Thẩm phán Robart, người được bổ nhiệm từ thời Tổng thống George W. Bush, tuyên bố phán quyết có hiệu lực từ ngày 3/2, theo đó lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump có thể được dỡ bỏ ngay lập tức. Ngay sau phán quyết, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) đã thông báo với các hãng hàng không rằng họ có thể nhận hành khách bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập cảnh.
Thẩm phán James Robart. (Nguồn: CNN) |
Một nguồn tin cho hay, Bộ Ngoại giao Mỹ đang làm việc với Bộ An ninh Nội địa để xem xét những tác động của phán quyết đối với hoạt động của Bộ Ngoại giao, đồng thời sẽ có thông báo về những thay đổi đối với các hành khách ngay khi có thể. Trong khi đó, Bộ Tư pháp chưa đưa ra quyết định kháng cáo và cho biết sẽ xác định các bước đi tiếp theo sau khi xem xét văn bản phán quyết trên.
Phán quyết của thẩm phán Robart được coi là một đòn giáng mạnh nhất từ trước tới nay nhằm vào sắc lệnh siết chặt thị thực đối với người nhập cư của Tổng thống Donald Trump. Chính quyền Washington vẫn có thể kháng cáo quyết định này và tiếp tục thực thi chính sách cấm nhập cảnh.
Trong phản ứng mới nhất, Nhà Trắng cam kết chống lại phán quyết của thẩm phán James Robart, theo đó tạm thời chặn đứng lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump đối với công dân đến từ 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer gọi sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ là "hợp pháp và phù hợp", đồng thời khẳng định Bộ Tư pháp sẽ yêu cầu hoãn thi hành khẩn cấp đối với phán quyết của tòa án liên bang "sớm nhất có thể". Ông Spicer nêu rõ: "Sắc lệnh của tổng thống nhằm mục đích bảo vệ đất nước và ông có quyền hiến pháp cũng như trách nhiệm bảo vệ nhân dân Mỹ".
Sắc lệnh của Tổng thống Trump yêu cầu ngưng cho người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày, cấm người tị nạn từ Syria vào Mỹ vô thời hạn và cấm công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria, và Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày.