Ông Trump cho biết đã để ý đến 5 người mà theo ông đều rất có khả năng cho vị trí cố vấn ANQG. (Minh họa của Jeff Darcy trên trang cleveland.com) |
Giống như một phản ứng có điều kiện, câu hỏi được đặt ra gần như ngay lập tức ở rất nhiều nơi trên thế giới sau khi ông John Bolton không còn là cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Donald Trump nữa là, việc này sẽ có tác động ở mức độ nào đến quan điểm, đường lối chính sách của ông Trump trong thời gian tới và ai sẽ kế nhiệm ông Bolton? Ông Trump cho biết, đã để ý đến 5 người mà theo ông đều rất có khả năng. Giới truyền thông Mỹ và quốc tế lập ra danh sách còn dài hơn thế.
Câu trả lời đầy đủ nhất và chuẩn xác nhất có thể tìm thấy được ở một phát ngôn của ông Trump trước giới báo chí ngày 12/9 vừa qua: "Cố vấn an ninh quốc gia là công việc đơn giản. Các bạn có biết vì sao không ? Vì tôi quyết định tất cả. Cố vấn an ninh quốc gia không cần làm gì cả". Phát ngôn này của ông Trump giải thích một điều đã xảy ra và báo hiệu một điều cho thời gian tới.
Từ chức hay bị sa thải?
Điều đã xảy ra này là ông Bolton rời nhiệm sở. Ông Bolton cho biết đã tự nguyện từ chức. Ông Trump cho hay là đã sa thải ông Bolton.
Ông Bolton không phải là cộng sự đầu tiên của Tổng thống Trump khăn gói ra đi và cứ theo mô thức ứng xử lâu nay của ông Trump thì đối với ông chủ Nhà Trắng này, chỉ có chuyện những cộng sự thất sủng bị ông sa thải chứ không có chuyện họ tự nguyện từ chức, tức là chỉ có chuyện ông Trump chủ động quyết định và hành động trước chứ không có chuyện cộng sự bị thất sủng kia đặt ông Trump trước sự đã rồi.
Ông Bolton không thể không nhận thấy rằng, nếu không chủ động từ chức thì cũng sẽ bị ông Trump sa thải. Cho nên trong chuyện này, khả năng ông Bolton chủ động từ chức nhiều hơn và đáng tin hơn kịch bản ông Bolton bị ông Trump sa thải.
Điều sắp xảy ra là ai sẽ kế nhiệm ông Bolton. Câu trả lời không khó có được vì đơn giản là ở thời ông Trump trị vì nước Mỹ và nếu ông Trump không thay đổi sự đánh giá vai trò của cố vấn an ninh quốc gia cho tổng thống thì ai kế nhiệm ông Bolton cũng được, cũng đều sẽ chẳng làm nên chuyện lớn lao gì và rồi sớm muộn cũng sẽ không tránh khỏi kết cục số phận như ông Bolton nếu không chấp nhận trở thành kẻ gọi thì dạ bảo thì vâng trước ông Trump.
Sau Michael Flynn và Herbert R. McMaster, ông Bolton là cố vấn an ninh quốc gia thứ 3 của ông Trump khi vị Tổng thống này chưa qua được hết một nhiệm kỳ cầm quyền ở Mỹ. Michael Flynn chưa ngồi quen trong văn phòng đã phải từ chức đã đành chứ còn cả hai người kế nhiệm đều đâu có làm được gì trong thời gian đương nhiệm. So vào những lý tưởng mà họ theo đuổi và những mục tiêu mà họ đề ra thì cả hai đều đã thất bại. Một người không kiềm chế được ông Trump còn người kia không chi phối được ông Trump.
Sai lầm nào của ông Bolton?
Ông Bolton có nhiều điểm tương đồng với ông Trump hơn ông McMaster nhưng lại mắc phải sai lầm rất cơ bản. Như ông Trump, người này tin rằng, chỉ cần gia tăng áp lực tối đa và duy trì áp lực như thế thì đối tác hay đối thủ nào của Mỹ trên thế giới cũng đều sẽ bị Mỹ khuất phục và chinh phục. Nhưng khác với ông Trump, ông Bolton cổ suý cho việc Mỹ can thiệp vào thế giới bên ngoài và thôi thúc sử dụng biện pháp quân sự để thực hiện lợi ích của Mỹ.
Sai lầm tai hại nhất của ông Bolton là đã quá coi nhẹ sự coi trọng và mức độ ưu tiên hàng đầu của ông Trump dành cho mục tiêu được cầm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa. Ông Trump muốn cộng sự nghe lời chứ không thích nghe lời cộng sự. Đối với người này, không có chuyện trứng đòi khôn hơn vịt. Cho nên, tác động và ảnh hưởng của cả ông McMaster lẫn ông Bolton tới cách suy tính chính sách, quan điểm và định hướng chính sách cũng như mô thức hành xử của ông Trump không chỉ có rất hạn chế mà còn chỉ rất nhỏ, nhỏ đến mức không thể đủ để làm ông Trump thay đổi. Nếu như những người này có ảnh hưởng tới ông Trump như những đồng nghiệp tiền nhiệm của họ tới các tổng thống Mỹ trước ông Trump thì toàn bộ chính sách đối ngoại và quan hệ của Mỹ với các đồng minh, đối tác cũng như đối thủ sẽ không như hiện tại.
Cố vấn an ninh quốc gia có quan trọng?
Cố vấn an ninh quốc gia cho tổng thống ở Mỹ là một quan chức chính phủ trong Phủ Tổng thống Mỹ và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của tổng thống. Người này đứng đầu nhóm cố vấn trong Hội đồng an ninh quốc gia được thành lập ở thời tổng thống Mỹ Harry Truman theo Luật về an ninh quốc gia ngày 26/7/1947. Ông Truman lập ra cương vị Cố vấn an ninh quốc gia ngày 23/3/1953.
Robert Cutler là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đầu tiên và cũng duy nhất hai lần đảm trách cương vị này. Từ thời tổng thống Mỹ Richard Nixon, cố vấn an ninh quốc gia cho tổng thống Mỹ thường tại nhiệm cùng nhiệm kỳ cầm quyền của tổng thống. Henry Kissinger được coi là cố vấn an ninh quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất tới tổng thống đương nhiệm, cùng với ông Nixon tạo thành cặp bài trùng thực sự.
Các tổng thống Mỹ sau đấy đều khá coi trọng vai trò tư vấn của các cố vấn an ninh quốc gia. Chỉ có ông Trump là khác. Người này có cách tư duy chính trị khác và có cách tiếp cận khác về sử dụng quyền lực. Cho nên, thời ông Trump cầm quyền ở Mỹ không phải là thời thịnh trị hay hoàng kim của các cố vấn an ninh quốc gia. Ở thời này, ai được ông Trump đưa đẩy vào cương vị ấy cũng vậy thôi đối với ông Trump, nếu biết đón ý chiều lòng và không thể hiện tớ khôn hơn thầy thì sẽ tại vị lâu, còn nếu không thì rồi chẳng bao lâu sẽ phải chủ động ra đi để cứu vãn thanh danh nếu muốn tránh bị sa thải một cách không thương tiếc.