📞

Đồng Bitcoin đã 'hết thời'?

Mai Ly 13:16 | 22/07/2021
Những biến động khó lường về giá trị của đồng Bitcoin khiến nhiều người hoài nghi về khả năng Bitcoin có thể trở thành một hình thức thanh toán rộng rãi.
Đồng Bitcoin ngày càng lớn mạnh và có vai trò không nhỏ đối với hệ thống tài chính toàn cầu. (Nguồn: Getty)

Bitcoin là đồng tiền kỹ thuật số ra đời từ cách đây hơn 1 thập kỷ, vào ngày 31/10/2008, trong bối cảnh thế giới đang vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính. Đồng tiền này được cho là sự lựa chọn mới so với hệ thống tài chính truyền thống, vốn bị nghi ngờ sau sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers tại Mỹ.

Trong hơn 10 năm qua, đồng tiền Bitcoin đã ngày càng lớn mạnh và có vai trò không nhỏ đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

Sức hút của bitcoin

Khi Bitcoin được giới thiệu vào năm 2008, người sở hữu đồng tiền điện tử này kỳ vọng vào một loại tiền tệ phổ biến toàn cầu, không chịu sự quản lý của bất kỳ ngân hàng trung ương nào và bất kỳ ai cũng có có thể tiếp cận, sở hữu và giao dịch chúng.

Tiền kỹ thuật số, hoạt động dựa trên nền tảng blockchain (chuỗi khối), được ví như nơi trú ẩn an toàn trong trường hợp thị trường tiền pháp định suy thoái. Đến nay đã có 2.000 đồng tiền kỹ thuật số ra đời sau Bitcoin.

Dù vậy, những biến động khó lường về giá trị của đồng Bitcoin khiến nhiều người hoài nghi về khả năng Bitcoin có thể trở thành một hình thức thanh toán rộng rãi.

Giá trị quy đổi của đồng Bitcoin đã tăng "phi mã" từ mức 20.000 USD năm 2017 lên đỉnh 65.000 USD ghi nhận giữa tháng 4/2021. Tuy nhiên, sau đó, đồng tiền này “lao dốc” mạnh, giảm hơn 50%, với giá của đồng Bitcoin trong phiên 19/7 đã giảm xuống dưới ngưỡng 30.000 USD, khiến 98 tỷ USD bị xóa sổ khỏi thị trường tiền điện tử chỉ trong vòng 24 giờ.

Và cũng chính vì sự biến động giá lớn, tiền điện tử đã trở thành tài sản có tính đầu cơ cao. Giá của Bitcoin giờ đây có thể được coi là một tín hiệu phản ánh tâm lý ưa thích đầu tư vào các tài sản có mức độ rủi ro.

Đó cũng là lý do giải thích tại sao thị trường tiền kỹ thuật số thế giới đã tăng trưởng theo cấp số nhân trong năm nay, khi ngày càng trở nên thu hút sự quan tâm hơn của các tên tuổi lớn trên Phố Wall.

Morgan Stanley trở thành ngân hàng lớn đầu tiên tại Mỹ cung cấp dịch vụ sử dụng quỹ đầu tư Bitcoin cho các khách hàng của mảng quản lý tài sản. Ngân hàng này cho biết động thái trên là một bước quan trọng để chấp nhận Bitcoin như một loại tài sản.

Một “ông lớn” khác trên Phố Wall là Goldman Sachs cũng được dự đoán sẽ có bước đi tương tự cho các khách hàng của mảng quản lý tài sản tư nhân.

Không chỉ ở Mỹ, nhu cầu đầu tư vào tiền điện tử cũng rất lớn. Ở nhiều quốc gia, tình trạng suy thoái kinh tế, lạm phát cao, đồng nội tệ mất giá và sự thiếu hụt USD để đầu tư đã trở thành "cú hích" đối với tiền kỹ thuật số.

Sớm bị thay thế bởi CBDC?

Tuy nhiên, trên thực tế, những biến động khó lường về giá trị của đồng Bitcoin khiến nhiều người hoài nghi về khả năng Bitcoin có thể trở thành một hình thức thanh toán rộng rãi.

Trong bối cảnh đại dịch và khủng hoảng y tế hiện nay, tiền điện tử có tiềm năng trở thành một giải pháp thay thế tương đương trong thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số.

Sự phát triển của tiền kỹ thuật số đã trở thành động lực để các quốc gia nghiên cứu và phát triển đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC).

Là phương án số hóa đồng tiền pháp định của quốc gia (tiền được luật pháp công nhận), CBDC cho phép các cá nhân và doanh nghiệp trực tiếp gửi tiền tại ngân hàng trung ương để thực hiện các giao dịch thanh toán và chuyển tiền trực tuyến.

Ngoài tiền giấy, cho đến nay, chỉ các thể chế tài chính như các ngân hàng thương mại mới được phép tiếp cận tiền ở ngân hàng trung ương. Ngân hàng trung ương các nước giờ đây đang quan tâm đến việc phát hành đồng tiền kỹ thuật số vì lo sợ mất kiểm soát nguồn cung tiền vào các hệ thống thanh toán bằng đồng tiền điện tử, như Bitcoin hay đồng Diem của “người khổng lồ” Facebook (Mỹ).

