Việc triển khai các chương trình đã được thực hiện theo hướng thiết thực và hiệu quả. Hiện tổng số thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đã giảm 201 thủ tục, ở ba cấp còn lại 1.534 thủ tục. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm trung bình 40% thời gian so với quy định của Trung ương. 14/15 Trung tâm hành chính công các địa phương trong tỉnh đã đưa 100% thủ tục hành chính vào thực hiện, cung cấp 1.286 dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, tỷ lệ hài lòng của công dân về chất lượng cung ứng dịch vụ công đạt trên 98%.
Fanpage DDCI hỗ trợ doanh nghiệp
Trong hoạt động gần đây nhất, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh phối hợp với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh ra mắt Fanpage DDCI Quảng Ninh và tổ chức Tọa đàm về Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm mục đích tiếp nhận thông tin trực tiếp từ cộng đồng doanh nghiệp, để các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ, đồng hành cùng doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh trao kỷ niệm chương cho các sở, ban, ngành, địa phương và cá nhân lãnh đạo các đơn vị có chất lượng điều hành xuất sắc trong DDCI 2016. |
2016 là năm thứ hai Quảng Ninh tổ chức khảo sát và thực hiện bộ chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, địa phương (DDCI). Theo đó, bộ chỉ số năm 2016 có nhiều nét mới. Đối tượng khảo sát mở rộng hơn, gồm 29 cơ quan (14 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh và 15 sở, ngành). Bộ chỉ số DDCI năm 2016 cũng đã có bổ sung tiêu chí mới, đưa vào đánh giá trách nhiệm, xếp hạng của người đứng đầu từng địa phương và các sở ngành trên cơ sở tích hợp dữ liệu từ các câu hỏi trong bộ chỉ số DDCI. Đây được xem là bước đột phá, mạnh dạn và quyết liệt của tỉnh.
Trên cơ sở ý kiến khảo sát 989 doanh nghiệp với hai bộ câu hỏi liên quan đến chất lượng điều hành của các địa phương và sở, ban, ngành, Bộ chỉ số được tính toán dựa theo tám chỉ tiêu: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động của lãnh đạo; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ Doanh nghiệp; thiết chế pháp lý; trách nhiệm, xếp hạng của người đứng đầu.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại vào năm 2020, Quảng Ninh đang tiếp tục tập trung đẩy mạnh các giải pháp, sáng kiến đột phá, tạo chuyển biến căn bản trong công tác cải cách hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tích cực triển khai chủ đề năm 2017 của tỉnh là “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh” đến các sở ngành, địa phương, tạo sự tham gia, hưởng ứng sâu rộng của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND Quảng Ninh Nguyễn Đức Long hy vọng, với tinh thần cầu thị, mong muốn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng đi vào thực chất, với sự phối hợp của cộng đồng doanh nghiệp, Quảng Ninh sẽ tiếp tục giữ vững và phát huy chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Hình ảnh Quảng Ninh sẽ gắn với thương hiệu môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 35/NQ-CP và Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ…
Giúp doanh nghiệp hiểu rõ luật
Cũng trong dịp này, hơn 50 doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đại hiện Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ninh cũng đã tham dự Tọa đàm về Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận những chính sách của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV (có hiệu lực từ năm 2018); những chính sách của tỉnh Quảng Ninh còn hiệu lực, đặc biệt là các chính sách cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa liên quan đến nông nghiệp, nông thôn; đồng thời, đề xuất kiến nghị, giải pháp để các chính sách này đi vào cuộc sống.
Đánh giá về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng quy định tại một số điều trong Luật còn chung chung, chưa có điểm mới. Để triển khai thực tế, Trung ương và tỉnh Quảng Ninh cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ về đất đai và vốn, tư vấn và đào tạo… Nhóm doanh nghiệp này khi mới thành lập gặp nhiều khó khăn, tài sản ít, khó tiếp cận vay vốn do trở ngại về thủ tục tín chấp, thế chấp.
Tại đây, đại diện các sở, ngành, địa phương của tỉnh Quảng Ninh làm rõ những thắc mắc của doanh nghiệp về điều kiện nguồn vốn vay tín chấp, ngân hàng dựa vào một trong các yếu tố gồm doanh nghiệp có tình hình tài chính minh bạch và lành mạnh, sự bảo lãnh của Quỹ bảo trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có báo cáo đánh giá xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp.
Hiện nay, trong tổng số trên 98 nghìn tỷ dư nợ của Quảng Ninh thì có 30% dư nợ, doanh nghiệp được các ngân hàng cho vay dựa trên tín chấp. Bởi vậy, việc các địa phương tăng cường tuyên truyền Luật đến với doanh nghiệp, nhằm tiếp cận cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh rất quan trọng. Ngoài ra, các cơ hội để doanh nghiệp và các sở, ngành liên quan trao đổi nhiều ý kiến trở nên rất hữu hiệu. Tại đây, mọi vấn đề từ tiếp cận và áp dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; hoạt động của các cụm công nghiệp địa phương; vấn đề quy hoạch quỹ đất, mặt nước; GPMB thực hiện các dự án đầu tư theo Luật đất đai 2013… đều được hỗ trợ giải quyết.