📞

Dòng chảy phương Bắc 2: Mỹ-Đức công bố thỏa thuận đột phá, Ukraine ngồi trên đống lửa

Việt Hà 06:37 | 22/07/2021
Sau nhiều năm tranh cãi, ngày 21/7, Berlin và Washington cuối cùng đã đạt được bước đột phá trong bất đồng về dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga qua biển Baltic tới Đức.
Mỹ-Đức cuối cùng đã đạt được bước đột phá trong bất đồng về dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2. (Nguồn: Reuters)

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã xác nhận việc Mỹ-Đức đạt được thỏa thuận về Dòng chảy phương Bắc 2 khi bà điều trần trước Thượng viện Mỹ.

Trong một thông cáo chung, chính phủ hai nước khẳng định: “Mỹ và Đức nhất trí quyết tâm buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho những hoạt động gây hấn và có dụng ý xấu thông qua các biện pháp trừng phạt và những công cụ khác”.

Thông cáo nêu rõ, nếu Nga cố gắng sử dụng năng lượng làm vũ khí hoặc tiếp tục thực hiện những hành động gây hấn đối với Ukraine, Đức sẽ triển khai những hành động ở cấp quốc gia và gây sức ép để đưa ra các biện pháp hiệu quả ở cấp độ Liên minh châu Âu (EU), trong đó có các biện pháp trừng phạt, “để hạn chế năng lực xuất khẩu trong lĩnh vực năng lượng của Nga tới châu Âu”.

Theo thông cáo, cam kết của Đức và Mỹ nhằm đảm bảo rằng “Nga sẽ không lạm dụng bất kỳ đường ống nào, bao gồm cả Dòng chảy phương Bắc 2, để đạt được những mục đích chính trị bằng cách sử dụng năng lượng như một thứ vũ khí”.

Thông tin từ Berlin cho biết, Mỹ sẽ không áp đặt thêm bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Ngoài ra, theo thỏa thuận, Đức và Mỹ ủng hộ gia hạn thêm 10 năm thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga-Ukraine, một nguồn thu chính của Kiev, sẽ hết hạn vào năm 2024.

Trong thoả thuận, hai bên cũng nhất trí thành lập Quỹ xanh Ukraine với nguồn tài trợ khởi nghiệp là 150 triệu Euro từ Đức. Mục đích là để đạt được hiệu ứng đòn bẩy với sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân với tổng trị giá 1 tỷ USD.

Quỹ này cũng liên quan tới các dự án hydro, hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo nhằm giúp Ukraine ít phụ thuộc hơn vào khí đốt của Nga. Đức cũng đã cam kết hỗ trợ về kỹ thuật trong việc kết nối mạng lưới điện Ukraine vào hệ thống lưới điện của châu Âu.

Trong một phản ứng đầu tiên về thông tin trên, Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh rằng, quyết định về dự án không thể được đưa ra "sau lưng của các bên thực sự bị dự án đe dọa".

Trong khi đó, Ngoại trưởng nước này Dmytro Kuleba xác nhận, Ukraine đã chính thức gửi công hàm đề xướng triển khai tiến trình tham vấn với EU và Đức về Dòng chảy phương Bắc 2, vốn bị Kiev cho là đe dọa đến an ninh của Ukraine, vi phạm nguyên tắc đa dạng hóa năng lượng của Liên minh Năng lượng EU.

Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Kuleba cho hay Ukraine đã gửi công hàm về vấn đề trên cho EU và Berlin.

(theo Reuters, AP)