Giới quan sát đã đặt câu hỏi rằng sự ra đời của CBDC liệu có thể "xóa sổ" các loại tiền điện tử phi tập trung, khi mà bản chất của CBDC và tiền kỹ thuật số mã hóa như Bitcoin vốn khác nhau?

Quản lý hay cấm đoán?

Trước sự bùng nổ của Bitcoin, nhiều quốc gia cho rằng nếu không có hình thức quản lý hợp lý và hiệu quả, các đồng tiền kỹ thuật số phi tập trung có thể sẽ gây ra những hệ lụy khác ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách tiền tệ, tạo ra sự hỗn loạn trong xã hội, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm mới chỉ được nghe kể về những câu chuyện làm giàu từ đồng Bitcoin và nghĩ rằng họ cũng có thể trở nên giàu có như vậy. Ngày càng có nhiều vụ lừa đảo người sở hữu tiền điện tử nhập tên và mật khẩu đăng nhập trên các trang web hay ứng dụng giả mạo để đánh cắp thông tin và tài khoản của họ.

Bên cạnh đó là các hành vi chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư thông qua các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số trái phép hay mô hình đa cấp Ponzi - một kiểu vay tiền của người này để trả nợ người khác - và các hình thức gian lận khác.

Theo nghiên cứu của công ty phân tích blockchain Chainalysis, tiền điện tử hấp dẫn đối với tội phạm chủ yếu do tính chất ẩn danh của nó và sự dễ dàng chuyển tiền ngay lập tức ở mọi nơi trên thế giới.

Phản ứng của các chính phủ đối với tiền kỹ thuật số mới là những động thái trái chiều. Một số quốc gia ban hành lệnh cấm toàn diện trong khi một số khác đang tiến hành thảo luận và có thể tiến tới áp đặt các khung quy định nhằm quản lý “dòng chảy” của các đồng tiền kỹ thuật số.

Quản lý một mỏ đào Bitcoin ở Tứ Xuyên (Trung Quốc). (Nguồn: People Visual)

El Salvador là quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán, công nhận tính hợp pháp của đồng tiền kỹ thuật số này. Chính phủ coi giao dịch bằng đồng tiền kỹ thuật số là cách nhanh nhất để chuyển hàng tỷ USD kiều hối về nước và ngăn chặn thất thoát hàng triệu USD cho các bên trung gian.

Bên cạnh đó, với việc công bố Luật Bitcoin, đã có nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm tới thị trường El Salvador. Chính phủ quốc gia Trung Mỹ này cũng thông báo kế hoạch xây dựng một nhà máy “đào" Bitcoin bằng năng lượng địa nhiệt từ núi lửa, được coi là 100% sạch, có thể tái tạo và không gây khí thải độc hại.

Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là những quốc gia có cách tiếp cận “cởi mở” đối với hoạt động sở hữu và giao dịch tiền điện tử.

Nhật Bản thì thành lập Hiệp hội các sàn giao dịch tiền điện tử Nhật Bản (JVCEA) bao gồm một số nhà điều hành sàn giao dịch lớn nhất ở Nhật Bản, đã được thành lập năm 2018, nhằm đưa ra các quy định giúp quản lý tài sản của nhà đầu tư hiệu quả và an toàn hơn. Hàn Quốc vào năm 2020 đã ban hành bộ luật để điều chỉnh và hợp pháp hóa các đồng tiền kỹ thuật số và các hoạt động giao dịch tiền kỹ thuật số.

Ngược lại, Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong việc đưa ra những biện pháp mạnh để kiểm soát và hạn chế các hoạt động giao dịch và khai thác tiền điện tử. Ngoài việc cấm sử dụng tiền kỹ thuật số trong các giao dịch, Trung Quốc cũng đóng cửa các trang trại đào tiền điện tử trên khắp đất nước.

Làn sóng kiểm soát tiền điện tử trên toàn cầu đã lan sang Vương quốc Anh. Các nhà quản lý tại đây đã cấm sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu thế giới Binance ngừng thực hiện các hoạt động kinh doanh theo luật định.

Về phía Mỹ, năm 2020, chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã đề xuất một dự luật về chống rửa tiền bằng tiền kỹ thuật số. Dự luật này yêu cầu những người đang giữ các đồng tiền điện tử trong ví kỹ thuật số cá nhân phải xác thực danh tính nếu họ thực hiện các giao dịch có giá trị từ 3.000 USD trở lên.

Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ tài chính khuyến nghị, về mặt kỹ thuật, không có cách nào ngăn chặn hoặc truy vết trực tuyến các giao dịch tiền ảo khi chúng hoạt động trên nền tảng công nghệ chuỗi khối.

Giám đốc của sàn giao dịch Coinswitch Sharan Nair chỉ ra rằng, các quốc gia ban hành lệnh cấm tiền ảo đều chứng kiến thị trường ngầm bùng nổ và sự phát triển của các giao dịch "chợ đen" sẽ càng khó kiểm soát hơn.

(theo CNBC)