sản phẩm thân thiện với môi trường và xã hội, tuân thủ các quy định kỹ thuật và an toàn, vệ sinh… tại nước nhập khẩu.
Thời gian tới, dự án EU – Mutrap sẽ có những chính sách hỗ trợ nào giúp các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tốt hơn các quy định của thị trường châu Âu ?
Trong thời gian tới, dự án EU – Mutrap sẽ triển khai nhiều hơn các chương trình, hoạt động nhằm hỗ trợ, cung cấp thông tin, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm đón đầu những cơ hội và lợi thế từ Hiệp định EVFTA cũng như đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn của thị trường châu Âu. Hiện nay chúng tôi cũng đang soạn thảo kế hoạch hoạt động của năm thứ ba, bắt đầu từ tháng 1/2016 kéo dài đến tháng 6/2017. Đây cũng là giai đoạn cuối cùng của dự án EU – MUTRAP.
Giang Ly (thực hiện)