Việt Nam tiếp tục là một điểm đến an toàn và hấp dẫn sau khi đón nhận nhiều dự án tỷ USD. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Đầu tư vào Việt Nam tăng trở lại
Ít ngày trước, tỉnh Long An đã chính thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Điện khí LNG Long An I và II, do VinaCapital GS Energy Pte.Ltd (Singapore) đầu tư. Dự án có công suất dự án 3.000 MW, bao gồm 2 nhà máy tua-bin khí chu trình hỗn hợp, công suất mỗi nhà máy 1.500 MW, vốn đầu tư đăng ký lên tới 3,1 tỷ USD.
Và không nằm ngoài dự đoán, việc có thêm một dự án tỷ USD nữa được cấp chứng nhận đầu tư, sau Dự án Nhiệt điện Ô Môn II, vốn đầu tư 1,31 tỷ USD, đã giúp “xoay chuyển” tình thế. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng trở lại, chứ không còn giảm mạnh như trong 2 tháng đầu năm.
Tin liên quan |
Đón tin mừng từ các dự án tỷ USD |
Cụ thể, như thông tin vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến hết ngày 20/3/2021, cả nước đã thu hút được 10,13 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Điểm đặc biệt là, ngoại trừ vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần vẫn giảm (đạt 805 triệu USD, giảm 58,8% so với cùng kỳ), thì cả vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm đều tăng, thậm chí tăng rất cao, sau khi liên tục giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt 7,2 tỷ USD, tăng 30,6%; còn vốn tăng thêm đạt 2,1 tỷ USD, tăng 97,5% so với cùng kỳ.
Ở một góc độ khác, Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, trong 3 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Đó là những con số tích cực, cho thấy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang có xu hướng tăng trưởng tốt.
“Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp tục phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh tốt sau tác động của đại dịch Covid-19 và do đó, vốn đầu tư tăng thêm, vốn đầu tư giải ngân đều tăng mạnh. Việc các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đăng ký đầu tư thêm các dự án mới, quy mô lớn càng khẳng định Việt Nam là một điểm đến an toàn và hấp dẫn”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nói.
Ông Hoàng cũng bày tỏ sự vui mừng khi kể từ đầu năm tới nay, nhiều dự án quy mô lớn đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là xu hướng các đại gia công nghệ đầu tư vào Việt Nam ngày một nhiều.
Không chỉ lượng, mà cả “chất” của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã có sự thay đổi.
“Hàng ngon” còn ở phía trước
Hai dự án tỷ USD vào Việt Nam kể từ đầu năm tới nay là một thông tin tốt. Nhưng chắc chắn, đó không phải là tất cả. Dự báo của các chuyên gia cho thấy, vẫn còn rất nhiều dự án tốt, “món hàng” tốt sẽ được đưa đến Việt Nam trong thời gian tới.
Một ví dụ có thể nhắc đến là Dự án công nghệ cao, quy mô 1,5 tỷ euro có thể sẽ được Công ty AT&S của Áo đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Cách đây ít ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Thomas Schuller-Gotzburg, Đại sứ Cộng hòa Áo và ông Ingolf Schroeder, Giám đốc điều hành AT&S - công ty đang đi tìm địa điểm đầu tư dự án công nghệ cao tại Việt Nam.
Thông tin cho biết, phải tới tháng giữa 4/2021, AT&S mới có quyết định cuối cùng về việc có đặt nhà máy ở Việt Nam hay không, bởi thời gian qua, công ty này không chỉ tới Việt Nam, mà còn tới nhiều nước khác trong khu vực để tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. AT&S cũng không chỉ tới Thái Nguyên, mà còn tới một số địa điểm khác trong cả nước để tìm kiếm địa điểm. Tuy nhiên, “cửa” cho Việt Nam là khá sáng.
Chính ông Schroeder cũng cho biết, AT&S tự tin có thể xây dựng nhà máy sản xuất ở Việt Nam trong thời gian ngắn, để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn trong lĩnh vực sản xuất chân đế vi mạch tích hợp, chuyên ứng dụng trong các ngành sản xuất công nghiệp, bán dẫn, công nghệ cao… Nếu lựa chọn Việt Nam, AT&S sẽ động thổ dự án vào cuối năm nay, và mất 1 năm để hoàn thành, đưa vào hoạt động. Theo AT&S, Thái Nguyên có thể đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng.
Chưa có gì là chắc chắn về quyết định đầu tư của AT&S, song rõ ràng, sự xuất hiện của một tên tuổi lớn và đến từ một thị trường đầu tư khá mới (Áo) đã cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang “nhòm ngó” Việt Nam và thực sự quan tâm.
Trong một diễn biến khác, một nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết, Tập đoàn Foxconn mới đây đã chia sẻ kế hoạch “đi đường dài” với Việt Nam. Do vậy, khoản đầu tư của họ không chỉ là thêm 700 triệu USD trong năm nay, mà còn hơn thế nữa. Foxconn nhiều năm trước đã công bố sẽ đầu tư tới 5 tỷ USD tại Việt Nam, cùng các động thái gần đây của nhà sản xuất này đã khiến dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi rằng, phải chăng, Foxconn đang bắt đầu khởi động lại đại kế hoạch đầu tư mà họ từng dang dở trong thập kỷ trước?
Nếu vậy, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục tăng nhanh trong năm nay!